Mỗi người “gánh” hơn 20 triệu đồng nợ công, dân nghe lo lắm!

00:00 12/10/2020

Với con số nợ công bình quân đầu người đã lên tới 20 triệu đồng, đại biểu Trần Quang Chiểu cho biết, người dân luôn lo lắng họ chính là người sẽ phải trả nợ. Trong khi đó, đại biểu Hồ Thanh Bình đề nghị cần phải giám sát chặt chẽ các dự án sử dụng vốn vay của Nhà nước, vì người dân thu nhập chỉ vài triệu đồng, nghe thất thoát tới hàng nghìn tỷ đồng rất băn khoăn và lo lắng!

Đại biểu Trần Quang Chiểu cho biết, ngay cả người dân đồng bào miền núi cũng rất lo lắng về vấn đề trả nợ (ảnh: BD).

Vay không trả được, dân phải trả bằng tiền thuế Thảo luận về Luật nợ công (sửa đổi) tại phiên họp tổ chiều ngày 30/5, đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho biết, nợ công hiện là nỗi lo chung của tất cả mọi người dân. Mặc dù tỷ lệ nợ công chưa chạm trần 65% nhưng ông Chiểu lo ngại, với tình hình như hiện nay thì nợ công có thể chạm trần bất cứ lúc nào. Theo đó, chỉ tiêu GDP năm 2015 đặt ra là 4,5 triệu tỷ đồng nhưng chỉ đạt 4,1 triệu tỷ đồng; sang năm 2016 đặt mục tiêu 5,2 triệu tỷ nhưng lại chỉ đạt 4,6 triệu tỷ đồng. Số tuyệt đối nợ công tăng lên trong khi số tuyệt đối GDP lại tăng không như kỳ vọng, do vậy, vị đại biểu đánh giá, tỷ lệ nợ công là rất đáng lo ngại. Ông Chiểu kể rằng, khi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại huyện Tây Giang, Quảng Nam, đồng bào ở đây phần lớn là người dân tộc thiểu số. Thế nhưng, không ít cử tri ở địa phương này vẫn không khỏi băn khoăn nêu câu hỏi cho đại biểu, rằng “nếu chia ra mỗi người phải 'gánh' trên 20 triệu đồng nợ công thì làm sao mà trả nổi”. “Người dân luôn lo lắng họ chính là người sẽ phải trả nợ”, vị Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nói. Bởi so với năm 2010 thì số tuyệt đối của nợ công đã tăng 2-3 lần, tốc độ tăng rất nhanh. Vấn đề nằm ở chỗ, nhiều dự án sử dụng vốn vay nhưng lại hiệu quả thấp. Những đại dự án đều liên quan đến nợ công nên phải tái cơ cấu. “Đặc biệt ta đã phải chuyển nợ dự phòng sang nợ Chính phủ, tức nợ gián tiếp sang nợ trực tiếp. Những khoản nợ bảo lãnh mà không trả được thì ngân sách Nhà nước phải trả nợ thay, tôi không dám công bố nhưng không phải ít, Nhà nước phải trả và dân phải trả bằng tiền thuế”, ông Chiểu cho biết. Vị đại biểu dẫn chứng, chẳng hạn như một số khoản nợ như của Vinashin phải ứng từ quỹ tích lũy trả nợ. “Gọi là ứng nhưng chắc chắn không bao giờ trả được vì nó có còn đâu mà trả?!”, ông Chiểu không khỏi băn khoăn. Vấn đề này cũng được đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đặt ra tại một tổ thảo luận khác. Ông Kiên cho rằng cần cân nhắc tính toán lại về bỏ nợ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đơn vị công lập, Ngân hàng Xã hội ra khỏi phạm vi nợ công. “Không ít người đặt câu hỏi, liệu thông lệ quốc tế có phù hợp thể chế chính trị của ta hay không, có phù hợp quy định tổ chức chính quyền của nước ta không? Có nước nào vốn 51% Nhà nước là DNNN như nước ta không? Không!”, ông Kiên lập luận. Vị đại biểu dẫn chứng, khoảng vay hơn 600 triệu USD của Vinashin từ năm 2007-2008 dù theo cơ chế “tự vay, tự trả” nhưng sau đó Nhà nước lại phải trả. Hay một trường hợp khác là Xi măng Cẩm Phả cũng không trả được nợ phải chuyển cho Viettel trả. “Vấn đề nói là vậy nhưng trong thực tế chưa có khoản nợ nào của DNNN mà Nhà nước không phải trả”, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận xét. Có sự hời hợt trong giao vốn cho DNNN Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng thẳng thắn chia sẻ, nợ Chính phủ bảo có tính rủi ro lớn mà bản thân bà và nhiều đại biểu “không yên tâm”. Nữ đại biểu nhận xét, trong khi các nước đều xác định rõ đối tượng DN nào thì được Chính phủ bảo lãnh thì tại dự thảo Luật nợ công (sửa đổi) lần này vẫn chưa thấy nêu. Trong dự luật này không nêu DN nào thì được Chính phủ bảo lãnh mà chỉ nêu dự án. “Đó phải là những DN lành mạnh, có điều kiện kinh doanh rõ ràng, minh bạch, vốn sở hữu của Nhà nước trên 50%... Phải có điều kiện cụ thể chứ không phải DN tham gia các dự án trọng điểm quốc gia cũng đều bảo lãnh” bà Tuyết đề nghị. Bên cạnh đó, bà cũng cho rằng, việc bảo lãnh cũng phải có hạn mức nhất định chứ không thể bảo lãnh khối lượng vay quá lớn, đồng thời, phải đề cập rõ cách xử lý như thế nào khi DN không trả được. Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) cũng đồng tình, cần có một số xem xét và hạn chế chứ không thể cho vay tràn lan với tất cả các dự án. Dẫn chứng dự án Nhà máy cồn nhiên liệu sinh học, ông Bình đánh giá “từ khi cấp phép cho đến khi dừng dự án rất buồn cười” vì viện dẫn lý do thị trường thay đổi. “Điều này thể hiện rõ sự hời hợt trong việc giao vốn cho các DNNN. Nợ công chỉ nên sử dụng tài trợ cho những dự án thuộc lĩnh vực công ích, chứ các dự án với mục đích kinh doanh và phụ thuộc vào thị trường thì không nên cho sử dụng nợ công, nếu có thì cũng phải rất thận trọng”, ông Bình lưu ý. Đại biểu cũng đề xuất phải quy định rõ định kỳ giám sát với các dự án sử dụng nguồn vốn từ nợ công. “Chứ thời gian qua, khi phát hiện ra vấn đề thì dự án đã lỗ hàng nghìn tỷ. Một hộ nông dân có 1ha đất, mỗi năm kiếm được vài triệu đồng, nghe thất thoát tới hàng nghìn tỷ đồng họ rất băn khoăn và lo lắng”, ông Bình trăn trở. Bích Diệp/theo dantri