Một số điểm lưu ý của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật đối với doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật đã có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 01 năm 2013. Phổ biến, Giáo dục pháp luật tại doanh nghiệp là tác động có hệ thống, có mục đích và thường xuyên tới nhận thức của cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp nhằm trang bị cho cán bộ, nhân viên một trình độ kiến thức pháp lý nhất định để từ đó có ý thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật.

Nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân viên chức trong doanh nghiệp về vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo chuyển biến cơ bản, ổn định trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công nhân viên chức trong doanh nghiệp. Xác định cụ thể nội dung công việc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.   Phổ biến, giáo dục pháp luật cần dựa trên nguyên tắc: Chính xác, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực và Kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, phải đa dạng và phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Phổ biến phải gắn với việc thi hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, của địa phương và đời sống hằng ngày của người dân. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức, gia đình và xã hội. Nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cần chú ý: Một là: Quy định của Hiến pháp và văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Hai là: Các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế.  Ba là: Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật. Hình thức phổ biến gồm: Một là: Họp báo, thông cáo báo chí. Hai là: Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật. Ba là: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải trên Công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư. Bốn là: Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật. Năm là: Thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở. Sáu là: Lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở. Bảy là: Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Tám là: Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả. Trong doanh nghiệp, Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động cần tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật vào quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, pháp luật về việc làm, an toàn vệ sinh lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, pháp luật công đoàn và các quy định khác của pháp luật về lao động. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong doanh nghiệp được chú trọng thực hiện thông qua việc phổ biến trực tiếp, niêm yết các quy định pháp luật tại nơi làm việc, tủ sách pháp luật, giỏ sách pháp luật, tờ gấp, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí thời gian, bảo đảm các điều kiện cần thiết để phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp với tổ chức công đoàn tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong doanh nghiệp. Tổ chức công đoàn có trách nhiệm chủ trì vận động người lao động tìm hiểu, học tập pháp luật. Trong thời gian qua, công tác giáo dục pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực của pháp luật. Luật phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần tích cực đưa pháp luật vào cuộc sống, tác động toàn diện đến đối tượng từ thay đổi nhận thức đến hoạt động thực tiễn và làm cho pháp luật trở thành qui tắc xử sự của mọi cơ quan, tổ chức và mọi công dân. Ls, Ths Hồng Thái Công ty Luật HILAP, Hà Nội.