Luật Cạnh tranh 2018: Bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh

00:00 12/10/2020

Luật Cạnh tranh 2018 với nhiều điểm tiến bộ, được kỳ vọng sẽ tăng tính khả thi, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển bền vững cho tất cả các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung. Để làm rõ hơn những nội dung này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Trần Phương Lan - Trưởng phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương).

Thưa bà, Luật Cạnh tranh 2018 có những điểm thay đổi cơ bản nào so với Luật Cạnh tranh 2004?

Luật Cạnh tranh 2018 được xây dựng trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế với tư duy pháp lý. Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu tăng cường hiệu quả thực thi và có những điểm sửa đổi, bổ sung rất quan trọng trên tinh thần tôn trọng tối đa quyền tự do kinh doanh của DN nhưng có sự quản lý phù hợp để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Để phù hợp với những thay đổi mới của thị trường, Luật Cạnh tranh 2018 có 8 sửa đổi, bổ sung mới, cơ bản và rất quan trọng, bao gồm: Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; sửa đổi, bổ sung hành vi bị cấm; kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cũng như chính sách khoan hồng; bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường; các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế; kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tổ chức lại cơ quan cạnh tranh và hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh.

Bà có thể phân tích rõ hơn những điểm mới, tiến bộ của Luật Cạnh tranh 2018?

Sau hơn 12 năm thi hành, các điều kiện kinh tế - xã hội cũng như môi trường pháp lý và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Cạnh tranh năm 2004 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Đơn cử, trong phạm vi điều chỉnh của luật mới, bất cứ hành vi hạn chế cạnh tranh và giao dịch tập trung kinh tế nào ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động đáng kể đến thị trường Việt Nam thì đều nằm trong phạm vi Luật Cạnh tranh 2018. Cách tiếp cận mới đã theo kịp với xu hướng phát triển của nền kinh tế cũng như xu hướng gia tăng sự hoạt động của công ty đa quốc gia, giao dịch thỏa thuận M&A và những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ngày càng nhiều.

Một ví dụ minh chứng rõ nhất, với Luật Cạnh tranh trước đây, khi Tập đoàn Central (Thái Lan) mua lại hệ thống siêu thị Big C của Việt Nam, hoạt động ký kết ngoài lãnh thổ Việt Nam không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh, mặc dù tất cả các DN cung cấp, phân phối sản phẩm, hiệp hội, DN đều rất quan tâm việc thay đổi sau ký kết. Cơ quan cạnh tranh cũng nhận thấy sự việc tiềm ẩn những vấn đề cạnh tranh trên thị trường, gây bất lợi cho DN bán lẻ và những nhà cung cấp Việt Nam. Tuy nhiên, khi đó, cơ quan cạnh tranh không thể đánh giá vụ việc theo hướng liệu hoạt động có tác động hạn chế cạnh tranh hay không và mức độ như thế nào, để đưa ra biện pháp bảo đảm môi trường cạnh trạnh lành mạnh. Nhưng, với Luật Cạnh tranh 2018, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ có quyền đánh giá, can thiệp và đưa ra những biện pháp phù hợp…

Một ví dụ nữa trong vấn đề cước phí vận tải biển, ở Việt Nam, các hãng tàu cũng có những trường hợp thỏa thuận ngầm, cước phí vận tải tăng nhiều, chủ hàng đã có đơn kiến nghị và gửi đến cơ quan cạnh tranh nhiều lần. Nhưng đó là những thỏa thuận thực hiện ngoài lãnh thổ nên trước khi có Luật Cạnh tranh 2018, cơ quan cạnh tranh không thể tham gia dù rất quan ngại…

Dựa trên cơ sở nào để Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có thể xử lý các vụ việc ngoài lãnh thổ Việt Nam, thưa bà?

Cùng với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng cũng được mở rộng đến tất các cá nhân, tổ chức nước ngoài có liên quan.

Riêng trong vấn đề thực thi, Luật Cạnh tranh 2018 đã có riêng mục 7, Chương 8 về hợp tác cạnh tranh. Đây là nền tảng, khuôn khổ pháp lý cho cơ quan cạnh tranh Việt Nam có thể tham gia phối hợp cùng các nước để Luật Cạnh tranh 2018 có tính khả thi và đi vào thực tế.

Luật Cạnh tranh mới sẽ bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh cho DN

Cùng với việc mở rộng phạm vi quản lý, Luật Cạnh tranh còn được chú ý trong việc quy định tập trung kinh tế, hoạt động này sẽ được thực hiện như thế nào?

Chính xác là cách tiếp cận tập trung kinh tế trong luật lần này có sự thay đổi căn bản. Theo đó, tập trung kinh tế được coi là quyền của DN trong hoạt động kinh doanh. Luật không quy định cấm tập trung kinh tế cứng nhắc dựa trên mức thị phần kết hợp như trước. Trước đây, nếu 2 DN tập trung kinh tế như sáp nhập lại và có mức thị phần chiếm trên 50% thì bị cấm. Nhưng luật mới tôn trọng quyền tự do kinh doanh của các DN, coi hoạt động sáp nhập, mua lại DN là hoạt động tự nhiên trên thị trường. Tuy nhiên, sẽ trao trách nhiệm cho Ủy ban Cạnh tranh quốc gia xem xét, đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh.

Với quy định như vậy, luật đã thể hiện quan điểm tiến bộ là tôn trọng và cho phép DN được quyền thông qua hoạt động tập trung kinh tế để phát triển kinh doanh và phát triển DN. Nhà nước chỉ thực hiện quyền kiểm soát bằng pháp luật để bảo đảm việc tập trung kinh tế không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh và chỉ can thiệp trong trường hợp tập trung kinh tế có nguy cơ gây tổn hại cho môi trường cạnh tranh quốc gia.

Luật Cạnh tranh 2018 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Hiện, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng trình Chính phủ ban hành các nghị định, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật.

 Thu Hà