Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Sửa đổi để theo kịp thực tiễn

00:00 12/10/2020

Quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về các loại thiệt hại được bồi thường phát sinh từ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động giải quyết bồi thường. Về nguyên tắc, bồi thường Nhà nước chính là việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do vậy, khi xây dựng quy định về các thiệt hại được bồi thường trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2009, các nhà làm luật đã áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự 2005 để xây dựng, có tính đến các điểm đặc thù của hoạt động bồi thường Nhà nước. Luật TNBTCNN năm 2009 quy định về các thiệt hại và mức thiệt hại được bồi thường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và pháp luật dân sự tại thời điểm đó. Tuy nhiên đến nay, theo Bộ Tư pháp, các quy định này đã không còn phù hợp.
Luật sư Công ty Luật TNHH An Quốc LAW tư vấn pháp luật cho đương sự về một vụ án hành chính. Ảnh: Thảo Đức
Theo kết quả khảo sát về việc mở rộng các loại thiệt hại được bồi thường, phần lớn ý kiến của các đối tượng được khảo sát cho rằng các thiệt hại được quy định trong Luật TNBTCNN là chưa phù hợp với thực tế, chưa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, do đó, việc mở rộng các loại thiệt hại là hết sức cần thiết. Cũng theo kết quả khảo sát này, các loại thiệt hại cần được bổ sung bao gồm các khoản chi phí liên quan tới yêu cầu bồi thường (bao gồm cả chi phí khiếu nại, chi phí tố cáo, chi phí khởi kiện vụ án hành chính, chi phí thuê luật sư hoặc người đại diện, chi phí thuê người bào chữa, chi phí tàu xe, đi lại), các loại thiệt hại do danh dự bị xâm phạm trong lĩnh vực quản lý hành chính và thi hành án. Bên cạnh đó, cần có nhiều quy định thiệt hại được bồi thường mang tính định lượng để làm căn cứ xác định mức bồi thường, nhất là đối với những thiệt hại về tài sản đã mất, hoặc không được sử dụng trong một thời gian dài.
Do đó, để phù hợp với thực tiễn, sửa đổi quy định về thiệt hại được bồi thường tập trung vào những nội dung sau: Đối với thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, bổ sung các quy định về: Thời điểm để xác định hiện trạng tài sản làm căn cứ tính mức bồi thường; xác định thiệt hại đối với tài sản bị mất là vật đặc định; thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại không thực hiện được các giao dịch dân sự, kinh tế; thiệt hại về các chi phí để có được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người bị thiệt hại; thiệt hại phát sinh do chậm chi trả tiền bồi thường.
Đồng thời bổ sung nhiều quy định mang tính cụ thể về thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của cá nhân, tổ chức; về vật chất do người bị thiệt hại chết, và thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe... Đối với thiệt hại do tổn thất về tinh thần, sửa đổi theo hướng cơ bản là nâng các mức định lượng bồi thường cao hơn so với trước đây để bảo đảm phù hợp với quy định của BLDS 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (trừ thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết).
Đối với Nhà nước, theo Bộ Tư pháp việc quy định cụ thể, chi tiết về các loại thiệt hại được bồi thường, bổ sung một số loại thiệt hại bồi thường phát sinh trên thực tế tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giải quyết bồi thường. Hoạt động xác minh thiệt hại của cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường có thể được thực hiện nhanh chóng, chính xác hơn tạo điều kiện thuận lợi trong việc thương lượng với người bị thiệt hại. Việc định lượng và định tính một cách rõ ràng đối với một số loại thiệt hại giúp cơ quan giải quyết bồi thường áp dụng thủ tục ra quyết định giải quyết bồi thường ngay cho người bị thiệt hại, qua đó, rút ngắn thời gian giải quyết bồi thường, kịp thời giải quyết bồi thường đối với những thiệt hại đã được xác định rõ ràng cho người bị thiệt hại, tránh gây tâm lý bức xúc cho người dân và dư luận. Đặc biệt phương án này sẽ làm tăng tính minh bạch của cơ quan nhà nước trong hoạt động giải quyết bồi thường.
(theo kinhtedothi.vn)