Mánh khóe phát triển hệ thống bán hàng đa cấp

00:00 12/10/2020

Những bản tin giới thiệu việc làm “có cánh” của các nhà tuyển dụng “ma” dán khắp các khu công nghiệp, đăng tải ở các trang rao vặt, tìm việc làm là mồi nhử người đi xin việc. Bằng hình thức lừa đảo tinh vi này, công ty đa cấp đã qua mặt và biến những người thất nghiệp thành “con mồi” để móc túi. Con mồi sập bẫy Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, hiện nay, có 28 doanh nghiệp bán hàng đa cấp thuộc theo dõi của sở, trong đó có 7 doanh nghiệp đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Đà Nẵng. Gần đây, tình trạng nhân viên bán hàng của một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định trong việc phát triển hệ thống. Họ sẵn sàng lách luật, đăng tin tuyển dụng trá hình để lừa đảo các đối tượng tham gia vào mạng lưới bán hàng. “Con mồi” thường là sinh viên, lao động phổ thông, “chân ướt chân ráo” đến thành phố Đà Nẵng xin việc. con-moi-sap-bay-da-cap   Thông tin tuyển dụng dán ở bảng rao vặt trên đường Phạm Như Xương, thành phố Đà Nẵng Phổ biến nhất là hình thức đăng tin tuyển dụng trực tuyến. Nội dung của những bản tin là tuyển nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh, kế toán, tổ chức sự kiện, giáo viên hợp đồng, nhân viên marketing,…lương 3-4,5 triệu đồng/tháng  hay tuyển lao động phổ thông, sinh viên làm thêm,…lương thỏa thuận. Mục đích của những bản tin tuyển dụng là đánh vào những người thất nghiệp, sinh viên muốn làm thêm để họ tự tìm đến xin việc và bằng mọi cách thuyết phục tham gia vào mạng lưới. Vũ Thị Huệ (27 tuổi, quê ở Thanh Hóa) chia sẻ: “Vừa rồi khi vào trang tìm kiếm việc làm Đà Nẵng, tôi thấy một thông tin tuyển dụng nhân viên bán hàng. Tôi đã đăng kí, gửi hồ sơ. Thông tin trên trang tuyển dụng họ cho biết, công việc chủ yếu là bán hàng nội thất tại chỗ và không cần kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau khi gặp trực tiếp trao đổi công việc thì tôi thấy công việc hoàn toàn không liên quan đến bán hàng nội thất mà tôi được thuyết phục để tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Tôi thật sự bất ngờ”. Ngoài ra, tại các khu công nghiệp như Hòa Cầm, Hòa Khánh hay các địa điểm khác có bảng rao vặt miễn phí, một số lượng lớn những bản tin giới thiệu việc làm của những người bán hàng đa cấp dán chồng lên nhau. Hầu hết, các bản tin sẽ thu hút một số lượng lớn người đăng ký phỏng vấn vì được nguy trang bằng những nghề nghiệp khác và lương thưởng hấp dẫn khiến rất nhiều người bị nhầm lẫn. Lê Văn Hiển (21 tuổi, Hà Tĩnh) cho biết: “Thấy thông tin tuyển dụng gần cổng khu công nghiệp Hòa Cầm, nội dung thông tin không nói rõ công việc là gì thấy mức lương hấp dẫn nên tôi quyết định liên lạc với số điện thoại của người có tên là anh Tài. Đến 35 Thái Phiên, sau khi ghi danh và giới thiệu là người của anh Tài, tôi được gặp gỡ, trao đổi công việc và giao lưu với những người mới. Cũng trong buổi hôm đó, tôi được tư vấn đóng 160.000 đồng để nhận quyển giới thiệu sản phẩm, thẻ ngân hàng VIP,…có khoảng 20 người tham dự và 10 đã đóng tiền 160.000 để trở thành thành viên.” Tinh vi hơn, những người bán hàng đa cấp phân thành nhiều nhóm len lỏi vào các trường đại học, cao đẳng để dụ dỗ sinh viên. Với những “chiêu dụ” như: Đóng vai sinh viên của trường và thông tin cần người phụ quán của anh trai; mặc đồng phục giả danh cán bộ đoàn trà trộn vào các nhóm sinh viên và chia sẻ đang cần sinh viên sắp xếp bàn ghế hội thảo; gặp gỡ tân sinh viên, xin khảo sát thực tế, mời cùng tham gia câu lạc bộ kỹ năng mềm,… Sau khi xin được số điện thoại của “con mồi”, những người bán hàng đa cấp liên tục gọi điện thoại hẹn gặp. “Từ Huế vào Đà Nẵng để theo học, em cũng mong muốn tìm một công việc để kiếm tiền trang trải việc học. Ngay buổi chào đón tân sinh viên, có 2 bạn đến làm quen và hỏi em có muốn làm nhân viên văn phòng không? Tưởng rằng may mắn đã đến với em. Tuy nhiên, lúc đến trụ sở công ty mình mới biết ở đó bán thực phẩm chức năng theo hình thức đa cấp. Sau này tìm hiểu em mới biết, nhiều bạn sinh viên cũng bị lừa giống em.  Nguyễn Văn Đình Trường (Sinh viên năm 1, Đại học Bách khoa) tâm sự. Phạm Văn Thu (sinh viên năm cuối, Cao đẳng Thương mại) cho biết: “Ban đầu, người ta tuyển tôi vào bán vé cho hội thảo của công ty. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày sau đó, tôi được người trực tiếp tuyển vào mời tham gia bán hàng đa cấp và muốn trở thành nhà phân phối thì phải mua bộ sản phẩm với giá 7,9 triệu đồng”. Tiền mất, tật mang Phạm Văn Khánh (sinh viên năm 3, trường Cao đẳng Kinh tế Kế hoạch): “Em từng tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của công ty Thiên Sư được một thời gian. Em bỏ gần 15 triệu vào công ty để mua sản phẩm nhưng do cấp độ chưa cao nên thu nhập thấp. Để phát triển mạng lưới bán hàng cấp dưới, gặp ai em cũng thuyết phục họ tham gia. Khi đã nghỉ bán hàng đa cấp, em  hẹn bạn bè đi chơi, mọi người đều từ chối vì sợ em lại rủ rê tham gia bán hàng đa cấp”. gap-go-da-cap Buổi gặp gỡ các thành viên mới tại công ty Everichs Global, số 35, đường Thái Phiên, thành phố Đà Nẵng Nhiều sinh viên, khi tham gia bán hàng đa cấp thường xuyên trốn tiết ở trường. Họ dành trọn thời gian để đi bán hàng, 5 giờ sáng đạp xe đi tới 11 giờ tối mới về, ăn mì tôm qua bữa. Để đảm bảo doanh số hàng tháng, nhiều người đã vay mượn tiền của bạn bè, cầm đồ,…gom góp tiền mua sản phẩm tích lũy và mong muốn nhanh chóng được thăng cấp. Trường hợp của sinh viên, Nguyễn Hữu Hợi (sinh viên năm 1, trường Đại học Bách Khoa) vay mượn tiền để tham gia bán hàng đa cấp được một thời gian, “lãi mẹ đẻ lãi con” đành bỏ học đi làm kiếm tiền trả nợ. Bố mẹ ở quê phải bán trâu, bò để gửi tiền cho con trả nợ và khuyên đi học lại.  Nhưng “ngựa quen đường cũ” khi có tiền, Hợi lại tiếp tục đầu tư vào bán hàng đa cấp và bỏ quê vào làm việc tại Bến Tre. Nhiều trường hợp khác, đóng tiền để tham gia vào bán hàng đa cấp nhưng khi hệ thống bị tan rã, tiền đóng vào không lấy lại được, sản phẩm thì giá cao nên ít người mua. Võ Thị Vi (sinh viên năm 3, Đại học Kinh tế Đà Nẵng): “Nghe theo sự giới thiệu của bạn học cùng lớp, em tham gia buổi hội thảo. Vài ngày bạn lại khuyên mua sản phẩm về bán. Em nói dối bố mẹ xin tiền học thêm tiếng Anh, và lấy 3 triệu đồng để mua mỹ phẩm của công ty. Khi dùng thử, em thấy không hiệu quả, bán cũng không ai mua. Bố mẹ biết chuyện đã từ Quảng Nam ra Đà Nẵng chở em đến công ty trả lại hàng. Họ viện ra nhiều lý do để không nhận sản phẩm.” Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết: những người bị lôi kéo bán hàng, nếu muốn trả lại sản phẩm thì liên hệ với Hội bảo vệ Người tiêu dùng, Hội sẽ trao đổi với công ty đa cấp trả lại hàng và nhận lại tiền với điều kiện là có hóa đơn rõ ràng, chứng nhận đã mua sản phẩm ở công ty. Theo sở Công Thương Đà Nẵng, tình trạng lừa đảo người tham gia với hình thức nhỏ lẻ và len lỏi nên rất khó phát hiện, khi có phản ánh của người dân sở sẽ kiểm tra, nếu phát hiện các công ty đa cấp có tình trạng trên sẽ xử phạt nghiêm ngặt để bảo vệ tính liêm chính và công bằng của hình thức kinh doanh đa cấp. Đồng thời, các công ty đa cấp muốn phát triển tốt cần chú trọng đào tạo và kiểm soát tốt mạng lưới bán hàng để tránh ảnh hưởng đến uy tín lâu dài. HÀ LIÊN – DIỆU MAI