Luật Quy hoạch: Thông qua rồi vẫn khó khăn chồng chất!

00:00 12/10/2020

Cuối chiều 3/6, khi Quốc hội đang còn thảo luận tại hội trường thì Uỷ ban Kinh tế phải tổ chức một phiên họp đột xuất...

Cuối chiều 3/6, khi Quốc hội đang còn thảo luận tại hội trường thì Uỷ ban Kinh tế phải tổ chức một phiên họp đột xuất.

Nội dung phiên họp là để thẩm tra dự thảo nghị quyết thi hành Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh xin lỗi các đại biểu dự họp về việc phải làm việc ngoài giờ, vì ngày 31/5 mới nhận được tờ trình của Chính phủ mà chiều 4/6 đã phải báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Thanh cũng như một số vị đại biểu khác đều nhấn lại sự gian nan khi làm Luật Quy hoạch, được chuẩn bị từ Quốc hội khóa 13, chuyển sang Quốc hội khóa 14 và phải qua 3 kỳ họp, đến cuối 2017 mới thông qua được, sau rất nhiều tranh cãi.

Thế nhưng, theo tờ trình của Chính phủ cần thiết phải ban hành nghị quyết do 3 vướng mắc liên quan đến quy trình tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch.

Thứ nhất là hiện có một số quy hoạch đã được lập, thẩm định nhưng chưa được phê duyệt, nay sẽ phải làm theo trình tự của luật Quy hoạch, dẫn đến mất nhiều thời gian.

Thứ hai là quy định của luật hiện hành không cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ, dẫn đến không bảo đảm sự linh hoạt trong quá trình điều hành của các địa phương.

Thứ ba là kể từ thời điểm luật Quy hoạch có hiệu lực, quy định có liên quan đến các quy hoạch tại các luật chuyên ngành cũng đồng thời hết hiệu lực, khiến không còn căn cứ pháp lý để thực hiện các quy hoạch này.

Vì thế, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết trên để hướng dẫn chuyển tiếp, không hồi tố quy định với các quy hoạch đã thẩm định trước và cho kéo dài thời hạn áp dụng quy hoạch được quy định tại các luật chuyên ngành.

Có phải vướng do luật?

Vướng mắc là có thật, theo phản ánh từ một số đại biểu địa phương và đại diện một số bộ có mặt tại cuộc họp.

Song, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh một vấn đề rất cần quan tâm thảo luận là vướng mắc do luật hay do tổ chức thực hiện.

Nêu rõ là các văn bản hướng dẫn thi hàn luật làm rất chậm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế, ông Đỗ Văn Sinh cho rằng nếu Chính phủ có trách nhiệm thì phải nhận trách nhiệm trước về sự chậm trễ này.

Nếu đồng ý với nghị quyết thì tức là đình chỉ không thực hiện luật Quy hoạch nữa và làm hồi sinh những điều khoản "đã chết", đã được Quốc hội sửa đổi, đại biểu Sinh nói.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên, thành viên nhóm nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật nhận định: nếu đọc kỹ luật thì các điều Chính phủ đề nghị sửa đều đã được quy định tại luật rồi.

"Nếu mới 5 tháng chúng ta đã sửa thì cử tri rất lo lắng cho khả năng xây dựng pháp luật của chúng ta. Nên chăng, có thể đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định của luật để tháo gỡ vướng mắc trong thực tế", bà Nguyên gợi ý..

Chỉ 5 bộ và  4, 5 tỉnh có vướng mắc, mà ở những dự án, lĩnh vực rất cụ thể thì có phải do luật không, phải phân tích kỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, người đã gắn bó với sự gian nan của quá trình làm Luật Quy hoạch, đặt vấn đề.

Quốc hội phải lựa chọn

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì trong vấn đề này, Quốc hội phải đưa ra lựa chọn.

Đơn cử với quy hoạch khoáng sản do Bộ Công Thương phụ trách, trong 6 năm (từ 2009 đến 2015), có 64 lần điều chỉnh quy hoạch, mỗi lần bổ sung thêm 1 mỏ vào, ông Đức cho biết theo quan sát thì chỉ 1 đến 2 tháng sau khi bổ sung vào quy hoạch là mỏ đó được cấp phép.

Ông Đức phân tích, Luật Khoáng sản có quy định một quy trình rất minh bạch: Nhà nước điều tra cơ bản địa chất, xác định có khoáng sản thì bổ sung vào quy hoạch. Doanh nghiệp căn cứ trên quy hoạch đó để xin phép, và nếu có nhiều doanh nghiệp cùng xin phép thì đấu giá.

Tuy nhiên, thực tế diễn tiến hơi khác, ở chỗ các doanh nghiệp cho biết xin phép dự án không khó gì, cái khó chính ở chỗ xin bổ sung quy hoạch.

"Cơ chế làm cho doanh nghiệp nào "canh" được thời điểm bổ sung quy hoạch, lập tức nộp hồ sơ thì các doanh nghiệp khác không thể trở tay kịp, nên chỉ có họ được cấp phép. Bản chất của việc này là cấp phép thông qua việc bổ sung quy hoạch, chứ không phải quá trình cấp phép thông qua đấu giá minh bạch như quy định", ông Đức phát biểu.

Vì thế, dù "rất thừa nhận là thắt chặt điều chỉnh quy hoạch cục bộ sẽ dẫn đến dự án đình trệ, địa phương bị bó tay trong điều chỉnh", nhưng vị chuyên gia này cho rằng Quốc hội vẫn phải lựa chọn: một đằng chấp nhận phát triển nhanh với đằng sau đó là không minh bạch, là doanh nghiệp sân sau, là nguy cơ lớn của hối lộ. Một đằng chấp nhận phát triển chậm lại, nhưng minh bạch, công khai. Luật Quy hoạch vẫn cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ, chứ không phải không cho, chỉ là với trình tự điều chỉnh phức tạp hơn, ông Đức nói.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, ông Nguyễn Đức Kiên gút lại "thống nhất là phải hành động" để tháo gỡ vướng mắc, nhưng với thủ tục là một nghị quyết của Quốc hội như Chính phủ trình, hay với giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như một số đại biểu khuyến nghị thì Ủy ban Kinh tế sẽ cùng với Thường trực Ủy ban Pháp luật làm rõ trong tờ trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày mai.

Song, ông Kiên cũng cho rằng "phải nói rõ với nhau, có lẽ các cơ quan tham mưu của Chính phủ chưa nắm chắc tinh thần của luật", dẫn đến khó khăn chồng khó khăn và phải đưa ra cuộc họp này.

Lưu ý hồ sơ của Chính phủ trình ra còn sơ sài, còn thiếu sở cứ pháp lý để đại biểu Quốc hội yên tâm bấm nút, ông Kiên đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ để giải trình. 

Ông Kiến cũng lưu ý chỉ có luật mới không có thời hạn, chứ nghị quyết nhất định phải có. Và, nghị quyết này ảnh hưởng đến 93 luật mà không có đánh giá tác động, thì dừng 93 luật ấy không biết việc gì sẽ xảy ra, ai chịu trách nhiệm cho việc ấy.

Nguyễn Lê

Tags: