Michel Platini: Vết trượt của một tượng đài bóng đá

00:00 12/10/2020

Ngày báo chí phát tin Michel Platini bị cảnh sát bắt, cựu danh thủ người Anh - giờ đang là MC nổi tiếng của Anh, Gary Lineker có nói một câu thế này: “Buồn thật, ông ấy đã từng là một cầu thủ, một trong số chúng ta...”

Những cổ động viên bóng đá hoài cổ vẫn còn nhớ về tuyển Pháp của những năm 1980, với Michel Platini, Alain Giresse, Jean Tigana hay Luis Fernandez... với lối chơi hào hoa, đầy nghệ sĩ và giàu cảm xúc. Tuyển Pháp của nhiều thế hệ đã gắn liền với Platini, với những cú sút phạt thần sầu và khả năng chơi bóng hoa mỹ.

Từng là một danh thủ nổi tiếng với lối chơi phong nhã, là thần tượng của biết bao thế hệ yêu bóng đá, Platini giờ trở thành biểu tượng của sự dối trá, tham nhũng và những “trò bẩn” trong các cuộc chơi chính trị đan xen bóng đá.

Sáng ngày 18.6, cựu chủ tịch UEFA bị cảnh sát Pháp tạm giữ để điều tra về những tham nhũng trong việc cuộc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2022, nơi Qatar được trao quyền chủ nhà. 15 tiếng sau, cựu danh thủ nước Pháp được trả tự do và rời Văn phòng Chống tham nhũng, Tội phạm tài chính và Thuế (OCLCIFF) tại Nanterre, Paris. Báo chí Pháp tin rằng việc bắt giữ Platini chỉ là khởi đầu cho một loạt các cuộc điều tra về những bê bối trong việc đăng cai các giải đấu lớn của thế giới.

“Họ đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến các sự kiện trước đây như Euro 2016, World Cup 2018 tại Nga, World Cup 2022 ở Qatar và FIFA”, Platini thừa nhận với báo chí khi được trả tự do. Luật sư của Platini, ông William Bourdon sau đó tuyên bố thân chủ của ông “hoàn toàn trong sạch”, và không hề bị giam giữ, mà chỉ bị thẩm vấn để phục vụ công tác điều tra về các vấn đề tham nhũng trong bóng đá. Nhưng ít người dám tin như William Bourdon. 

Năm ngoái, 2018, Platini được tòa án Thụy Sĩ tuyên trắng án trong vụ nhận tiền từ cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter. Số tiền 1,8 triệu euro mà Blatter lấy danh nghĩa FIFA để chuyển cho Platini vào năm 2011 chính là nguyên nhân chính khiến hai nhân vật quyền lực của bóng đá thế giới chịu khốn đốn. Họ bị điều tra, cấm tham gia các hoạt động bóng đá (đến hết tháng 3.2018), nói chung là “thân bại danh liệt”. Nhưng lần này có vẻ Platini không may mắn như trước. Người ta có lý do để làm thế, bởi cựu chủ tịch UEFA là một trong những mắt xích quan trọng nhất của quá trình điều tra.

Tháng 12.2010, Qatar được chọn trở thành chủ nhà vòng chung kết World Cup 2022. Nhiều câu hỏi và sự hồ nghi đã được đặt ra kể từ thời điểm đó, bởi Qatar chưa bao giờ là một quốc gia lý tưởng để tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Mối quan hệ chằng chịt giữa Platini với vị tổng thống Pháp khi ấy - Nicolas Sarkozy, chính quyền Qatar và nhiều nhân vật máu mặt khác là lý do khiến người ta nghi ngờ. Năm 2018, cựu tổng thống Pháp Sarkozy đối mặt án tù lên tới 10 năm vì tội tham nhũng. Một năm sau, ông tiếp tục bị truy tố vì tội... đưa hối lộ.

Về phần Platini, năm 2014, ông thừa nhận mình đã có cuộc gặp gỡ bí mật với cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Á người Qatar - Mohamed Bin Hammam, ngay trước thời điểm bỏ phiếu bầu cho Qatar không lâu. Năm 2012, ông Bin Hammam bị FIFA cấm hoạt động bóng đá trọn đời vì tham nhũng.

Các cuộc điều tra của truyền thông phương Tây cũng chỉ ra rằng trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2022, Platini đã có hàng chục cuộc gặp với các quan chức Qatar. Bê bối chồng lên bê bối, từ người đàn ông quyền lực nhất nhì làng bóng đá, Platini giờ không khác gì kẻ xấu, sử dụng những “trò bẩn” để thao túng nền bóng đá và đem lại quyền lợi cho mình. 

Với tư cách cầu thủ bóng đá, Platini là một huyền thoại. Chức vô địch Euro 1984, người duy nhất từng ba năm liên tiếp đoạt Quả Bóng Vàng đủ khiến ông sống mãi trong lòng người hâm mộ. Cho tới khi Platini tham gia vào chính trường bóng đá. Con đường danh vọng của Platini sau khi giải nghệ bắt đầu từ cuối những năm 1990 của thế kỷ trước, khi ông đóng vai trò chính trong việc Pháp đăng cai World Cup 1998. 

Kể từ đó, Platini liên tục thăng tiến. Ông nhậm chức chủ tịch UEFA năm 2007, trở thành một trong hai người đàn ông quyền lực nhất thế giới bóng đá (cùng với chủ tịch FIFA Sepp Blatter), trước khi chấm dứt sự nghiệp chính trị vào năm 2015, khi bị Ủy ban đạo đức Liên đoàn Bóng đá thế giới FIFA cấm hoạt động bóng đá sáu năm vì hàng loạt sai phạm.  Án phạt sau đó được giảm còn bốn năm, sau khi Platini kháng cáo lên Tòa trọng tài thể thao. Nhưng danh dự là thứ Platini không bao giờ có thể lấy lại.

Nhiều người có thể sẽ chẳng còn nhớ đến Platini như một nhạc trưởng của bộ tứ huyền thoại mà bóng đá Pháp từng sản sinh, của một thế hệ chơi bóng đầy cảm xúc và khiến người ta say mê nhất. Mà có lẽ người ta sẽ chỉ nhớ về một Platini gian lận, thiếu trung thực và trực tiếp can dự vào những sự kiện bê bối nhất làng túc cầu với vẻ tiều tụy, mắt sâu hoắm vì mệt mỏi và suy sụp sau mỗi cuộc điều tra. 

Một tượng đài đẹp, một huyền thoại của bóng đá thế giới đã trượt dài. 

Nam Sơn