Một số vấn đề về thiết kế phí ở Việt Nam

00:00 12/10/2020

Hiện nay các căn cứ pháp lý về Thiết kế phí được hướng dẫn chủ yếu trong Công văn 1751/BXD – VP ngày 14 tháng 8 năm 2007 và Quyết định 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 của Bộ Xây dựng. Cả hai văn bản trên đối chiếu với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 thì Công văn số 1751 và Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 của Bộ Xây dựng đều không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nêu tại Điều 2 của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều này có nghĩa là các văn bản trên đều chỉ  là văn bản mang tính hướng dẫn.

Cụ thể tại Điều 1 của QĐ 957/QĐ-BXD ghi rõ: "Quyết định này để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham khảo, sử dụng vào việc xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình". Hơn nữa hai loại văn bản trên không có sự phủ định, sửa đổi, bổ sung hay thay thế lẫn nhau. Vì thế, về lý mà nói thì chúng ta áp dụng văn bản nào cũng được. Tuy nhiên, theo thông lệ, người ta áp dụng cái ra sau do nội dung của nó có tính cập nhật hoặc hoàn thiện hơn.

Mặc dù các văn bản trên chỉ mang tính chất hướng dẫn nhưng cách tính thiết kế phí của chúng ta hiện vẫn đang sử dụng làm căn cứ áp dụng. Trung bình phí thiết kế ở Việt Nam là 2% trên giá trị dự toán xây lắp. Theo thông lệ quốc tế, Thiết kế phí trung bình cũng ở mức 10% trên mức tổng đầu tư. Như vậy chênh lệch giá trị khoảng 5 lần mà thực tế có thể lên 15 hay 20 lần (tính theo giá trị công việc thực chất gồm xây lắp, thiết bị…).

Thiết kế phí đối với tư vấn trong nước bị thắt chặt và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Thiết kế phí của tư vấn nước ngoài thực hiện tại Việt Nam được ưu ái hơn vì chủ yếu do thoả thuận. Do đó cùng một công trình tại Việt Nam thì nếu sử dụng dịch vụ của tư vấn có pháp nhân Việt Nam (Tư vấn trong nước) sẽ rẻ hơn nhiều so với sử dụng tư vấn của Pháp nhân nước ngoài (Tư vấn nước ngoài).

Thiết kế phí ở Việt Nam như vậy là rất thấp. Mức giá cao nhất của Việt Nam còn thấp hơn các công trình đơn giản của nước ngoài và cách tính chỉ dựa trên phần xây dựng mà không căn cứ trên tổng mức đầu tư cũng gây thiệt thòi lớn cho các nhà tư vấn trong nước. Khoản phí 10% giám sát tác giả trong thiết kế phí thường bị nợ đọng và khó đòi vì công trình chỉ được thanh toán tiền giám sát tác giả sau khi đã được quyết toán mà nhiều công trình hơn 10 năm cũng chưa quyết toán được.

Từ những thực tiễn trên, Thiết kế xây dựng là chi phí cần thiết để thiết kế toàn bộ công trình nhưng chỉ  tính  giá  trị Thiết kế phí trên phần xây dựng mà không tính trên tổng mức đầu tư là bất hợp lý. Vì phần thiết bị cũng nằm trong các công việc thống kế, thu thập số liệu mà Người thiết kế phải thực hiện. Hơn nữa, Giá trị và phương pháp tính nên đồng nhất với thông lệ quốc tế. Giá trị thiết kế phí nên tỷ lệ thuận với Tổng mức đầu tư. Tránh tình trạng công trình càng lớn thì Thiết kế phí lại tỷ lệ nghịch với tổng mức đầu tư như chúng ta đang áp dụng.

Hiện nay, Các Đơn vị Tư vấn thiết kế đang kiến nghị với Bộ Xây dựng về vấn đề này. Chúng ta hy vọng trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ có các quy định hoặc hướng dẫn phù hợp và có lợi hơn về Thiết kế phí.

LS Hồng Thái.

Công ty Luật Hilap Hà Nội.