Môi trường kinh doanh: Vẫn kiểu “một cửa mà nhiều ổ khóa”?

00:00 12/10/2020

Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh vẫn chưa thực chất, khi không còn giấy phép con nữa thì lại có nguy cơ nảy sinh giấy phép cháu.

Tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Việt Nam mới đây, những tồn tại và kiến nghị để hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn, tiến bộ lại nhận được sự quan tâm sâu sắc từ các chuyên gia, doanh nghiệp.

Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh vẫn chưa thực chất.

Theo thống kê, trong năm tháng 2018, có 52.322 doanh nghiệp mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 17,9% so với cùng kỳ 2016. Song song, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2017 đã được tăng lên nhiều bậc.

Nghĩa là, nếu chỉ nhìn vào những con số, nhiều người sẽ ấn tượng với hơn 52.000 doanh nghiệp được thành lập mới, vài chục % những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp đã bị bãi bỏ…

Tuy nhiên cũng nhìn từ báo cáo và thực tế 5 tháng đầu năm 2018, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thị trường thì có ít nhất 6 doanh nghiệp giải thể, phá sản. Tại sao lại như vậy?

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), các doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với rào cản từ các thủ tục hành chính. Việc doanh nghệp thành lập rồi lại ra khỏi thị trường là quy luật chung nhưng đáng lưu ý là tỷ lệ này luôn ở mức cao tại Việt Nam. 

“Việc họ kinh doanh không thành công và rời bỏ thị trường là điều dễ hiểu, nhưng cũng cần tìm hiểu xem có bao nhiêu doanh nghiệp vì gặp phải rào cản, khó khăn về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính dẫn đến giải thể”. - ông Tuấn nói.

 

Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh vẫn chưa thực chất, khi không còn giấy phép con nữa thì lại có nguy cơ nảy sinh giấy phép cháu.

Ví dụ như Bộ Công thương xây dựng dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối, với một số quy định được cho là có tính chất can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh.

“Các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp có thể tự hỏi, liệu bao lâu nữa, cần bao nhiêu thời gian để đạt được mục tiêu, nội dung của Nghị quyết 19...? Cần xác định rõ là áp lực thời gian là yếu tố và yêu cầu quan trọng hàng đầu với quá trình cải cách cũng như xác định việc xóa bỏ rào cản, vướng mắc cho doanh nghiệp chỉ là mục tiêu nhỏ, có tính chất ban đầu. Vấn đề chủ yếu là làm sao thúc đẩy doanh nghiệp ra đời, phát triển bền vững...” – ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng yêu cầu với các Bộ, Ngành cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết và nhấn mạnh cái gì kìm hãm thì bỏ ngay, cái gì có lợi cho dân thì nỗ lực thực hiện; Hay không để có giấy phép con tạo thêm các điều kiện gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong các cuộc họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng và nhiều sự kiện khác, người đứng đầu Chính phủ cũng quyết liệt chỉ đạo theo tinh thần đó, thế nhưng về phía mình, các doanh nghiệp vẫn nhận thấy sự chuyển biến không như mong muốn.

Thực tế cho thấy, đã có hàng chục, hàng trăm cuộc hội thảo, họp bàn, rà soát, kiểm tra để điểm tên các khoản phí “phi chính thức” của doanh nghiệp thời gian qua; Hàng chục cuộc khảo sát, đánh giá của các viện nghiên cứu, hiệp hội về vấn đề này.

Thậm chí, người viết còn nhớ từng có một vị chuyên gia kinh tế đã phải kêu thay cho doanh nghiệp ở một Hội thảo, rằng: “Kiếm được 1 đồng lợi nhuận mà mất tới 0,7 đến 1 đồng để “bôi trơn” thì doanh nghiệp Việt làm sao mà lớn được?” Và đó là một cách lý giải tại sao, có một tỷ lệ lớn doanh nghiệp Việt Nam không chịu lớn, thậm chí “nhỏ dần đi”, nhỏ li ti, như đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa qua.

Bà Trần Thị Hồng Minh – Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Để giải quyết bài toán này, cần tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo”.

Tức là “cuộc chiến” nhằm loại bỏ giấy phép con vẫn còn gian nan. Nếu chỉ dừng lại ở cam kết thì chưa đủ, phải hành động quyết liệt, theo đến cùng, truy đến cùng trách nhiệm để tạo áp lực với cấp trung gian trong thay đổi cách thức quản lý, cùng đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ Chính phủ trong nỗ lực cải cách. 

Điều này cũng có nghĩa, cải cách kinh tế phải bắt nguồn từ cải cách doanh nghiệp. Mà muốn doanh nghiệp phát triển thì đừng để doanh nghiệp phải đối mặt với cách làm hình thức và không thực chất từ phía các Bộ, ban ngành chủ quản. Và môi trường kinh doanh không thể kiểu “một cửa mà nhiều ổ khóa” mãi được.

Sông Hàn