Lương Sơn (Hòa Bình): Thêm một nhà máy xi măng “đầu độc” người dân!

00:00 12/10/2020

Không chỉ bị “tra tấn” bởi ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn từ Nhà máy xi măng Trung Sơn của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh mà hàng trăm hộ dân xã Trung Sơn, Thành Lập còn bị “đầu độc” bởi những “vòi rồng” xả ra từ Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn của Cty TNHH xi măng Vĩnh Sơn nằm cách đó chỉ vài trăm mét.

Như Báo điện tử Congluan.vn đã thông tin, kể từ khi Nhà máy xi măng Trung Sơn đi vào hoạt động cũng là ngần ấy thời gian người dân tại xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) phải sống chung với ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn…Thực trạng trên đã diễn ra trong suốt thời gian dài khiến chính quyền sở tại và hàng trăm hộ dân rất bức xúc. Tuy nhiên, thay bằng việc khắc phục sự cố thì doanh nghiệp tiếp tục xin tăng công suất lên 6 lần, khiến người dân càng thêm lo lắng.

Theo Kết luận Thanh tra số 369/KLTTr-TCMT ngày 8/9/2015 của Tổng Cục môi trường cũng khẳng định các sai phạm của Nhà máy xi măng Trung Sơn như “Công ty chưa có báo cáo quản lý chất thải nguy hại theo định kỳ; Chưa có báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường; Thực hiện chương trình giám sát môi trường chưa đúng theo quy định; Chưa có giấy phép sử dụng nước mặt và nước ngầm; Công ty đã xây dựng hệ thống xử lý khí thải tuy nhiên chưa vận hành thử nghiệm để nghiệm thu công trình; Quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại chưa đúng theo quy định…”

20160329_161355
Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn nằm cách nhà máy xi măng Trung Sơn chỉ vào trăm mét

Do vậy, Đoàn kiểm tra tiếp hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có vận chuyển, xử lý, tiêu hủy theo quy định. Và quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng.

Tại văn bản số 1378/STNMT-TTr ngày 30-10-2015 của Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình về việc kiểm tra đánh giá ảnh hưởng đến môi trường do hoạt động sản xuất xi măng của Nhà máy xi măng Trung Sơn nêu rõ: Người dân kiến nghị về việc Nhà máy gây ô nhiễm môi trường khói bụi, nguồn nước, tiếng ồn là có cơ sở. Về ô nhiễm nguồn nước, nguyên nhân do nước mưa thẩm thấu từ bãi chứa than nguyên liệu tạm thời không có mái che và rãnh thoát nước chảy xuống ao của các hộ dân.

Đối với hệ thống lọc bụi, tại thời điểm kiểm tra khu vực đóng bao và xuất xi măng hệ thống lọc bụi không hoạt động dẫn đến lượng bụi phát tán ra xung quanh. Khu vực kho tròn đập đá không có mái che chắn tại cửa ra vào, lượng bụi phát thải với độ cao thấp, dễ ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh…

vinhson1
Những cột khói đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và hàng ngày đang “đầu độc” người dân  nơi đây

Không chỉ Nhà máy xi măng Trung Sơn gây ô nhiễm môi trường, mà người dân trên địa bàn xã Trung Sơn, Thành Lập còn bị tra tấn bởi những “vòi rồng” xả thải từ nhà máy xi măng Vĩnh Sơn. Theo ông Nguyễn Xuân Đường, Trưởng thôn Ao Kềnh cho hay: Ngay từ khi NM đi vào hoạt động, bà con đã nhiều lần phản ánh với lãnh đạo NM và chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn. Nhiều lần, các đoàn cán bộ xã, huyện rồi tỉnh về kiểm tra, xác nhận tình trạng ô nhiễm và yêu cầu NM phải khắc phục nhưng không hiểu sao, sự việc vẫn không thay đổi.

Theo ông Đường, toàn thôn Ao Kềnh có 245 hộ dân (hơn 1000 khẩu), hầu như hộ nào cũng chịu ảnh hưởng từ khói bụi ô nhiễm của NM. Mặc dù, NM đóng trên địa bàn xã Trung Sơn, nhưng tầm “phủ bụi” của nó lan rộng ra cả 2 xã Trung Sơn và Thành Lập. Thậm chí, xã Trần Phú cách xa đó cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, trên địa bàn xã Thành Lập có 3 trường học thuộc cả 3 cấp bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi khói bụi NM thải ra.

20160330_172704
Đơn đề nghị của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường của nhà máy xi măng Trung Sơn

Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng ban An ninh của Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn (NM) thừa nhận, tình trạng khói bụi từ NM này xả ra môi trường như phản ánh của người dân là có thật, nhưng là nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn. Do NM sử dụng thiết bị tự động hóa của Trung Quốc, chưa được chuyển giao hết công nghệ, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc trục trặc khi vận hành máy móc, gây ô nhiễm. “Trong quá trình vận hành, hệ thống máy móc của NM thường xuyên xảy ra sự cố buộc phải dừng hoạt động để sửa chữa. Mỗi lần sửa chữa xong, khởi động lại máy móc thì tình trạng khói bụi phát tán ra môi trường lại xuất hiện ” ông Hợp cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Yến, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lương Sơn cũng thắc mắc: Không hiểu tại sao với khoảng cách gần khu dân cư như thế mà các cơ quan chức năng vẫn cấp phép cho xây dựng 2 NM xi măng ở xã Trung Sơn?

Cũng theo ông Yến, đã có quy định rất rõ ràng về khoảng cách tối thiểu từ điểm xây dựng NM xi măng tới khu dân cư là 1.000 m. Trong khi đó, ở xã Trung Sơn, có khu dân cư (xóm Lộc Môn và Bến Cuối), chỉ cách NM xi măng có vài chục mét, thậm chí, nhiều hộ dân ở xóm Lộc Môn nằm ngay sát NM (chỉ cách một bức tường bao) (?!).

Ông Yến cho rằng, việc doanh nghiệp xả thải rồi đổ lỗi cho sự cố là vô trách nhiệm và khó chấp nhận. Cần phải xem lại trách nhiệm của đơn vị kiểm định hệ thống máy móc của NM xi măng Vĩnh Sơn trước đó. Tại sao dây chuyền công nghệ chưa được chuyển giao hết mà dám xác nhận đủ điều kiện để đưa vào sản xuất suốt mấy năm qua?.

Còn ông Nguyễn Trần Anh, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình cho biết: “Theo quy định các nhà máy này sau khi được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì phải lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Mặc dù chúng tôi đã yêu cầu nhưng các nhà máy này chưa chấp hành việc hoàn tất hồ sơ để trình lên chúng tôi xem xét và cấp giấy xác nhận. Việc này chúng tôi đã nhắc hàng năm nhưng chủ đầu tư 2 nhà máy xi măng Trung Sơn và Vĩnh Sơn không thực hiện”.

Về nguyên nhân tại sao để nhà máy xi măng sát khu dân cư, ông Bùi Văn Toàn, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình cho hay: “Thời điểm phê duyệt giấy phép, quy định về khoảng cách an toàn từ nhà máy đến khu dân cư không lớn như hiện nay. Lúc đó khoảng cách an toàn chỉ khoảng 300m.

Trước thực trạng trên, đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình có biện pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các nhà máy, cũng như đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho người dân.

Thành Vinh – Anh Đức/congluan.vn