Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi: Doanh nghiệp kêu cứu

00:00 12/10/2020

“Trong những năm qua, doanh nghiệp ngành Bia, Rượu luôn thực hiện và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Song, các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên lắng nghe các ý kiến doanh nghiệp để có thể điều chỉnh cho phù hợp. Mục đích cuối cùng là để thực thi chính sách nhà nước một cách tốt nhất”. Đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam tại buổi Toạ đàm về việc triển khai thực hiện Nghị định 108/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 195/2015//TT-BTC của Bộ Tài chính về thuế tiêu thụ đặc biệt.

12834626_626044604200308_16107019_n

Buổi Toạ đàm do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Tại đây, nhóm công tác Thuế Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) và hàng loạt doanh nghiệp thuộc Hiệp hội bia và nước giải khát đã đồng loạt gửi đơn lên Văn phòng chính phủ, Quốc hội kiến nghị về các điều khoản áp dụng trong Nghị định 108 và Thông tư 195.

Không kịp trở tay

Ông Lê Hồng Xanh – Phó Tổng Giám đốc SABECO cho rằng: Nghị định 108 và Thông tư 195 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 2008 và Luật thuế TTĐB 2014 có quy định mới với thay đổi đột ngột cơ bản về giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, quá gần thời điểm có hiệu lực là ngày 1/1/2016 và trùng với thời điểm bắt đầu tăng thuế suất thuế TTĐB.

Điều này đã làm tăng hơn nữa chi phí thuế của doanh nghiệp trong lúc các doanh nghiệp đang phải điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với việc gia tăng thuế suất thuế TTĐB như được quy định trong Luật thuế TTĐB sửa đổi (bia và rượu mạnh tăng 5%/năm đến 2019, rượu vang tăng 5%/2 năm, thuốc lá tăng 5%/ 3 năm).

“Việc thay đổi giá tính thuế đột ngột như vậy sẽ tác động rất lớn đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp không đủ thời gian chuẩn bị, không dự đoán trước được, không minh bạch, không có lộ trình thực hiện có thể dẫn đến ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi cung ứng”, ông Xanh nhận định.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Hồng Xanh, nhiều doanh nghiệp tại buổi Toạ đàm cho rằng: Sự ổn định trong cơ sở tính thuế là nền tẳng vững chắc để các ngành sản xuất kinh doanh hàng hoá chịu thuế TTĐB phát triển ổn định, bền vững, góp phần phát triển khu vực thương mại và bán lẻ của đất nước, phát triển hiệu quả công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và đóng góp ổn định vào ngân sách quốc gia. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh thời gian có hiệu lực của Nghị định 108 và Thông tư 195 sớm nhất là ngày 1/1/2017 để các doanh nghiệp có khoảng 1 năm để chuẩn bị.

Kiến nghị bỏ quy định về tỷ lệ 7%

Trong nghị định 108 và Thông tư 195 quy định: Giá tính thuế TTĐB được dựa trên giá bán ra của công ty thương mại cuối cùng có quan hệ công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất và cơ sở nhập khẩu và giá làm căn cứ tính thuế TTĐB không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.

Về quy định này, ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Bia- Rượu- Nước giải khát Hà Nội cho rằng: Giá bán trên thị trường thay đổi theo từng thời điểm hay theo vùng, đa dạng theo chính sách kinh doanh của từng nhà phân phối. Quan hệ giữa nhà sản xuất với nhà phân phối là mua đứt đoạn. Vì thế, chúng tôi không có quyền yêu cầu các cơ sở kinh doanh thương mại cung cấp các thông tin liên quan đến giá bán của họ.

bia
Các doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh thời gian có hiệu lực của Nghị định 108 và Thông tư 195 sớm nhất là ngày 1/1/2017. (Ảnh Internet)

Quy định giá tính thuế của cơ sở sản xuất không được thấp hơn 7% giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại vô hình chung yêu cầu nhà sản xuất phải kiểm soát giá bán của cơ sở thương mại – điều mà Luật canh tranh cấm.

“Rất khó có thể tính được giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm do cơ sở kinh doanh thương mại bán ra, trong trường hợp nhà sản xuất có nhiều sản phẩm thuộc nhiều phân khúc khác nhau, cùng một nhãn hàng có nhiều loại sản phẩm khác nhau, mỗi sản phẩm này lại có nhiều mẫu mã kích thước quy cách khác nhau. Điều này khiến cho giá bình quân nếu có thể tính được cũng không chính xác và không mang tính đại diện, không phản ánh chính xác nghĩa vụ thuế TTĐB, đồng thời dễ gây tranh cãi giữa các cơ quan thuế và người nộp thuế”, ông Linh cho biết.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cũng cho rằng: Quy định này sẽ tạo ra một sự đối xử bất bình đẳng giữa các công ty.

Các công ty thương mại có quan hệ công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu là một pháp nhân độc lập, đăng ký và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và có hệ thống kế toán độc lập.

“Với quy định mới, các công ty này sẽ kém cạnh tranh hơn so với các công ty thương mại khác. Các nhà sản xuất hay nhập khẩu sẽ không bán hàng thông qua các công ty này nữa vì chi phí thuế sẽ cao hơn. Vô hình chung đẩy các công ty này vào tình thế rất khó khăn có thể dẫn đến phải đóng cửa. Về lâu dài, quy định này sẽ kìm hãm nghiêm trọng sự phát triển của hệ thống phân phối chuyên nghiệp và hiện đại, bởi các nhà sản xuất sẽ buộc phải tự xây dựng hệ thống phân phối của mình”, ông Việt nhận định.

Đồng quan điểm nêu trên, hầu hết các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét bỏ quy định xác định giá tính thuế TTĐB dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại có quan hệ công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ và bỏ quy định về tỷ lệ 7%.

(congluan.vn)