Luật sư nêu giải pháp xóa nỗi lo đòi nợ kiểu xã hội đen

00:00 12/10/2020

Theo luật sư, việc phát triển thị trường mua bán nợ sẽ góp phần hạn chế tối đa nạn đòi nợ thuê kiểu xã hội đen, gây mất trật tự an ninh xã hội

Về đề xuất tăng quyền hạn cho lực lượng Công an trong quản lý dịch vụ đòi nợ của Bộ Tài chính, nhằm hạn chế tình trạng đòi nợ bất hợp pháp, có ý kiến cho rằng, không chỉ giao cho công an quản lý mà cần phải bổ sung quy định những hành vi bị cấm, giới hạn khi đòi nợ để có thể trấn áp được kiểu đòi nợ “xã hội đen”. Bên cạnh đó, cần phát triển một thị trường mua bán nợ để có thể xử lý được các khoản nợ khó đòi. Bởi dù mua bán lại các khoản nợ, dịch vụ đòi nợ thuê sẽ vẫn còn, nhưng nó nằm trong các đơn vị mua bán nợ, việc quản lý sẽ minh bạch hơn, hạn chế đòi nợ kiểu “xã hội đen”.

Nhiều tiềm năng để phát triển

luat su neu giai phap xoa noi lo doi no kieu xa hoi den hinh 1
Luật sư Trần Sỹ Tiến (Công ty luật Hà Nội VDT) 

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trần Sỹ Tiến (Công ty luật Hà Nội VDT) dẫn Điều 450 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về mua bán quyền tài sản cùng với Nghị định 69/2016/NĐ-CP quy định về mức vốn pháp định đầu tư tối thiểu 100 tỷ đồng đối với tổ chức (không phải là doanh nghiệp), cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, cho thấy, hành lang pháp lý đối với thị trường mua bán nợ khá đầy đủ, nên việc phát triển thị trường này là rất tiềm năng cần được khuyến khích. 

“Việc phát triển thị trường này giúp các bên không phải lo lắng cho các khoản nợ khó đòi, đặc biệt sẽ tránh được tình trạng khiếu kiện tại tòa án, gây mất trật tự môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng hạn chế tối đa nạn đòi nợ thuê kiểu xã hội đen gây mất trật tự an ninh xã hội”, luật sư Tiến phân tích thêm.

Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh) cho rằng, một giải pháp giải quyết nợ nần theo đúng quy định của pháp luật, rút ngắn thời gian đòi nợ là một "cứu cánh" cho chủ nợ. Nếu thị trường mua bán nợ hợp pháp được phát triển, khi đó thay vì nhờ các tổ chức, cá nhân ngoài xã hội đòi nợ với chi phí lớn, nhiều nguy cơ mất an toàn, thì chắc chắn người dân sẽ tìm đến với tổ chức được thu mua nợ hợp pháp. 

Tuy nhiên, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, cần tính toán làm sao để dịch vụ này thuận lợi, dễ tiếp cận nhất cho người dân, thời gian giải quyết nhanh chóng; đối tượng mà dịch vụ này hướng tới cần đa dạng chứ không chỉ giới hạn đối với những người có điều kiện và khả năng trả nợ.

Cần quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm khi đòi nợ 

Luật sư Nguyễn Hải Âu (Công ty Luật TNHH Thái Minh Tâm) cũng cho rằng, khi nhu cầu về dịch vụ đòi nợ thuê trong xã hội tăng cao thì Nhà nước rất cần ban hành các quy định phù hợp để có thể điều tiết, bảo đảm cho thị trường này phát triển một cách lành mạnh. 

Theo luật sư, vì đây là một loại hình kinh doanh nhạy cảm nên để kiểm soát và hạn chế những biến tướng có thể gây ra các hậu quả tiêu cực thì các điều kiện để tham gia hoạt động dịch vụ thu hồi nợ cần được quy định một cách chặt chẽ. Chẳng hạn như việc cần quy định rõ ràng, cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện dịch vụ đòi nợ. 
luat su neu giai phap xoa noi lo doi no kieu xa hoi den hinh 2
Một vụ đòi nợ thuê gây náo loạn khu phố. (Ảnh: Công an TPHCM)

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ cần phải có đủ năng lực tài chính thể hiện ở vốn pháp định để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp gây thiệt hại vật chất cho khách hàng là chủ nợ, phía con nợ hoặc bên thứ ba bất kỳ có liên quan. Chủ doanh nghiệp hoặc các cá nhân tham gia bộ máy lãnh đạo của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ cần có đủ năng lực pháp luật, năng lực chuyên môn và đặc biệt là phải có tư cách đạo đức, uy tín xã hội. Các nhân viên của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ thu hồi nợ cũng cần phải được trang bị kiến thức pháp luật, kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng nghiệp vụ thu hồi nợ để đảm bảo cho hoạt động đòi nợ được tiến hành một cách lành mạnh, phù hợp với quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Hải Âu cho rằng, do dịch vụ đòi nợ là một loại hình dịch vụ tài chính nên cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính vẫn nên là Bộ Tài chính; Bộ Công an nên giữ vai trò giám sát, phối hợp. Cơ quan công an sẽ chỉ trực tiếp can thiệp, giải quyết trong trường hợp doanh nghiệp hoặc nhân viên của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ có hành vi gây rối, làm mất an ninh trật tự hoặc vi phạm pháp luật hình sự. Điều này sẽ giúp tránh được nguy cơ can thiệp quá sâu, “hình sự hóa” hoặc thậm chí là “bảo kê” của những người thừa hành công vụ của ngành công an đối với hoạt động dịch vụ có bản chất dân sự khá nhạy cảm này. 

Dịch vụ “đòi nợ thuê” ở Việt Nam đã được luật hóa từ năm 2007 với Nghị định 104/2007/ NĐ – CP ngày 14/06/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Một số nội dung của Nghị định này sau đó được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 110/2007/TT – BTC ngày 12/09/2007 của Bộ Tài Chính. Thực tế trong thời gian vừa qua, hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tỏ ra không hiệu quả, kém lành mạnh. Nhiều công ty đang lợi dụng dịch vụ hợp pháp này để lách luật, bóp méo, biến tướng thành các kiểu đòi nợ thuê mang tính chất “xã hội đen”, “côn đồ”, thực hiện các hành vi đe dọa, khủng bố, hành hung, đánh đập, bắt cóc, tống tiền khách nợ.  

Vừa qua, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104 nêu trên trong đó có một số thay đổi căn bản như: giao cho Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý dịch vụ đòi nợ thuê, bỏ các quy định về điều kiện vốn kinh doanh, tiêu chuẩn người quản lý, người lao động trong dịch vụ đòi nợ...

An Minh