Mobile Money: Thêm “nhiệt” thị trường thanh toán

00:00 12/10/2020

TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, những lợi ích mà Mobile Money mang lại không chỉ bao gồm việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, mà thực hiện mục tiêu lớn hơn gắn với câu chuyện tài chính toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi hơn để mọi người dân có thể tiếp cận được dịch vụ tài chính cơ bản.

Một trong những giải pháp đáng chú ý nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 mà Thủ tướng yêu cầu là sớm phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Khái niệm tiền di động (Mobile Money) đã được đề cập tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, tiền di động là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động.

Chia sẻ kế hoạch triển khai Mobile Money, Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, ngày 24/4/2020, NHNN đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm Mobile Money. Sau khi Thủ tướng phê duyệt thì DN viễn thông sẽ gửi đề án về đầu mối quản lý; DN nào được cấp phép thì mới triển khai được dịch vụ Mobile Money. Trong quá trình chờ đợi, Bộ này đề nghị các DN chuẩn bị kỹ đề án và cơ sở vật chất để triển khai nhanh khi có giấy phép cung cấp dịch vụ này. Giới chuyên gia nhìn nhận, việc triển khai thí điểm Mobile Money chỉ là vấn đề thời gian. Khi các công ty viễn thông chính thức bước vào thị trường dịch vụ thanh toán, cuộc cạnh tranh trên thị trường này sẽ ngày càng gay gắt hơn.

Đánh giá tác động của Mobile Money tới hoạt động của các ngân hàng, nhóm phân tích của CTCK BSC cho rằng, vị thế của các nhà mạng sẽ lớn hơn, nhưng không có nghĩa vị thế ngân hàng sẽ bé đi. Nhà mạng và các ngân hàng sẽ phát triển song song. Đối tượng của Mobile Money sẽ tập trung ở những người không có tài khoản ngân hàng, những người sống ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ý nghĩa trên, Mobile Money còn có thể nâng cao hiểu biết về dịch vụ tài chính cho người dân, từ đó hướng người dân sử dụng các sản phẩm tài chính nâng cao.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, những lợi ích mà Mobile Money mang lại không chỉ bao gồm việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, mà thực hiện mục tiêu lớn hơn gắn với câu chuyện tài chính toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi hơn để mọi người dân có thể tiếp cận được dịch vụ tài chính cơ bản.

Không phủ nhận có sự cạnh tranh, nhưng theo TS. Thành, sự cạnh tranh này khá tích cực giúp cho các bên, nhất là các ngân hàng cần phải bổ sung hoặc nâng cấp đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ thanh toán tới khách hàng tốt hơn. “Mobile Money nhắm vào thị trường ngách là phân khúc nhỏ lẻ mà các ngân hàng chưa phủ sóng đến được. Vì vậy, Mobile Money mang tính bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh với các ngân hàng, cùng tạo lập thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy nhanh tài chính toàn diện”, TS. Thành nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, khi Mobile Money chính thức được triển khai sẽ gia tăng cạnh tranh giữa Mobile Money và các mô hình ví điện tử và cả ngân hàng. Tuy nhiên, việc cạnh tranh này là lành mạnh và cần thiết. Mặc dù vậy vẫn cần hợp tác với nhau để mang lại nhiều lợi ích hơn. Điều này đã được chứng minh trên thực tế tại các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…

Bên cạnh những lợi ích từ hình thức này, các chuyên gia cũng cảnh báo về những rủi ro về bảo mật, gian lận, rửa tiền, đánh bạc… vẫn luôn rình rập nhà mạng. Đơn cử, đầu tháng 5/2020, Bộ Công an phát hiện đường dây đánh bạc 20.000 tỷ đồng có sử dụng thẻ cào điện thoại. Trước đó, vào năm 2017, một đường dây đánh bạc 10.000 tỷ đồng có sử dụng thẻ cào điện thoại cũng đã bị phanh phui. Đây là những minh chứng cho thấy, tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động của Mobile Money sẽ không hề nhỏ, đòi hỏi phải có cơ chế cấp phép và quản lý loại tiền di động này phù hợp.

Do đó các bộ ngành liên quan cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau thay vì chỉ quan tâm đến lợi ích gắn với những lĩnh vực mà mình được quản lý. Về vấn đề bộ, ngành nào cấp phép hoạt động cho Mobile Money, TS. Thành cho rằng, nếu Mobile Money thanh toán không dùng tài khoản ngân hàng, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, các bộ ngành khác nhất là NHNN phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin để kiểm soát hoạt động này an toàn hiệu quả hơn. “Có thể các giao dịch giá trị nhỏ nhưng tổng thể cộng các khoản giao dịch sẽ lớn và nó liên quan đến cung tiền. Do vậy, NHNN phải nắm được. Hay là các bộ ngành khác cùng phối hợp xử lý những sự cố không mong muốn như bảo mật, xử lý tranh chấp, giao dịch những lĩnh vực mà pháp luật cho phép như rửa tiền...”, ông Thành lưu ý thêm. Về cơ chế giám sát, theo quan điểm của một chuyên gia khác, công ty viễn thông định danh khách hàng thì nên có cơ chế giám sát dòng tiền trong Mobile Money và các công ty này tự quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nếu muốn thực hiện được điều này theo vị chuyên gia, Chính phủ phải có một hệ sinh thái thích hợp để các bên có thể cùng chia sẻ thông tin dữ liệu và kết quả thẩm định, đánh giá khách hàng cho nhau. Điều đó cũng đòi hỏi Việt Nam cần phải hoàn thiện môi trường pháp lý, trong đó có pháp lý riêng cho tiền di động.

Nguyễn Vũ