Mùa hoa dâu da

00:00 12/10/2020

mua-hoa-dau-da

Nói đến kỷ niệm mùa thi, người ta thường nói đến mùa hoa phượng. Còn tôi, xin được nói đến mùa hoa dâu da. Trong các tác phẩm văn học của tôi viết về vùng Mỏ như “Chạy trốn” (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, năm 2006); “Tiếng đập cửa” (tập kịch bản phim truyện và sân khấu, NXB Lao động, năm 2009) v.v. ngoài hình ảnh Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long tráng lệ, hùng vĩ; hình ảnh nắng gió tầng than .v.v. tôi thường đưa hình ảnh hoa dâu da trắng ngần dọc những phố thợ lầm bụi, cần lao vào tác phẩm. Các nhân vật của tôi là những trí thức, đầy khát vọng cống hiến nhưng thân phận trắc trở éo le; là những thợ mỏ bình dị, chân thật. Chẳng hạn, trong "Chạy trốn", khi kể về nỗi dày vò của một trí thức bất lực trước cuộc sống ô trọc, tôi đã miêu tả:"Anh rón rén ra phố. Đường phố vắng ngắt. Những hàng dâu da trắng xóa trong sương thu. Phía biển trùng trùng những ngọn núi nhấp nhô xám xịt. Tiếng còi tàu đột ngột dội vào phố mỏ. Trong đêm vắng, tiếng còi tàu thống thiết như tiếng khủng long thời tiền sử "...

  Đến giờ tôi không hiểu sao ở vùng Mỏ người ta trồng nhiều dâu da đến thế? Dọc các phố thợ ở Cẩm Phả, Hòn Gai, vào mùa thi (khoảng tháng 6), hoa dâu da nở trắng xóa; mùi hương hăng hắc lan tỏa nồng nàn, thật đối lập với màu than bụi và nhịp điệu công nghiệp dồn dập.

 Cách đây gần 35 năm, tôi  theo học tại Trường THPT Chuyên Hạ Long (Quảng Ninh), lớp dự bị đại học. Trường Chuyên Hạ Long ngày ấy chỉ là dãy nhà cấp bốn, nằm trơ trọi trước bãi sú vẹt. Sân trường không hề có dâu da, thậm chí không có loài cây gì mọc nổi trên đá gan gà, vốn là bãi thải đất đá mỏ. Ngày hè, nắng lóa mắt; lớp học lại không có quạt, hơi nóng phả lên hầm hập. Vậy mà, các thầy giáo, cô giáo vẫn say sưa giảng bài như không hề thấy nóng, thấy đói. Những người viết văn, làm thơ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ thường được các thầy cô giáo dạy văn không những truyền thụ cho  kiến thức văn học, mà còn "thổi" vào họ tình yêu văn học và những xúc cảm nhân bản. Riêng tôi thì ngược lại. Từ khi học cấp 2, thầy Hoành, dạy toán thường đọc thơ, kể chuyện cho chúng tôi nghe trong những tiết giảng. Những phút "ngoại khóa" ngắn ngủi của thầy  in đậm mãi trong trí nhớ tôi. Ở Trường Chuyên Hạ Long cũng vậy. Tôi nhớ thầy Bằng, dạy môn vật lí; thầy Long, dạy môn hóa; thầy Minh dạy toán- là những giáo viên dạy giỏi nổi tiếng cả tỉnh thời đó. Ngày đó xà phòng hiếm, nhà thầy Long mở xưởng nấu xà phòng. Mỗi kỳ thi sát hạch môn hóa, thầy Long mang xà phòng của gia đình thưởng cho những học sinh đạt điểm cao. Nhờ học môn hóa và nghề nấu xà phòng của thầy Long, sau này ra trường, tôi và anh Cao Xuân Hoán (cũng là học sinh của Trường. Nay anh Hoán là Giám đốc Công ty Vật liệu xây dựng Quảng Ninh) "canh ty" nấu xà phòng tại Trường CNCKT Xây lắp mỏ -  nơi chúng tôi làm giáo viên (Trường Xây lắp mỏ sau này sáp nhập với Trường Mỏ, Trường Lái xe Hoành Bồ, nay là Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm). Chắc bây giờ CBGV Trường xây lắp như cô Hiện, cô Phương, cô Tía, thầy Thư, Trung ...vẫn còn nhớ lò nấu xà phòng của chúng tôi ngày ấy.

...Tôi nhớ cô Hoa, cô Mai …khi ấy mới ra trường, rất tận tụy với chúng tôi, coi chúng tôi như những người em vậy. Hình ảnh in đậm mãi trong tôi đó là, mỗi lần giảng xong tiết cuối, các thầy cô bước ra khỏi lớp, gương mặt đang bừng bừng đam mê, thoắt cái bỗng bạc ra trước sân trường ngùn ngụt nắng. Khi đó tôi cảm tưởng các thầy cô như đã trút hết mọi sinh lực, trút hết niềm say mê vào tiết giảng, đang trở về đối mặt với cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn của thời bao cấp. Ngày đó chúng tôi ở kí túc xá, gia đình nghèo lại toàn ở xa, muốn bồi dưỡng các thầy cô cân đường hộp sữa cũng không thể làm được và cũng chẳng ai nghĩ tới điều đó.

Phẩm chất thanh cao, cháy bỏng niềm đam mê với nghề dạy học của các thầy cô Trường Chuyên Hạ Long ngày đó khiến tôi liên tưởng tới hoa dâu da. Tâm hồn thợ mỏ cũng vậy. Trung thực, trong sáng và nồng nàn. Bởi vậy, khi nói tới mùa thi, nói tới mùa than là tôi nghĩ đến thầy cô tôi; nghĩ đến những người thợ thợ mỏ mà nhiều năm tôi làm lụng, gắn bó cùng họ. Và khi đó, hình ảnh những chùm hoa trắng ngần, tinh khôi, lấp lánh khắp phố thợ lầm bụi lại thấp thoáng trong tôi như biểu tượng của tâm hồn người Vùng mỏ vậy.

Cao Thâm

(Bài đã đăng trong Tạp chí Than - Khoáng sản Việt Nam và Kỷ yếu 45 năm Trường Chuyên Hạ Long)