Mặt bằng bán lẻ cũng “nóng” vì thời trang

00:00 12/10/2020

Hàng loạt thương hiệu thời trang từ xa xỉ đến bình dân như Chanel, Ferragamo, Burberry, Giovanni, Versace, Mango, Zara, H&M... đã hội tụ tại Việt Nam trong những năm gần đây...

                   Decathlon - thương hiệu thể thao Pháp đã có mặt tại Việt Nam

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị phần, từ hàng trung bình đến cao cấp. Điều này chứng tỏ các hãng thời trang lớn trên thế giới đang rất quan tâm tới Việt Nam bởi thị trường này có mức tăng trưởng bình quân tốt, dao động từ 15-20%/năm. 

Đồng tình với nhận định trên, bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý cấp cao bộ phận Cho thuê thương mại của Savills cho biết, nhiều thương hiệu bán lẻ cao cấp quốc tế đang quan tâm đến thị trường Hà Nội. Song thị trường đang thiếu mặt bằng bán lẻ chất lượng để đáp ứng các yêu cầu của những thương hiệu này. Thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội khá sôi động trong quý I/2019 khi  nguồn cung tăng tại khu vực nội thành.

Trong đó, trung tâm mua sắm có sức tăng mạnh nhất, khối bán lẻ có giá thuê tăng lớn nhất. Tại TP. HCM, công suất thuê của thị trường ổn định (ở mức 96%) dù có nguồn cung tăng trưởng mạnh (7% theo quý và 14% theo năm). Nhận thấy người tiêu dùng TP. HCM ưa chuộng các trung tâm thương mại quy mô lớn như một điểm cho mua sắm và giải trí kết hợp, các trung tâm thương mại đã tăng cường cho thuê mặt bằng với các dịch vụ như ăn uống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thể dục.

Vì vậy, dù có giá thuê thấp hơn so với nhóm ngành thời trang và phụ kiện, nhưng nhóm ngành dịch vụ đã gián tiếp góp phần tăng cường lưu lượng khách cho các trung tâm bán lẻ, đảm bảo công suất, báo cáo Savills nhấn mạnh.

Có thể thấy, hàng loạt thương hiệu thời trang từ xa xỉ đến bình dân như Chanel, Ferragamo, Burberry, Giovanni, Versace, Mango, Zara, H&M... đã hội tụ tại Việt Nam trong những năm gần đây. Thị trường này đang  giúp các thương hiệu thời trang tăng trưởng nhanh, thu nhập người dân tại đây ngày càng tốt và dự đoán trong 10 năm nữa, tầng lớp trung lưu tại đây sẽ tăng cao. Độ lớn thị trường này vào năm 2021 được Công ty nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI) dự đoán là 5,08 tỷ USD, thời trang vẫn chiếm phần lớn với số tiền chi tiêu vào khoảng 4,7 tỷ USD. 

Mới đây, hãng thời trang thể thao danh tiếng của Mỹ Under Armour đã chính thức khai trương cửa hàng Brand House thứ hai tại thị trường Việt Nam, thuộc Trung tâm thương mại SC VivoCity - TP. HCM. Tiếp đó, Decathlon - thương hiệu thể thao đến từ nước Pháp cũng đã khai trương cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Vincom Mega Mall Royal City, Hà Nội cùng nhiều tương tác hoàn toàn khác biệt. Đây là cửa hàng đầu tiên của Decathlon Việt Nam, với diện tích lên tới 4.300m2 mang tới không gian mua sắm, đồng thời còn cung cấp đến khách hàng những trải nghiệm trực quan nhất qua các khu vực chơi thể thao thực tế.

Các sản phẩm của Decathlon không chỉ gói gọn trong phạm vi các môn thể thao phổ biến như hiking (leo núi dã ngoại), chạy bộ jogging, tập gym, bóng rổ, bóng đá, đạp xe… hay câu cá, cưỡi ngựa, chèo thuyền... mà còn phục vụ tới hơn 70 môn thể thao đặc trưng trên khắp thế giới, đảm bảo cung cấp tiện ích tối đa cho người yêu thể thao (bao gồm nam, nữ và trẻ em của mọi lứa tuổi), cùng mọi nhu cầu chơi thể thao từ nhập môn đến chuyên nghiệp.

Chưa dừng lại ở Hà Nội, Decathlon sẽ tiếp tục nam tiến và dự kiến hiện diện tại TP. HCM vào cuối tháng 5/2019 với một trung tâm có quy mô hơn 2.600m2...

Ông Lionel Adenot - Giám đốc quốc gia Decathlon Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi hướng tới mang niềm vui và lợi ích của thể thao đến với nhiều người Việt Nam một cách bền vững, tạo dấu ấn tích cực tại Việt Nam. Thể thao cho tất cả, tất cả vì thể thao. Chúng tôi muốn tinh thần này được truyền đạt rộng rãi”.

Tuy là vậy, nhưng trên thực tế, Decathlon đã bắt đầu sản xuất tại Việt Nam từ năm 1995 với đội ngũ hơn 400 nhân viên, làm việc tại 100 nhà máy ở Việt Nam để sản xuất và mang đến 10.000 sản phẩm mỗi năm cho các cửa hàng trên thế giới.

Thông thường, các thương hiệu thời trang khác thường tương tác với khách hàng trong nước bằng kênh mua sắm truyền thống, nhằm tận dụng lợi thế giá, mức độ tiện lợi, hệ thống phủ, cho phép người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn về địa điểm mua hàng. Tuy nhiên, có vẻ như Decathlon lại đang “đi ngược”,  từ năm 2017, họ bắt đầu bán lẻ tại Việt Nam qua hình thức thương mại điện tử để đến 2019 này mới đẩy mạnh việc bán hàng offline. 

Ngay từ đầu, Decathlon đã được xây dựng và phát triển theo mô hình kinh doanh tích hợp. Với mục tiêu mang tới những sản phẩm thể thao có giá trị nhất, công ty luôn chú ý quan sát thị hiếu và nhu cầu người sử dụng để sản phẩm không những bắt mắt về mẫu mã mà còn sở hữu độ bền cao phù hợp với nhiều cấp độ trong thể thao. Hiện tại, Decathlon có hệ thống 1.513 cửa hàng lớn nhỏ tại 53 quốc gia và hy vọng sẽ phát triển hơn tại Việt Nam trong tương lai.

Phương Linh