Mâu thuẫn thừa gạo - thiếu ngô

00:00 12/10/2020

Trong sản xuất, kinh doanh, có những điều nếu đặt riêng rẽ chẳng có đáng bàn luận. Nhưng nếu đặt chúng cạnh nhau, ngay tức khắc thấy mâu thuẫn và có nhiều vấn đề cần xem xét. Một ví dụ điển hình là gạo - ngô.

Ảnh minh họa

Việt Nam là một nước nông nghiệp, nhưng những năm gần đây, gạo dư thừa nhiều, xuất khẩu lớn, song cây ngô - cây lương thực phổ biến thứ hai sau lúa - lại khan hiếm, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu lượng ngô không nhỏ, chủ yếu để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Hãy xem một vài con số thống kê của Tổng cục Hải quan: Năm 2014, xuất khẩu 6,33 triệu tấn gạo (2,93 tỷ USD), nhập khẩu 4,76 triệu tấn ngô (1,21 tỷ USD); năm 2015, xuất 6,57 triệu tấn gạo (2,8 tỷ USD), nhập 7,62 triệu tấn ngô (1,65 tỷ USD); 6 tháng đầu năm 2016, xuất 2,65 triệu tấn gạo (1,2 tỷ USD), nhập 3,33 triệu tấn ngô (651 triệu USD). Nhìn chung, cứ xuất khẩu khoảng 2 USD gạo thì phải bỏ ra 1 USD nhập khẩu ngô.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mâu thuẫn thừa gạo - thiếu ngô là bài toán cần sớm có lời giải và đáp số đúng với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Lời giải đã hé mở: Chuyển đổi linh hoạt đất lúa sang đất trồng ngô. Đây là một cách để cân bằng ngô - lúa ở ngưỡng thích hợp, chủ động nguồn ngô nguyên liệu, hạn chế nhập khẩu.

Kết quả thực nghiệm trồng 600 ha ngô tại 8 tỉnh vùng núi phía Bắc của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho thấy nhiều lợi ích: Cây ngô mang lại lợi nhuận cao hơn 30% so với cây lúa. Chi phí nhân công giảm 2,5 - 3,0 triệu đồng/ha. Ngô thực phẩm (ngô nếp, ngô đường, ngô rau) có thời gian sinh trưởng ngắn, có thể trồng 3 - 4 vụ/năm. Ngô thường năng suất 6,1- 7,2 tấn/ha, cao hơn 5 - 10 triệu đồng/ha so với lúa...

Đáng chú ý, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô. Theo đó, ở các vụ hè thu 2016 đến hết vụ đông xuân 2018 - 2019, tại các vùng trồng ngô sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha chi phí giống ngô để chuyển đổi.

Theo đề án phát triển cây ngô của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2020, tổng diện tích lúa quy hoạch chuyển đổi sang trồng ngô dự kiến là 25.100 ha, tập trung tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Thái Nguyên.

Hướng giải đã có, nhưng cần chờ thời gian mới có đáp số đúng: Chuyển đổi bao nhiêu ha, 25.100 ha là quá ít hay quá sức; có chọn tạo được giống mới năng suất cao hơn; lợi nhuận thực tế khi trồng ngô đại trà; giảm bao nhiêu lượng ngô nhập khẩu...

Đường đi cho cây ngô còn dài, nhiều cam go.

Trần Phương/baocongthuong.com.vn