Luật ban hành gần 5 năm sau mới có nghị định, hàng nghìn tỷ đồng thu ngân sách chỉ là “dự tính”

00:00 12/10/2020

Dù luật đã có hiệu lực nhưng phải nhiều năm sau các nghị định hướng dẫn thi hành mới có gây khó khăn cho việc hồi tố và truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước.

Luật ban hành gần 5 năm sau mới có nghị định, hàng nghìn tỷ đồng thu ngân sách chỉ là “dự tính”

Ảnh minh họa.

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký tờ trình về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nước và đưa vào Nghị quyết tại kỳ họp thứ 8 (10/2019), Quốc hội khóa XIV.

5.000 giấy phép khai thác khoáng sản không đồng nhất

Theo đó, tờ trình cho biết, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là chính sách lần đầu tiên được quy định trong Luật Khoáng sản năm 2010 và Luật Tài nguyên nước năm 2012 của Việt Nam. Bên cạnh thuế tài nguyên đã thu từ nhiều năm trước, đây là một khoản thu thêm nhằm mục đích yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước nâng cao trách nhiệm trong việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên.

Tuy nhiên, để triển khai thi hành Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Chính phủ được giao xây dựng, ban hành Nghị định hướng dẫn phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Ngày 28/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 203/2013/ NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có hiệu lực từ ngày 20/01/2014 chậm 2 năm 6 tháng kể từ ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành; ngày 17/7/ 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, có hiệu lực từ ngày 01/9/2017 chậm 4 năm 8 tháng kể từ ngày Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thi hành.

Nguyên nhân ban hành chậm các Nghị định được chỉ ra là do “không lường trước được hết những khó khăn, phức tạp, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế, các thông số kỹ thuật phức tạp”.

Cụ thể, tại thời điểm xây dựng Nghị định, có hơn 400 Giấy phép khai thác khoáng sản (thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường) và gần 4.000 Giấy phép khai thác khoáng sản (thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phải tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cấp phép qua nhiều thời kỳ (có mỏ cấp phép từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20) theo nhiều cơ chế, quy định quản lý khác nhau. Gần 5.000 giấy phép khai thác này lại không thống nhất.

Bên cạnh đó, việc xác định mức thu để xây dựng Nghị định cũng gặp nhiều khó khăn vì tính đa dạng của mục đích khai thác nước trong một công trình (khuyến khích hay không khuyến khích gắn với thu tiền hay không thu tiền), trong khi đó lại gắn với từng nguồn nước khác nhau (nước mặt, nước dưới đất), tính biến động chất lượng của nguồn nước, điều kiện khai thác thuận lợi hay khó khăn của từng công trình….

Về nguyên nhân chủ quan, tờ trình đề cập đến tình trạng nợ đọng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật là khá phổ biến với số lượng lớn, Chính phủ phải tập trung xử lý nên chưa quan tâm đúng mức để đôn đốc, chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết.

Khó hồi tố, truy thu tiền cấp quyền khai thác

Tờ trình của Chính phủ cũng đề cập, khi tổ chức thực hiện Nghị định số 203, Nghị định số 82 Chính phủ thấy rằng,việc hồi tố truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản kể từ ngày 01/7/2011 (là ngày có hiệu lực của Luật khoáng sản năm 2010) đến ngày 20/01/2014 (là ngày Nghị định số 203 có hiệu lực) và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước kể từ ngày 01/01/2013 (là ngày có hiệu lực của Luật tài nguyên nước năm 2012) đến ngày 01/9/2017 (là ngày Nghị định số 82 có hiệu lực) là khó khả thi.

Lý do bởi, việc ban hành chính sách mới, đặc biệt liên quan đến thu thêm một khoản tiền đối với doanh nghiệp phải phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, vì ảnh hưởng đến các chỉ số hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư đã được thực hiện trước đó. Bên cạnh đó, giai đoạn trước năm 2015, kinh tế thế giới suy thoái, giá khoáng sản giảm từ 50-70% so với giai đoạn trước, dẫn tới nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản bị thua lỗ, tạm dừng khai thác, thậm chí phá sản.

“Do vậy, việc truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong giai đoạn nêu trên gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, tờ trình nêu rõ.

Thời điểm các Nghị định nêu trên có hiệu lực, nếu tính tiền cấp quyền cho giai đoạn trước (từ ngày 01/7/2011 đến ngày 20/01/2014, đối với khai thác khoáng sản và từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/8/2017, đối với khai thác tài nguyên nước) thì dự tính số tiền khoảng gần 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, số tiền nêu trên mới là dự tính và thực chất khi chưa thu khoản này thì đã nằm trong thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản thuế khác.

Ứớc tính 80 - 90% các khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước các giai đoạn nêu trên là từ các mỏ khoáng sản, các nhà máy thủy điện do các tập đoàn lớn của Nhà nước làm chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, trong các giai đoạn nêu trên, doanh nghiệp khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nước đã quyết toán chi phí từng năm, đã nộp các khoản thuế, phí cho Nhà nước, trích quỹ theo quy định như đã nêu trên... nếu hồi tố thì phải khấu trừ các khoản thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bảo Vy

Tags: