Luật không phạt người đi xe không 'chính chủ'

00:00 12/10/2020

Luật sư Kiều Anh Vũ, Văn phòng luật sư Lê Nguyễn
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề xe “chính chủ” đang gây xôn xao dư luận, luật sư Kiều Anh Vũ – Văn phòng luật sư Lê Nguyễn cho biết, đối với những gia đình chỉ có một chiếc xe gắn máy thì những người khác trong gia đình nếu đủ điều kiện điều khiển phương tiện thì cứ yên tâm sử dụng mà không phải sợ bị phạt.
Đảm bảo quyền lợi chủ sở hữu Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, phạt 100.000 - 200.000 đồng với cá nhân, 200.000 - 400.000 đồng với tổ chức là chủ môtô, xe máy và các loại xe tương tự môtô khi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế. Ông bình luận gì về quy định này?  Luật sư Kiều Anh Vũ: Quy định về xử phạt đối với việc không đăng ký sang tên xe, hay nói cách khác là không đăng ký chuyển quyền sở hữu không phải là một quy định mới. Từ Nghị định 15/2003/NĐ-CP đã có quy định về việc xử phạt đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định (áp dụng đối với cả xe máy và ô tô). Các nghị định về xử phạt vi phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sau đó đều kế thừa và có quy định này và hiện nay là quy định như đã nêu tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP (vẫn áp dụng đối với cả xe máy và ô tô). Quy định này cũng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của chủ sở hữu và bảo đảm công tác quản lý nhà nước. Chẳng hạn, đối với chủ phương tiện, nếu xe chẳng may bị mất, để chứng minh mình là chủ sở hữu của xe phải chứng minh bằng Giấy đăng ký xe, các giấy tờ giao dịch có liên quan. Nếu Giấy đăng ký xe không mang tên chủ sở hữu thi rõ ràng việc chứng minh cũng sẽ khó khăn và phức tạp hơn. Ngược lại, dưới góc độ quản lý nhà nước, nếu xảy ra tai nạn giao thông, việc xác định trách nhiệm của các chủ thể liên quan, trong đó có chủ xe mà Giấy đăng ký xe chưa sang tên, mang tên người khác (chủ sở hữu ban đầu) thì việc xác định trách nhiệm, xử lý của cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người bị thiệt hại… Thưa ông, cần phải hiểu thế nào cho đúng khi mà nhiều người dân cho rằng gia đình họ chỉ có một cái xe, nếu phải đi xe chính chủ thì sẽ khó khăn cho sinh hoạt của họ?  Quy định trên không bắt buộc người điều khiển xe lưu thông trên đường phải có giấy đăng ký xe mang tên mình mà chỉ quy định về việc đăng ký quyền sở hữu, sang tên xe của chủ phương tiện trong trường hợp có chuyển dịch quyền sở hữu xe mà luật quy định như mua, được tặng cho, được thừa kế, được phân bổ, được điều chuyển. Cách gọi “xe chính chủ” là cách gọi mà một số tờ báo nêu và người dân gọi theo chứ Luật không quy định như vậy. Cách gọi này là không chính xác và có cách hiểu rộng hơn so với quy định của Luật. “Đi xe không chính chủ” được hiểu là điều khiển xe không thuộc sở hữu của mình, điều khiển xe mà Giấy đăng ký xe không mang tên mình. Tuy nhiên, Nghị định 46/2016NĐ-CP không quy định xử phạt đối với hành vi đi xe không chính chủ như vậy, mà chỉ quy định xử phạt về việc không đăng ký sang tên xe trong một số trường hợp cụ thể về việc nhận quyền sở hữu xe qua các giao dịch như mua, được tặng, cho, được thừa kế, được phân bổ, được điều chuyển. Do vậy, trường hợp mượn xe để đi trong cùng một gia đình hoặc mượn của người khác; thậm chí là thuê xe để đi… đều không thuộc trường hợp bị xử phạt theo điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định 46/2016NĐ-CP. Cần “thoáng" hơn trong thủ tục sang tên Tình trạng người dân mua xe theo kiểu sang tay qua nhiều đời chủ, việc sang tên sẽ khó khăn, nhiều thủ tục, tốn kém… Đối với những trường hợp thế này, theo ông cần giải quyết thế nào? Thủ tục về đăng ký, sang tên xe hiện nay đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 4.4.2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe. Điều 24 của Thông tư này quy định cụ thể về trường hợp giải quyết đăng ký sang tên xe đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người. Tuy vậy hiện nay việc, đăng ký xe vẫn phải có xác nhận của Công an nơi thường trú nên thủ tục cũng khá phức tạp, mất nhiều thời gian, chi phí, nên không khuyến khích người dân đăng ký sang tên xe. Nếu muốn khuyến khích người dân đăng ký quyền sở hữu, sang tên xe thì các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét, có quy định phù hợp hơn, dễ dàng hơn. Chẳng hạn bỏ thủ tục xác nhận ở cơ quan công an cấp xã nơi thường trú, mà chỉ cần tự cam kết hoặc chứng minh bằng văn bản, giấy tờ khác; Hoặc người tạm trú dài hạn ở tỉnh, thành phố cũng được giải quyết đăng ký, sang tên xe trong phạm vi tỉnh, thành phố đó…
CSGT không được dừng xe kiểm tra lỗi “chính chủ” Thiếu tướng Trần Thế Quân (Cục phó Cục pháp chế, Bộ Công an) cho biết, theo quy định, CSGT không được dừng bất cứ phương tiện nào để kiểm tra với lỗi chưa sang tên đổi chủ. Cảnh sát chỉ được phép kiểm tra các phương tiện khi phát hiện ra lỗi vi phạm giao thông. Trường hợp con mượn xe của bố, vợ mượn xe của chồng, ông Quân khẳng định không có quy định nào xử phạt người đi mượn xe. Tuy nhiên, trong trường hợp di sản thừa kế, bố, mẹ cho hẳn con cái... thì phải sang tên đổi chủ theo đúng quy định. Trung tá Huỳnh Trung Phong – Phó trưởng phòng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM khẳng định với báo chí rằng, lực lượng CSGT khi hoạt động tuần tra trên đường không tiến hành xác minh, xử lý đối với quyền sở hữu mà quyền sở hữu theo Nghị định 46 chỉ áp dụng trong 2 trường hợp: khi điều tra các vụ TNGT nghiêm trọng hoặc người đó đang làm thủ tục sang tên ở cơ quan chức năng.
(Theo mothegioi.vn)