Môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn cách xa Thái Lan và Singapore

00:00 12/10/2020

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn thấp. Việt Nam hiện đứng thứ 69 thế giới và đứng thứ 5 trong ASEAN cách xa so với Singapore (đứng thứ 2), Malaysia thứ 15 và Thái Lan (thứ 27).

Môi trường kinh doanh cải thiện, nhưng vẫn thấp

Tại Hội thảo Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ và giới thiệu những điểm mới của Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho biết, trong 5 năm qua, Nghị quyết 19 của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống, được cộng đồng doanh nghiệp, xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Cũng theo ông Cung, Nghị quyết 19 được ban hành hằng năm đều cải tiến, đổi mới và tiếp nối các Nghị quyết 19 trước đây. Ngày 1/1/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Đánh giá về 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, đại diện CIEM cho biết, Nghị quyết 19 được ban hành hằng năm bắt đầu từ năm 2014 và có tính kế thừa, điều chỉnh bổ sung để phù hợp với cơ chế, chính sách và gắn trách nhiệm của các bộ, ngành với các chỉ tiêu cụ thể.

Ảnh minh họa

Qua 5 năm thực hiện, sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương rất tích cực và có sự lan tỏa, mở rộng. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện về điểm số và thứ hạng, so với năm 2015 tăng 21 bậc.

Theo đó, có 6 chỉ số tăng hạng, gồm tiếp cận điện năng tăng 108 bậc, lên thứ 37; nộp thuế và bảo hiểm tăng 42 bậc; bảo vệ nhà đầu tư tăng 28 bậc; khởi sự kinh doanh tăng 21 bậc; tiếp cận tín dụng tăng 4 bậc; cấp phép xây dựng tăng 1 bậc. Bên cạnh đó, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng tăng 26 bậc với 6/7 chỉ số tăng hạng.

Bên cạnh các chỉ số tăng, vẫn có 4 chỉ số giảm bậc, gồm: đăng ký tài sản giảm 17 bậc; Thương mại qua biên giới giảm 7 bậc theo cách tính cũ, giảm 25 bậc theo cách tính mới; giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 15 bậc; phá sản doanh nghiệp giảm 29 bậc.

So sánh về môi trường kinh doanh của Việt Nam và ASEAN cho thấy, thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam còn thấp. Việt Nam hiện đứng thứ 69 thế giới và đứng thứ 5 trong ASEAN cách xa so với Singapore (đứng thứ 2), Malaysia thứ 15 và Thái Lan (thứ 27).

Phấn đấu môi trường kinh doanh thuộc nhóm ASEAN 4

Theo thông tin tại Hội nghị, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó có thể kể đến, việc cải cách điều kiện kinh doanh chủ yếu được tập trung vào các vấn đề được doanh nghiệp phản ánh thường xuyên, liên tục, còn các chỉ tiêu gián tiếp chưa chú trọng cải thiện. Một số chỉ tiêu không có chuyển biến.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ và chưa chủ động. Một số cải cách còn hình thức, chưa thực chất…

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể, nhưng việc cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn nặng về đơn giản, cắt giảm chưa mạnh mẽ, quyết liệt.

“Về kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều thách thức. Cải cách tư pháp còn nhiều khó khăn. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại các địa phương vẫn còn lúng túng. Chỉ số gia nhập thị trường có tăng nhưng cần có sự đột phá…”, ông Anh Tuấn cho hay.

Liên quan đến những điểm mới tại Nghị quyết số 02/NQ-CP vừa ban hành, đại CIEM cho biết, Nghị quyết được ban hành nhằm mục tiêu tổng quát nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), UN về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập cũng như giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Đồng thời, giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết số 02/NQ-CP cũng phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Việt Nam thuộc nhóm ASEAN 4. 

Minh Ngọc