Mùa quả ngọt từ đôi bàn tay và đồi cỏ dại

00:00 12/10/2020

23 tuổi, là ông chủ của một vườn thanh long, một đồi quế rộng 7 ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, chàng trai Nguyễn Đức Quý ở thôn Hòn Nón, xã Việt Tiến (Bảo Yên, Lào Cai) đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế địa phương. Năng động, dám nghĩ, dám làm, câu chuyện lập nghiệp trên vùng đất khó của chàng trai 9x này đang tạo sức lan tỏa lớn đối với tuổi trẻ huyện Bảo Yên. Tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thanh long qua các phương tiện thông tin để áp dụng vào thực tế vườn thanh long của gia đình, đất không phụ công người, cuối cùng những gốc thanh long đầu tiên cũng cho ra quả đỏ rực một góc vườn ngoài sự kỳ vọng của chàng trai trẻ. Những quả thanh long đầu tiên được đem ra chợ bán và rất nhiều người bất ngờ, bởi chất lượng hơn hẳn những loại quả thanh long khác. Theo anh Quý, ưu điểm của giống thanh long ruột đỏ này khác với các loại cây ăn quả khác là ít sâu bệnh, vốn đầu tư thấp, lại không mất nhiều công chăm sóc.Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang vẫn thơm mùi sơn, giữa vườn thanh long rực đỏ, chàng thanh niên Nguyễn Đức Quý hồ hởi khoe với chúng tôi: “Năm nay thanh long được mùa, rừng quế cũng bắt đầu thu hoạch, hứa hẹn cho gia đình tôi nguồn thu đáng kể”. Tự tay bổ những quả thanh long ruột đỏ, ngọt lịm vừa hái, anh Quý kể: Giống thanh long này tôi “cất công” đem từ Vĩnh Phúc về trồng. Sau khi tìm hiểu, biết loại cây ăn quả này được nông dân các tỉnh phía Nam trồng nhiều vì có giá trị kinh tế cao và rất thích hợp với vùng đất đồi đá, sỏi. Khi tôi mới đưa về trồng, nhiều người nghĩ rằng sẽ thất bại, bởi trước đó có nhiều loại cây ăn quả khác đã được trồng thử, nhưng không hợp với vùng đất cằn này. Ban đầu, do tôi chưa có kiến thức cũng như kinh nghiệm chăm sóc, nên tỷ lệ cây sống đạt rất thấp, cây không cho quả. nguyen-duc-quy-dua-cay-thanh-long-ve-trong Và từ đó, cái tên Nguyễn Đức Quý được nhiều người dân quanh vùng biết đến với vai trò là người “tiên phong” trong việc đưa cây thanh long ruột đỏ về Bảo Yên. Thành công từ vụ thanh long đầu tiên đã tạo động lực để anh Quý tiếp tục tự nhân giống, mở rộng diện tích loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao này. Đến nay, chàng trai trẻ đã có một vườn thanh long hơn 300 gốc, vụ vừa qua cho thu trên 1 tấn quả, đem lại thu nhập hơn 40 triệu đồng cho gia đình. Không chỉ vậy, hằng năm, vườn thanh long còn giúp gia đình anh có nguồn thu không nhỏ từ bán giống thanh long. “Tiếng lành đồn xa”, nhận thấy hiệu quả từ cây thanh long, nhiều người dân trong thôn, thậm chí ở các nơi trong tỉnh cũng tìm đến mua giống về trồng thử nghiệm. Được cung cấp giống đảm bảo, được chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất, nhiều hộ dân ở thôn Hòn Nón đã mạnh dạn lựa chọn thanh long ruột đỏ, thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả. Với 7 ha đất rừng, thay vì trồng các cây lâm nghiệp lấy gỗ, Quý cùng gia đình bỏ nhiều công sức để khai hoang và trồng toàn bộ quế. Đây là một quyết định đúng, khi cây quế ngày càng khẳng định được giá trị kinh tế, cao hơn hẳn so với nhiều loại cây trồng truyền thống khác. Thời điểm này, Quý cùng gia đình đang tất bật khai thác những cây quế đầu tiên. Ngoài hai cây trồng trên, anh còn đầu tư trồng 1 ha măng bát độ luôn cho năng suất ổn định. Nhưng để có được thành công như hôm nay, ông chủ 9x này cũng phải nếm trải không ít khó khăn, thất bại. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, thấy điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nên Quý quyết định không theo học các trường chuyên nghiệp, mà ở nhà lập nghiệp. “Nhiều người nghĩ tôi tự đóng sập cánh cửa tương lai của mình với quyết định này”- Quý nhớ lại. Bắt đầu khởi nghiệp, Quý cũng băn khoăn vì không biết bắt đầu từ đâu, khi trong tay không có vốn, lại thiếu kiến thức phát triển kinh tế. Tài sản lớn nhất của anh bấy giờ chỉ là 2 bàn tay và mấy ha đồi cỏ dại... Nhận thấy quê mình có tiềm năng về đất đai, với khát vọng làm giàu, Nguyễn Đức Quý quyết định vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế theo hướng trồng cây có giá trị kinh tế cao. Nhờ ham học hỏi và cần cù, luôn kiên trì con đường lập nghiệp đã chọn, sau 5 năm vất vả, Quý đã có một cơ ngơi khang trang, là mơ ước của bạn bè cùng trang lứa. Có “của ăn, của để”, chàng thanh niên 9x Nguyễn Đức Quý ấp ủ kế hoạch tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời mong muốn sẽ ngày càng giúp được nhiều thanh niên trong xã vượt khó làm giàu ngay tại quê hương. Thành công từ cách nghĩ, cách làm của Quý đã tác động tích cực đến nhận thức của nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã về con đường lập nghiệp. Nhờ đó, phong trào thanh niên phát triển kinh tế ở xã Việt Tiến ngày càng có hiệu quả, góp phần giúp địa phương sớm về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo TRUNG KIÊN/baolaocai