Một loạt quy định mới 'cởi trói' cho xuất khẩu gạo Việt

00:00 12/10/2020

Việc ban hành một loạt các quy định mới trong Nghị định 107/2018/NĐ-CP và Thông tư số 30/2018/TT-BCT đã "cởi trói" mạnh mẽ cho doanh nghiệp (DN) ngành gạo. Đặc biệt, mở ra nhiều cơ hội cho DNNVV để có thể đưa các sản phẩm gạo ra thị trường thế giới...

Xóa bỏ rào cản thủ tục, cơ chế bó buộc

Tại Hội nghị Triển vọng sản xuất và thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam vừa được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Nghị định 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo mới được Chính phủ ban hành sẽ gỡ vướng và tạo môi trường thông thoáng nhất cho DN ngành gạo phát triển.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, nghị định là một bước đột phá trong thể chế, chính sách liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo của DN. Điều quan trọng nhất là nghị định đã tạo ra sự thay đổi lớn về tư duy xuất khẩu.

Tại Hội nghị Triển vọng sản xuất và thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam, có rất nhiều đối tác nước ngoài quan tâm đến sản phẩm gạo Việt. Ảnh: T.U

Theo đó, với Nghị định 107/2018/NĐ-CP, các DN đầu mối được xuất khẩu gạo, điều kiện để trở thành DN đầu mối được nới lỏng rất rõ.

“Các điều kiện yêu cầu phải sở hữu về cơ sở xay sát, kho bãi được xóa bỏ, tức là DN không cần phải đứng tên sở hữu các cơ sở này mà có thể đi thuê. Điều này giúp DN tiết kiệm được nguồn lực, có thể tận dụng các cơ sở dư thừa của các DN khác, tiết kiệm chi phí…", ông Hải phân tích.

Nghị định mới cũng đã bãi bỏ quy định phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo theo  kiến nghị trước đó của DN vì sợ lộ các bí quyết kinh doanh. Theo đó, quy định mới đã cho phép một số thương nhân không cần phải có giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn có thể xuất khẩu khi họ tập trung các sản phẩm gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo bổ sung vi chất…

“Điều này rất ý nghĩa đối với cộng đồng DN ngành gạo bởi như vậy, các DNNVV chưa đủ điều kiện để xuất khẩu các loại gạo thông thường nhưng nếu họ tập trung vào những sản phẩm gạo đặc trưng, đặc thù thì vẫn có cơ hội vươn ra thị trường thế giới”, ông Hải chia sẻ.

Ngoài ra, theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, riêng đối với DN phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thì với các quy định mới trong Nghị định 107 cũng rất thông thoáng. Trong đó, ông Hải nhấn mạnh: “Thủ tục để cấp giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo cũng đã được cái cách, thủ tục hành chính đơn giản hóa hơn rất nhiều”.

Về phía DN, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Kinh doanh lương thực, Tập đoàn Lộc trời đánh giá: Nghị định 107 được kỳ vọng sẽ xóa bỏ những rào cản đã từng làm khó các DN kinh doanh xuất khẩu gạo trong một thời gian khá dài, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, thương nhân đưa gạo Việt ra thị trường thế giới. 

Góp phần tạo cơ hội công bằng cho tất cả DN

Mới đây nhất, Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. 

Theo đó, thông tư quy định về các giao dịch xuất khẩu gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung và việc ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng tập trung; chế độ báo cáo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Thông tư quy định rõ về việc chỉ định thương nhân đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung, trường hợp từ hai thương nhân trở lên được chỉ định làm đầu mối tại một thị trường có hợp đồng tập trung thì thực hiện cơ chế đầu mối luân phiên. Đây là cơ chế được áp dụng khi có từ hai thương nhân trở lên được chỉ định làm đầu mối tại một thị trường có hợp đồng tập trung nhưng cơ quan có thẩm quyền hoặc nhà nhập khẩu nước ngoài được chỉ định yêu cầu mỗi đợt đấu thầu nhập khẩu gạo theo hợp đồng tập trung chỉ có một thương nhân được tham gia ký kết, giao dịch hợp đồng.

Cụ thể, quy định việc phân bổ chỉ tiêu cho các thương nhân đầu mối theo cơ chế luân phiên, thương nhân đầu mối theo cơ chế luân phiên được trực tiếp xuất khẩu 20% lượng gạo trong hợp đồng tập trung. Trong đó, thương nhân đầu mối ký kết hợp đồng tập trung được thực hiện 2/3 số lượng 20% lượng gạo trong hợp đồng tập trung. Các thương nhân đầu mối không tham gia ký kết hợp đồng tập trung được phân bổ thực hiện 1/3 số lượng 20% lượng gạo trong hợp đồng tập trung.

“Quy định này tạo sự công bằng và cơ hội cho thương nhân, DN, nhất là đối với những DN xuất khẩu nhỏ và siêu nhỏ”, bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực – thực phẩm Long An đánh giá.

Điều đáng lưu ý nữa là, theo Thông tư 30/2018/TT-BCT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam không được phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu ủy thác cho các thương nhân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Đánh giá của các DN cho thấy, quy định này cũng góp phần tạo nên sự công bằng, minh bạch cho các thương nhân trong hoạt động xuất khẩu gạo.

"Với những quy định tiến bộ, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Thông tư 30/2018/TT-BCT sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu sản xuất ngành lúa gạo Việt Nam, đẩy lùi những hạn chế bất cập, tạo cơ chế thông thoáng, hướng tới nâng cao chất lượng, giá trị cho hạt gạo xuất khẩu và xây dựng một nền xuất khẩu bền vững", đại diện Tập đoàn Lộc Trời khẳng định./.

Tố Uyên