Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Chưa thực sự hiệu quả

00:00 12/10/2020

Sau gần 6 tháng triển khai Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, kết quả thu được vẫn chưa như mong đợi của cộng đồng DN.

DN cũng phải nâng cao sự chủ động, không thể “ôm cây đợi thỏ”. Ảnh: Danh Lam.

Độ "trễ” của hỗ trợ

Theo số liệu Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng đầu năm 2018 cả nước có hơn 52.300 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 516,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số lượng và tăng 6,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 2,8%. Cùng thời gian này, số DN tạm ngừng hoạt động là gần 33.400 DN, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước; số DN hoàn tất thủ tục giải thể là hơn 5.500 DN, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 5.061 DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,5% và tăng 17%.

Những số liệu trên cho thấy, khối DN nhỏ và vừa vẫn đang “tròng trành” trên những “con thuyền thúng” để ra khơi. Trong khi đó, với mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020 của Chính phủ, mỗi năm cả nước phải có 150.000 DN mới thành lập và phải thực sự “sống khỏe” – một vấn đề không dễ nếu để DN “tự bơi” và những hỗ trợ không được đẩy nhanh, phát huy hiệu quả. Do vậy, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được coi là “món quà” quý mà Nhà nước, Chính phủ mang lại cho cộng đồng DN nói chung và cộng đồng DN nhỏ và vừa nói riêng. Luật đã xác định được phạm vi hỗ trợ, nhóm đối tượng hỗ trợ như: Hỗ trợ DN mới chuyển đổi từ hộ gia đình; hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, kiến tạo; hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành… Điều này được kỳ vọng sẽ giúp mục tiêu của Chính phủ thành công tốt đẹp.

Nhận xét về tình hình hỗ trợ DN, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho hay, việc Luật và các khung chính sách dưới luật ban hành tương đối đầy đủ như hiện nay đã là một bước tiến dài trong việc hỗ trợ các DN; nhưng Luật mới chỉ ban hành chưa được 6 tháng, do vậy, điều này cần “độ trễ” nhất định cùng những nguyên nhân chủ quan, khách quan, nên số lượng DN thụ hưởng các chính sách hỗ trợ chưa được như mong muốn.

Đồng quan điểm, theo ông Hà Quyết Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ thương mại Kim Long (DN chuyên sản xuất, chế tạo phụ tùng cơ khí, khuôn mẫu), các quy định, chính sách được đưa ra rất cụ thể, tạo thêm động lực và niềm tin cho DN phát triển. Tuy nhiên, khi được hỏi về những hỗ trợ từ Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, vị này lại “lắc đầu” vì chỉ nghe nói đến thông tin hỗ trợ mà chưa nhận được sự hỗ trợ từ thực tế theo những quy định Chính phủ ban hành. Do đó, DN vẫn phải tự lực, tự tìm nguồn hỗ trợ khác theo nhu cầu phát triển của DN.

Không "ôm cây đợi thỏ"

Thực tế là nhiều bộ, ngành và địa phương đã nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ DN. Tuy nhiên, để triển khai đồng bộ, có hiệu quả, sớm đưa các chính sách, giải pháp quy định tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa vào cuộc sống, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật này. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các lãnh đạo bộ, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố... tập trung thực hiện các giải pháp như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, miễn giảm thuế phí cho DN, bố trí quỹ đất cho DN, triển khai hiệu quả các đề án hỗ trợ, đưa ra các gói tín dụng hợp lý cho DN nhỏ và vừa... theo các quy định, mục tiêu đã đề ra tại Luật cũng như các Nghị định đã ban hành kèm theo.

Điều này cho thấy, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp bách trong việc hỗ trợ cộng đồng DN, nhất là khi khối DN nhỏ và vừa chiếm tới 95% tổng số DN. Tuy nhiên, điều quan trọng là những chỉ đạo này phải xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương, bởi các DN cho rằng, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn đang tiếp diễn, các DN vẫn phải chi trả nhiều chi phí không chính thức, thủ tục hành chính vẫn chưa được tinh gọn thật sự như chỉ đạo của lãnh đạo trung ương hay cấp tỉnh, thành...

Để các hỗ trợ này chưa được như mong đợi, ông Tô Hoài Nam cho rằng, một phần do nguồn lực nhà nước còn giới hạn; phần nhiều do tính đồng bộ giữa các bộ, ngành chưa nhịp nhàng, đôi lúc còn chồng chéo nhau. Vì thế, các cơ quan, bộ, ngành cần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, càng ít văn bản càng tốt để tạo đầu mối cụ thể giúp DN tiếp cận, làm việc thuận lợi.

Ngoài ra, nhiều DN mong muốn những hỗ trợ phải được triển khai nhanh, đúng và trúng với mong muốn của DN như về nguồn vốn, xúc tiến thương mại, kết nối hợp tác giữa các DN... Đặc biệt, để những hỗ trợ đến gần với DN, việc cải cách thủ tục hành chính phải được đẩy mạnh hơn nữa, giảm các thủ tục không cần thiết, giảm “giấy phép con” và những điều kiện kinh doanh gây cản trở DN... Không những thế, nhiều chuyên gia còn cho rằng, các DN cũng phải nâng cao sự chủ động, không thể “ôm cây đợi thỏ” mà phải tự đổi mới mình, tìm ra những hướng kinh doanh mới, mạnh dạn đầu tư, khởi nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh, đủ sức tạo đà cho phát triển và hoạt động hiệu quả.

Hương Dịu