Mức lương tối thiểu khó theo kịp cuộc sống tối thiểu

00:00 12/10/2020

Mặc dù Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu (TLTT) vùng năm 2017 lên 7,3%, song các chuyên gia khẳng định, đời sống của người lao động (NLĐ) chưa thể giảm bớt khó khăn

Chưa thống nhất cách xác định Khảo sát thực tế tình hình đời sống của NLĐ trong các DN năm 2016 của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho thấy, nhiều DN chỉ trả lương cơ bản cho NLĐ sát với mức lương tối thiểu. Cộng với các khoản phụ cấp tăng thêm không đủ bù đắp sức lao động và duy trì cuộc sống, nên họ buộc phải làm thêm giờ. Thế nên thời điểm này, khi Bộ LĐTB&XH xây dựng dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, vấn đề lương tối thiểu lại đầy tranh cãi, bởi việc xác định mức sống tối thiểu còn nhiều chuyện phải bàn như phương pháp tính, cơ cấu mặt hàng lương thực thực phẩm, chi phí sinh hoạt khác. Cách xác định mức sống tối thiểu đang được áp dụng hiện nay cũng chưa có sự thống nhất giữa 3 bên (Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam – đại diện chủ sử dụng lao động, Hội đồng tiền lương quốc gia, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đại diện NLĐ). Theo PGS.TS Dương Văn Sao – Đại học Công đoàn, quan niệm về mức sống tối thiểu của 3 bên cơ bản giống nhau, nhưng cách xác định không giống nhau dẫn đến nhiều NLĐ phải xin làm thêm để đảm bảo các khoản chi tiêu tối thiểu trong cuộc sống. Ví dụ, tính chi phí ăn, ở, mặc, nuôi con, các sinh hoạt khác, thì đại diện chủ sử dụng lao động, Nhà nước, đại diện NLĐ đưa ra 3 mức lần lượt là thấp, cao hơn một chút, cao hơn. Đó là chưa kể một số chi phí khác có cách tính không sát thực tế.

cong-nhan-lam-viec

Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất phụ tùng xe máy Công ty CP Kim khí Thăng Long.

Đồng quan điểm, một chuyên gia ở Viện Công nhân và Công đoàn dẫn chứng: Khoản nước uống không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của NLĐ nhưng lại chưa có trong danh mục chi phí mức sống tối thiểu. Chi phí nuôi con tối thiểu chỉ tính học phổ thông, mà bỏ qua cao đẳng, đại học. Ở Hà Nội, NLĐ rất khó thuê được căn phòng vài trăm nghìn để ở, nhưng mức tính chỉ áp dụng như vậy. Vì vậy, “để khắc phục tình trạng này, tôi cho rằng các bên phải có sự thống nhất về cách tính; công khai, minh bạch những chi phí tối thiểu cho cuộc sống, bao nhiêu thì đủ cho các vùng” – ông Sao đề xuất. Trả lương theo năng suất lao động Vấn đề nảy sinh là nếu bổ sung thêm danh mục mức sống tối thiểu, chi phí sẽ tăng, và đến năm 2020 tiền lương tối thiểu vẫn chưa thể đảm bảo 100% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước có hạn. Nhiều chuyên gia cho rằng, vì cuộc sống của NLĐ và sự phát triển của DN, đất nước, không thể không làm. Bởi NLĐ gắn bó lâu dài với DN hay không tùy thuộc nhiều vào đồng lương cao hay thấp. Và năng suất của NLĐ cao hay thấp cũng phụ thuộc vào tiền lương. Phó Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển Nguyễn Vi Khải thẳng thắn lý giải việc Nhà nước khó có thể trả lương cao nằm ở nhiều điều bất hợp lý: Sự lãng phí khi xây dựng công trình hàng nghìn tỷ đồng, nhưng để hoang; Bộ máy hành chính cồng kềnh... Và hệ lụy của tiền lương là chảy máu chất xám từ cơ quan Nhà nước ra bên ngoài vì có thu nhập cao. Đối với những người ra nước ngoài học tập, khi thấy tiền lương trong nước không tương xứng với sức lao động, sẽ không muốn trở về … "Chúng ta phải gỡ ra từ quan điểm để trả lương xứng đáng cho NLĐ có thế họ mới yên tâm sản xuất và góp phần giúp DN phát triển” – ông Khải kiến nghị. Và cũng không ít người nói đến thực tế đang diễn ra hiện nay là có nơi NLĐ hưởng lương chưa xứng đáng với công sức bỏ ra, song có nơi người đến cơ quan để chơi nhiều hơn làm. Đây cũng là điều bất hợp lý. Vì vậy đề xuất của ông Đậu Đăng Doanh – Tổng Giám đốc Công ty CP Nhà in Khoa học và Công nghệ rất đúng để tạo công bằng trong việc trả lương: “Tiền lương phải gắn chặt với năng suất lao động. Bởi nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ khác với công chức, năng suất lao động của công nhân khác với tiến sĩ”. PV.Tổng Hợp