Một ngày ở “Bến xe văn minh bậc nhất Thủ đô”

00:00 12/10/2020

Có mặt tại bến xe Nước Ngầm từ sáng sớm của một ngày trong tháng cao điểm về an toàn giao thông – cũng là tháng kỷ niệm 62 năm ngày giải phóng Thủ đô – chúng tôi có những trải nghiệm thú vị với nhiều điều được “mục sở thị”.  Trước khi tới đây, chúng tôi vốn rất thiếu thiện cảm với những bến xe khách lộn xộn, bát nháo thường nhật. Nhưng trái với suy nghĩ của chúng tôi, nhiều nét khác biệt ở đây, đã “giữ chân” chúng tôi lâu hơn trong vai những hành khách từ quê lên phố. Cảm giác được chào đón, phục vụ tận tình, và một quang cảnh văn minh, hiện đại… là những ấn tượng mới mẻ của một bến xe khách ở Thủ đô… Văn hóa bến xe trong lòng Thủ đô văn hiến Bước chân đến bến xe chúng tôi cứ ngỡ như đến một khu trung tâm thương mại giải trí, dịch vụ bởi những thiết bị hiện đại được giám sát bằng máy tính, camera, những biển chỉ dẫn nhiều màu sắc và chiếc cổng mở to cùng một anh chàng bảo vệ mặc đồng phục gọn gàng. Anh bảo vệ nhanh nhảu hỏi ngay khi chúng tôi bước vào: Xin lỗi các chị đi đâu thế?… Vâng, mời các chị lên nhà chờ trên kia! Chúng tôi đi theo hướng anh bảo vệ chỉ dẫn, nhà chờ được thiết kế đẹp, hiện đại. Đến đây, chúng tôi có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt một cách rõ rệt so với những bến xe khác. Khác biệt từ những biển báo hướng dẫn “Cẩn thận va đầu”, “4 xin, 4 luôn”… từ màu sắc cho đến kiểu chữ cũng khác biệt, thể hiện trách nhiệm, dịch vụ chuyên nghiệp của bến xe, biển chỉ dẫn bằng 2 thứ tiếng là tiếng Việt và tiếng Anh giúp hành khách thuận tiện đi lại. Bên cạnh đó, khu vực bán vé, phòng chờ tại đây cũng được hành khách ví như “sân bay mặt đất”. Lối đi lên phòng mua vé có thiết kế dành cho người khuyết tật dễ dàng di chuyển, khu vực mua vé cũng có những hướng dẫn rất cụ thể bằng bảng điện tử.  Bước ra khỏi nhà chờ sẽ có một anh chàng nữa đứng soát vé ở ngã ba, không ai được vào trong bến nếu không có vé. Một sự kiểm soát khá quy tắc, có lẽ với nhiều người có thói quen tùy tiện sẽ cảm thấy không thoải mái nhưng đây lại chính là “chìa khóa vàng” trong quản lý bến xe, giúp cho những người dân cảm thấy yên tâm.
img_6570
Việc sắp xếp, tổ chức, quản lý ở bến xe hợp lý và an toàn.
Chúng tôi đi một vòng quanh bến, quan sát toàn cảnh những khu vực xe khách, xe taxi, xe ôm… mọi thứ đều được sắp xếp rất khoa học, chuyên nghiệp. Anh Nguyễn Văn Hải – lái xe taxi – chia sẻ: “Gần chục năm lái xe nhưng tôi cho rằng, bến xe Nước Ngầm là một bến xe văn minh, hiện đại nhất của Thủ đô. Chúng tôi được bố trí lối đi riêng, được vào trả khách miễn phí, không xô bồ, không lộn xộn…Tôi nghĩ, các bến xe khác của thành phố nên học tập theo mô hình này để phục vụ người dân được tốt hơn”. Tất cả mọi dịch vụ ở đây đều phục vụ mọi đối tượng, mọi tầng lớp nhân dân một cách rất cụ thể, chi tiết và sát với thực tế. Đặc biệt nhất phải kể đến là khu vệ sinh “có một không hai”. Không cần bà con phải ấn nút xả nước mà chỉ cần mở và đóng cửa là có hệ thống xả tự động. Nghe thì tưởng rất đắt đỏ nhưng thực tế thì toàn bộ hệ thống này đều là “tự chế”. Người nghĩ ra ý tưởng thú vị đó chính là ông Nguyễn Văn Lập – Giám đốc Ban quản lý Bến xe. Từ thực tế, ông đã sáng tạo ra “công nghệ” này để chiều lòng hành khách và cũng để cho nhân viên của mình đỡ vất vả. Và tất nhiên, khác với những bến xe khác, nhà vệ sinh “tự chế”ấy hoàn toàn miễn phí, hành khách vì thế cũng rất hài lòng. Chị Nguyễn Thị Hòa – hành khách quê Thái Bình – đi xe khách lên thăm con học đại học, hôm nay ra bến bắt xe về quê rất vui vẻ chia sẻ: “Thú thực tôi từ quê lên phố, sợ nhất là đi vào bến xe, với trăm thứ bất tiện, từ chuyện ăn, chuyện vé, chuyện mấy ông lơ xe chèo kéo khách… Nhưng vào bến xe này tôi lại thấy sự khác biệt vì rất yên tâm về an ninh, trật tự ở đây. Mua vé rồi cứ thể lên xe, đánh một giấc về tới quê mà chẳng lo thiếu chỗ ngồi, cũng không phải lo tăng vé dọc đường như các bến xe khác”. Với những biển báo, chỉ dẫn cụ thể, đẹp mắt, cảm giác rõ ràng sự chiều chuộng của “chủ nhà”. Điều lạ là, không hề có hiện tượng chèo kéo khách, không có hàng rong, thậm chí không hề có rác bẩn. Không chỉ có vậy, do bến xe quản lý khách vãng lai tốt nên hàng hóa không bao giờ bị mất, nếu hành khách có quên vẫn nhận lại được. Ở đây có cả tủ trưng bày đồ để quên của hành khách, rơi tiền, rơi đồ, quên điện thoại cũng không bao giờ mất vì luôn có hệ thống camera giám sát rất chặt chẽ. Quả thực, sự đổi thay trong chất lượng dịch vụ, cách điều hành quản lý của bến xe đã tạo nên những điều khác biệt cho Nước Ngầm và tất nhiên đây sẽ xứng đáng là một “điểm cộng” cho bộ mặt vận tải hành khách ở Thủ đô Hà Nội hiện nay. Nói như ông Nguyễn Văn Lập – Giám đốc Ban Quản lý Bến xe, rằng: “Chúng tôi muốn tạo ra một “điểm đến văn hóa”, tạo ra một nếp văn hóa giao thông, làm thay đổi ấn tượng của mọi người dân về hình ảnh của bến xe khách chứ không chỉ dừng lại ở câu chuyện…dịch vụ hay lợi nhuận của doanh nghiệp”.
khu-nha-cho-hien-dai
Khu nhà chờ hiện đại
Hiệu quả thuyết phục của chủ trương xã hội hoá vận tải hành khách Đó là điều khẳng định của Giám đốc Ban quản lý Bến xe Nước Ngầm khi nhắc đến chủ trương xã hội hóa của Thành phố Hà Nội. Là một bến xe xã hội hóa, Nước Ngầm đã mở rộng và thực hiện rất tốt chủ trương của thành phố đề ra. Hiện nay, phần lớn các bến xe tại các thành phố lớn, đang rơi vào tình trạng quá tải, tình trạng xe dù, bến cóc vẫn chưa được giảm tải. Bên cạnh đó, nạn trộm cắp, bán hàng rong, “cò” khách vẫn đang diễn ra khá phổ biến ở các bến xe. Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, cả nước có hơn 450 bến xe ô tô khách, trong đó mới có 322 bến xe loại 4 trở lên đáp ứng yêu cầu vận tải hành khách liên tỉnh, có hơn 200 bến xe được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Trong bối cảnh đó, Bến xe Nước ngầm trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển ngành Nước & Môi trường (WEDICO) nổi lên như là điển hình cho chủ trương xã hội hóa bến xe, với cơ sở vật chất hiện đại, dịch vụ chất lượng, an ninh tốt… không chỉ làm hài lòng hành khách mà còn góp phần giảm tải rất nhiều áp lực cho những bến xe khách trong địa bàn thành phố Hà Nội. Với gần 15 năm là lãnh đạo công ty, ông Nguyễn Văn Lập – Giám đốc Ban Quản lý Bến xe Nước Ngầm – người tâm huyết và luôn trăn trở với công việc cho biết:“Chúng tôi dám mạnh dạn đầu tư vì chúng tôi nhận thấy rằng đây là cách đầu tư đúng hướng, đúng với chủ trương của UBND TP. Hà Nội và phù hợp với yêu cầu của xã hội. Trên cơ sở quy định nhưng đồng thời phải bám sát thực tế giúp chúng tôi có được thành công ban đầu này”. Có thể nói, sau khi sáp nhập Bến xe Lương Yên vào với Bến xe Nước Ngầm, lưu lượng hành khách tại bến xe Nước Ngầm tăng gần gấp đôi so với thời gian trước, trung bình có 300 lượt xe/ngày. Tuy nhiên, với diện tích 17.800m2, bến xe Nước Ngầm có công năng sử dụng khoảng 800 – 1.100 lượt xe/ngày đêm. Sắp tới, theo chủ trương của UBND TP. Hà Nội, bến xe sẽ tiếp tục có thêm một số tuyến đón, trả khách nhằm khắc phục tình trạng “thừa công suất” hiện nay. Ban Quản lý mong muốn chủ trương đó sẽ sớm được Sở Giao thông Vận tải quan tâm, triển khai để mọi kế hoạch không chỉ “nằm trên giấy”, để  bến xe sớm kiện toàn cơ sở hạ tầng, quản lý tổ chức ổn định hơn nữa. Và tất nhiên, hướng đến mục tiêu cuối cùng vẫn là để mỗi người dân khi đặt chân đến Hà Nội sẽ luôn ấn tượng về một“Bến xe văn minh bậc nhất Thủ đô”. Trên bản đồ giao thông cả nước, sẽ là dấu ấn về Hà Nội có một bến xe như thế!     (theo congluan.vn)