Màu xanh trên vùng khai khoáng titan

00:00 12/10/2020

DNHN: Biết tôi có ý định viết về một đơn vị đang khai thác khoáng sản làm tốt công tác hoàn thổ, trồng cây xanh bảo vệ môi trường sau khai thác, ông Trương Viết Cư, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình) không chút đắn đo mà bảo tôi rằng: Để có thêm chi tiết sống động, thực tiễn mời nhà báo làm việc kỹ với Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Quảng Bình. Chúng tôi đánh giá cao công ty này là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện tốt cam kết cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác.

 Trồng cây xanh sau hoàn thổ là công việc ưu tiên hàng đầu của các đơn vị khai thác titan Sau một giờ chuyện trò cùng với ông Đặng Xuân Huề, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Quảng Bình - Trưởng Ban điều hành dự án khai thác titan, theo thói quen nghề nghiệp, tôi đề nghị được đến xem địa bàn mà đơn vị đnag khai thác titan. Vậy là, tôi và ông Lương Minh Tính, Phó Tổng Giám đốc lên đường. Sau một giờ chạy xe từ thành phố Đồng Hới, chúng tôi đã đến được khu vực đang khai thác ti tan. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Giấy phép khai thác khoáng sản số 2316 do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho phép khai thác quặng titan sa khoáng bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực Tây Liêm Bắc (thuộc xã Ngư Thủy Nam) và Đông Sen Thủy (thuộc xã Sen Thủy) huyện Lệ Thủy, Quảng Bình với diện tích 382,8 hecta, thời hạn khai thác là 17 năm, tổng mức đầu tư trên 63 tỷ đồng. Sau khi có giấy phép, các đơn vị tham gia khai thác là: Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Quảng Bình, Công ty Cổ phần khoáng sản Hoàng Long và Công ty TNHH Kim Tín Quảng Bình đã làm các thủ tục như nộp lệ phí  cấp phép, cấp quyền khai thác khoáng sản và thực hiện các Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; Quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất; Quyết định về việc phê duyệt phương án trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác…Các bên tham gia khai thác đã được Sở Công thương Quảng Bình thẩm định phê duyệt thiết kế mỏ và từ cuối tháng 4 năm 2016, chính thức đi vào hoạt động.

Đường đi vào khu vực khai thác titan thường xuyên được nâng cấp

Đi trên con đường rải đất Biên Hòa cấp phối, hai bên là rừng tràm xanh tốt, lý giải về việc cây xanh đã có thể khai thác được để biến thành hàng hóa, ông Lương Minh Tính giải thích: Đây là rừng cây do Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Quảng Bình đã trồng từ những năm 2010. Nối tiếp truyền thống trồng cây xanh cải tạo phục hồi môi trường của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Quảng Bình, hiện nay các đơn vị liên doanh vẫn tiếp tục trồng cây theo hình thức cuốn chiếu, đúng quy cách, mật độ cây giống theo thiết kế trồng rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình. Song song với việc trồng cây, các đơn vị còn có các giải pháp bảo vệ môi trường như xây dựng kho theo đúng thiết kế và bố trí các thùng chứa thải nguy hại, đảm bảo vệ sinh khu vực mỏ. Ký hợp đồng với các đơn vị chức năng thực hiện xử lý chất thải theo đúng quy định. Khôi phục lại hồ Bàu Tràm bằng cách dùng bơm hút cát, tạo lòng hồ như hiện trạng ban đầu để phục vụ dân sinh. Tổ chức nạo vét kênh mương định kỳ mỗi năm 2 lần để tạo dòng chảy cho nguồn nước. Xây dựng các hố lắng cặn, công trình vệ sinh tự hoại 3 ngăn hợp quy chuẩn tại nơi khai thác mỏ. Lãnh đạo các công ty thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lệ Thủy và chính quyền 2 xã Sen Thủy và Ngư Thủy Nam để giải quyết các tình huống về môi trường; cử cán bộ tham gia các khóa, chương trình tập huấn về các vấn đề có liên quan đến môi trường khu vực mỏ. Báo cáo giám sát môi trường định kỳ 4 đợt/năm để phân tích và đo đạc về chất lượng môi trường gửi cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định. Hợp đồng với các đơn vị lâm nghiệp để trồng, chăm sóc, bảo vệ cây; lập kế hoạch trồng cây tại các vị trí hoàn thổ. Trong quá trình khai thác mỏ, đồng chí Trường ban điều hành dự án Đặng Xuân Huề và nhiều lãnh đạo của các công ty thường xuyên bám sát hiện trường, kiểm tra công tác xả thải và hoàn thổ sau khai thác, tạo mặt bằng trồng cây xanh đúng mùa vụ. Song song với công tác bảo vệ môi trường, công tác an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện đối với nhân dân trên địa bàn mà các công ty đang khai thác luôn được lãnh đạo quan tâm đúng mức. Hàng năm, các đơn vị hỗ trợ chính quyền  2 xã Ngư Thủy Nam và Sen Thủy kinh phí trên 3 tỷ đồng để tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và bồi thường một số diện tích hoa màu bị ảnh hưởng từ khai thác mỏ. Công ty cũng thường xuyên tu sửa, nâng cấp đường liên thôn, liên xã từ Quốc lộ 1A vào khu vực khai thác titan tạo thuận lợi cho nhân dân địa phương đi lại. Nếu ai đó ví cây xanh như là lá phổi điều hòa cho nhịp sống luôn khỏe mạnh, thì cây xanh được trồng trên vùng cát Sen Thủy, Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy, Quảng Bình) có giá trị chắn sóng, chắn cát, chống cát bay, cát lấp và trở thành hàng hóa nay mai, bắt đầu từ việc làm hôm nay./. Trọng Lãnh Trưởng VP Đại diện Tạp chí tại Quảng Bình