Mặn mòi nghiệp biển Cửa Nhượng…

00:00 12/10/2020

Đến Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, có nhiều điều khó quên, trong đó, món cá nướng dân dã mà đậm đà vẫn níu chân du khách đã đi vào thi ca rất ngọt ngào: Ai về xứ Nghệ thì về/ Cá nướng Cửa Nhượng, nước chè Hương Sơn. Trong chuyến đi không dài, đoàn chúng tôi đã có dịp đến Cửa Nhượng. Các ngành nghề dịch vụ- thương mại ở đây đã phát triển hơn nhưng nghề đi biển và tình yêu với Mẹ biển vẫn đầy máu thịt với những con người nơi vùng đất ấy.  Mưu sinh Cửa Nhượng Chúng tôi đến Chợ Cồn Gò tấp nập từ lúc màn đêm chưa tan trên doi cát gần nơi sông Họ, sông Rác và sông Quèn hợp lưu, hòa thành dòng nước lớn Rào Cấy đổ ra Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Với cửa lạch dài 400m, chợ cũng là bến thuyền tập kết tôm cá sau mỗi đêm ra khơi. Hàng năm, trung bình có khoảng 800 tàu thuyền trong khu vực và 500 tàu thuyền tỉnh khác cập bến Cồn Gò. Nhờ thế, các ngành nghề dịch vụ- thương mại ở đây cũng mở mang. Nghề biển vùng Cửa Nhượng có đủ lưới rút, nghề xăm, lưới mười, nghề te, nghề câu, nghề thả bóng, nghề vó… Phương thức đánh bắt truyền thống phổ biến của ngư dân vùng này là “đi mành” và “câu khơi” – phải lênh đênh nhiều ngày liền ngoài khơi xa tít. Nhưng gần đây, những chuyến đi biển kiểu đó không được nhiều cá tôm như trước, trong khi nghề “đi lộng” gần bờ lại hiệu quả hơn, hải sản khá phong phú, từ cá trích, cá mối, cá nục, cá song, cá lịch cho đến tôm, cua, mực và ốc, ngao, điệp… Thế nên cứ chạng vạng tối, từng đoàn thuyền đánh cá của ngư dân các xã Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh lại xuất bến. Ra đến ngư trường cũng vừa lúc đêm buông, kịp nấu bữa cơm đạm bạc trước khi buông câu, thả lưới. Đứng trên bờ ban đêm vẫn nhìn rõ ánh điện từ các thuyền như sao sa ngoài khơi.
Thuyền về Cửa Nhượng
Anh Nguyễn Văn Toản- người lái xe điện của Khu du lịch Thiên Cầm vừa chở chúng tôi đi khắp nơi, vừa giới thiệu: “Thời điểm thả lưới phải theo con trăng, có khi vào lúc nước biển dâng, hoặc phải chờ thủy triều rút xuống mới đánh cá, nên có đêm ra biển phải thả lưới ngay, nhưng nhiều đêm lại phải đợi đến gần sáng. Do vậy, trên mỗi thuyền thường có thời gian làm chung và làm riêng. Khi thả lưới đánh cá thì tất cả mọi người trên thuyền đều tham gia và sẽ được chia thành quả. Còn những lúc khác, thuyền bật đèn câu mực, mỗi người ngồi một góc thuyền, ai câu được bao nhiêu được giữ làm của riêng”. Các loại hải sản ngon đều được các cửa hàng mối quen trong xóm đặt trước, nên du khách ra chợ cá thường ít mua được hàng “loại 1”. Và đó cũng là lý do khiến các cửa hàng thủy sản dù nằm sâu trong xóm nhỏ, đường vào ngoắt ngoéo, nhưng luôn đông khách. 1 kg cá nục tươi mua ở Cồn Gò chưa đến 40.000 đồng, về đây được bỏ đầu mổ ruột, rửa sạch và hấp chín, đã có giá 200.000 đồng. Tôm nhỏ ngoài bến khoảng 60.000 đồng/kg, mua về bóc vỏ, hấp sấy, có thể bán được ít nhất là 500.000 đồng/kg. Các cửa hàng này còn làm dịch vụ đóng thùng ướp đá hải sản tươi và sơ chế tôm cá để tiện bảo quản đi đường xa. Đơn giản nhất là rửa rồi trần nước sôi, với giá 20.000 đồng cho mỗi mớ cá vừa nồi… Nghiệp ngư dân chất chồng cay cực… Hết ca, anh Toản rủ chúng tôi “về quê” gần ngọn hải đăng, tuy đứng cách bờ nhìn rõ nhưng phải đi vòng mãi mới đến, ấy là còn có cầu Cửa Nhượng mới hoàn thành năm 2014, chứ trước chỉ có đi đò. Quê anh xưa là làng chài Nhượng Bạn, cách thị trấn Cẩm Xuyên khoảng 15 km về phía Ðông, một thời từng là xứ sầm uất nhất miền Trung, như người xưa truyền tụng “nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn”. Làng có lịch sử hơn 600 năm, xưa thuộc Kỳ La, miền đất cực Nam của nước Đại Việt. Phần lớn dân làng theo nghề cá, chỉ một ít hộ làm muối theo cách dùng nồi đồng hoặc nồi đất to, lấy củi đun đến khi nước cạn chỉ còn muối; hoặc làm muối bằng ô chạt (đắp bờ dẫn nước vào ruộng, lọc đất chạt bằng nước mặn, phơi nắng để nước bốc hơi hết, đọng lại muối). Diêm dân Cẩm Nhượng ngày nay vẫn làm muối bằng những ô chạt như thuở mới lập làng.
Thủy sản ở chợ Cồn Gò rất tươi ngon
Có nhiều truyền thuyết xung quanh cái tên “Nhượng Bạn”, phổ biến nhất được hiểu theo nghĩa vùng đất được nhường, gắn với sự tích bà Hoàng Càn. Bà là cung phi của Trùng Quang đế Trần Quý Khoáng – một trong hai vị vua thời Hậu Trần đã tận lực chống quân Minh xâm lược, cũng là ông vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam chọn cái chết oanh liệt khi đánh giặc thất bại. Khi bà Hoàng Càn theo vua dẫn quân khởi nghĩa về xứ Nghệ, thấy cảnh làng chài lênh đênh, bà đã thương lượng với dân làng lân cận nhường cho dân chài một rẻo đất để ở, vì thế có tên làng Nhượng Bạn. Nhớ ơn bà, dân làng đã lập đền thờ; ngôi đền bị bom Mỹ đánh sập, nay bà được hợp tự về thờ chính trong ngôi đền Cả của xã. Được nhường đất dựng nhà trên bờ, nhưng nghề đi biển vẫn gắn với người Nhượng Bạn từ đó đến nay. Người dân bảo rằng, nghiệp ngư dân chất chồng cay cực. Anh Nguyễn Văn Quang, một cựu binh từng đóng quân ở Trường Sa, nay lại theo thuyền đánh cá, kể: tàu thuyền ra khơi là cả làng vắng hoe. Đám trẻ làng chài phần nhiều 13-14 tuổi đã phải bỏ học để theo nghề cá, ngoài giờ phụ việc trên thuyền lại xách cần câu ra ghềnh đá gần ngọn hải đăng, nơi những đàn cá nhỏ hay tung mình trên ngọn sóng. Ngày trước ngư trường khá gần, nhưng từ khi các tàu lớn ra đây hút cát phục vụ san lấp mặt bằng khu công nghiệp Formosa, các loại hải sản kéo nhau đi nơi khác. Những con thuyền nhỏ của ngư dân Nhượng Bạn phải liều lĩnh ra xa hơn, cách đất liền cả trăm hải lý, theo dấu luồng cá. Cũng vì ở xa đất mẹ, nên phải đi theo tổ 5- 6 thuyền, liên lạc bộ đàm thường xuyên, để kịp thời hỗ trợ nhau nếu có sự cố. Không ít lần, ngư dân Nhượng Bạn gặp các tàu lớn của nước ngoài xâm nhập lãnh hải trái phép, uy hiếp thuyền của ta… Chẳng có mấy chuyện đó thì nghề biển cũng đủ cực nhọc rồi. Không có máy dò cá như ở các tàu hiện đại, ngư dân phải lặn xuống biển quan sát luồng cá, thả lưới rồi còn phải bơi thuyền thúng kéo theo đèn pha để dụ cá vào lưới…  Vậy mà vẫn lắm chuyến trắng tay, bởi tôm cá bắt được không đủ tiền xăng dầu. Nhưng anh Quang bảo, dù đói no thế nào, các ngư dân “lớp cũ” vẫn giữ thói quen thả những con cá nhỏ cắn câu, mắc lưới về lại biển khơi, không bao giờ tận diệt. Hàng năm, ngư dân vùng Cửa Nhượng hẹn nhau cùng tổ chức lễ cầu ngư, vui hội chèo cạn. Âm điệu sâu lắng, trữ tình, thấm đẫm tình người của những câu hò chèo cạn là cách người đi biển cầu mong mưa thuận, gió hòa, tôm cá đầy khoang. Toàn xã Cẩm Nhượng hiện có hơn 170 tàu thuyền đánh cá, với khoảng 900 lao động, sản lượng thủy sản khai thác mỗi năm trên 3.500 tấn. Năm 2014, Cẩm Nhượng thành lập 3 HTX đánh bắt xa bờ và đóng 2 tàu lớn có công suất trên 140 CV, trong đó xã hỗ trợ mỗi tàu khoảng 50 triệu đồng, huyện hỗ trợ mỗi tàu 1 giàn đèn trị giá 40 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng trong vòng 2 năm. Theo UBND xã Cẩm Nhượng, để góp phần phát triển nghề cá, cần xây dựng cảng cá tại Cồn Gò. UBND tỉnh đã phê duyệt tờ trình của xã “về việc khảo sát, thiết kế, nạo vét cửa lạch và xây dựng kè cánh hàn”.
Những cửa hàng trong ngõ xóm nhỏ vẫn rất đông khách đến mua
Gắn với nghiệp biển, vùng Cửa Nhượng có nghề làm mắm lù (cho cá ướp muối vào thùng gỗ hoặc vại sành, dưới đáy khoét lỗ nhỏ gọi là “ống lù”) và nướng cá nức tiếng một thời. Nghề mắm vẫn duy trì, với công thức độc đáo chỉ hơn 1 kg muối/10 kg cá, lượng muối bằng một nửa so với cách làm mắm ở các vùng khác như Phú Quốc, Phan Thiết. Người Nhượng Bạn rang gạo lứt hoặc ngô, giã nhỏ làm thính, khiến nước mắm có vị thơm đặc biệt. Từ năm 2013, xã đã thành lập “Làng nghề truyền thống đánh bắt – chế biến hải sản”, với 2 cơ sở chính là Hiệp hội Làng nghề chế biến nước mắm Cẩm Nhượng và HTX Hải sản Thu Hùng. Mỗi năm, HTX thu mua và chế biến, tiêu thụ hàng trăm tấn hải sản, cùng trên 11.000 lít nước mắm. Còn nghề nướng cá để bán đã mai một từ lâu, song khách đến Nhượng Bạn vẫn có thể được thưởng thức đặc sản này. Anh Nguyễn Văn Toản cho biết, cá nướng nước chè, đẻn (rắn biển) và chim cu kỳ là 3 đặc sản nức tiếng ở Cửa Nhượng. Ít năm trước, khi “cơn sốt đẻn” vào kỳ cao trào, bán được giá, dân làng chài đổ xô đi săn đẻn, bất chấp việc nhiều người bị đẻn cắn thiệt mạng. Rắn biển vùng này phổ biến 4 loại: đẻn cơm, đẻm xanh, đẻn cò, đẻn rồng, đều được dân nhậu xưng tụng là ngon “số dách” và bổ toàn thân. Thuốc dân gian cũng có thang “hải xà nhục”, ghi rằng thịt đẻn vị mặn mùi tanh, tính âm, có tác dụng tăng trọng, chống viêm, tốt cho người mắc bệnh xương khớp. Còn cu kỳ là giống chim vào mùa hè thường kéo đàn bay về rú Cùm và núi Voi- hai ngọn núi “trấn giữ” đôi bên Cửa Nhượng. Những con chim mỏ đỏ, lông màu nâu hoặc xanh, có nhiều chấm viền quanh cổ, to xấp xỉ cỡ bồ câu hoặc gà tre, thịt rất thơm và chắc. Điều đặc biệt là cu kỳ thích uống nước biển (!) và ưa sạch, sáng sớm hay chiều muộn thường đáp xuống những bãi đá sát mép nước, rỉa lông rỉa cánh rất kỹ. Dân săn thường dùng chim mồi, đặt lưới chụp trên bãi đá để bắt cu kỳ, bán cho các quán nhậu. Rắn biển và chim trời bị săn riết, nay đã vãn hẳn. Chỉ có món cá nướng dân dã mà đậm đà vẫn níu chân khách về Cửa Nhượng: Ai về xứ Nghệ thì về/ Cá nướng Cửa Nhượng, nước chè Hương Sơn… Nguyễn Việt – Hà Vân/ Theo Congluan.vn