Một pháp nhân có nhiều đại diện

00:00 12/10/2020

Theo điều 13 và 14 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014 có hiệu lực từ 1/7/2015 quy định: Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này, Điều lệ công ty phải quy định cụ thể số lượng và chức danh quản lý của các đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Luật gia: Nguyễn Hồng Thái Nhà nước chỉ quản lý về số lượng, chức danh quản lý của các đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật có quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ đại diện cho Công ty và “Bản thân người đại diện cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ. Quy định này nhằm hướng tới việc tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp tự quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật cho mình trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Nội dung này thay đổi cơ bản so với Luật Doanh nghiệp năm 2005. Đứng dưới khía cạnh đảm bảo quyền tự do kinh doanh, đây là một quy định mang tính đột phá trong việc cho doanh nghiệp toàn quyền quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng được mọi cơ hội kinh doanh thông qua các đại diện theo pháp luật. Quy định này giúp cho doanh nghiệp trong trường hợp người đại diện duy nhất của doanh nghiệp bất hợp tác, không thực hiện các yêu cầu của cổ đông trong quá trình quản lý điều hành Công ty trong nội bộ cũng như giao dịch với bên ngoài công ty. Quy định này nếu các doanh nghiệp không có sự phân công chẵn chẽ trong nội quy của doanh nghiệp có thể sẽ gây ra những hậu quả nhất định đối với những chủ thể khác trong quan hệ với doanh nghiệp. Vì pháp luật không yêu cầu nhưng khi một doanh nghiệp cử hơn một người đại diện, trong nội bộ tổ chức doanh nghiệp sẽ quy định rõ thẩm quyền của mỗi người để tránh chồng chéo và tăng cường hiệu quả quản lý. Việc phân công trách nhiệm chỉ giới hạn trong nội bộ doanh nghiệp khiến các đối tác sẽ khó mà biết được người đại diện mà mình đang đàm phán có thẩm quyền quyết định thế nào trong giao dịch. Như vậy, nếu thấy cần thiết có thêm người đại diện theo pháp luật, Doanh nghiệp phải sửa đổi Điều lệ, quy định rõ số lượng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng người đại diện theo pháp luật và đăng ký với cơ quan đăng ký. Đây là quy định khá thông thoáng nhưng nếu không thận trọng có thể dẫn đến tình trạng một nhà hai chủ và mâu thuẫn nội bộ phát sinh khiến lợi bất cập hại cho Doanh nghiệp. Tác giả bài viết: Nguyễn Hồng Thái