Lợi nhuận các ngân hàng: Đổi ngôi bất ngờ

00:00 12/10/2020

Tháng đầu tiên của năm 2019, các ngân hàng thương mại dồn dập báo lãi năm 2018 với con số từ vài trăm đến cả chục nghìn tỷ đồng. Những con số được công bố cho thấy, bảng xếp hạng lợi nhuận đã có sự đổi ngôi đáng kể.

Quy mô lợi nhuận của top 10 ngân hàng tăng gần 35% trong 1 năm qua, đạt tổng hơn 83.000 tỷ đồng. Trong đó, Vietcombank là cái tên được nhắc tới đầu tiên với con số lợi nhuận của năm 2018 ở mức trên 18.300 tỷ đồng. Thứ hai, Techcom bank với lợi nhuận trước thuế 10.661 tỷ đồng, vượt xa các ngân hàng thương mại quốc doanh và trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên vào top 3 lợi nhuận; tiếp theo là BIDV, VPBank, MB…

Nếu như cách đây hơn một năm, bảng xếp hạng lợi nhuận thường gọi tên các ngân hàng quốc doanh ở top đầu thì năm 2018, BIDV và VietinBank đã rời vị trí top 3. Trên thực tế, các ngân hàng này đều hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận của năm, nhưng con số đạt được thấp hơn so với năm 2017. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do các ngân hàng gặp khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ nên phải giảm chỉ tiêu tăng tín dụng, kéo theo lợi nhuận giảm; đồng thời, việc xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II cũng phần nào ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận.

Lợi nhuận của nhiều ngân hàng tăng mạnh

Với mạng lưới lớn nhất hiện nay, quy mô dư nợ tín dụng tăng trưởng tốt và cơ cấu tín dụng đa dạng, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, khi giải xong bài toán tăng vốn, các ngân hàng quốc doanh sẽ sớm tham gia trở lại bảng xếp hạng top đầu về lợi nhuận.

Bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng năm nay tiếp tục ghi nhận điểm sáng từ hoạt động kinh doanh bán lẻ. Xu hướng dịch chuyển mô hình hoạt động từ bán buôn sang bán lẻ của nhiều ngân hàng đã được minh chứng là hướng đi đúng khi lợi nhuận được công bố. Đơn cử, tại Techcombank, năm 2018, tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân đạt 45% trên tổng danh mục cho vay, cao hơn con số 40% của năm trước. Điều đáng nói, ngân hàng không tham gia phân khúc tín dụng bán lẻ tín chấp, chỉ tập trung cho vay cá nhân mua nhà ở, mua xe và doanh nghiệp nhỏ và vừa có tài sản thế chấp. Vì thế, lợi nhuận ròng thu về cao mà nợ xấu ở phân khúc này lại rất thấp, chỉ khoảng 1%.

Tương tự, tại Vietcombank, tỷ trọng tín dụng bán lẻ tăng từ 39,6% năm 2017 lên tới 46,2% tính đến cuối năm 2018. Như lời chia sẻ của ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank - tín dụng bán lẻ mang lại hiệu quả cao trong khi rủi ro "gần như không đáng kể" do tỷ lệ nợ xấu khu vực này những năm qua rất thấp. Ngân hàng cũng chỉ lựa chọn phân khúc tín dụng bán lẻ có tài sản đảm bảo, nhằm chủ động trong trường hợp có rủi ro để xử lý, thu hồi vốn.

Ở một số ngân hàng khác, lợi nhuận đến từ mảng bán lẻ cũng chiếm tỷ trọng lớn. Ví như tại VPBank, nguồn thu lãi, thông qua các hoạt động cho vay ở những phân khúc chiến lược như tài chính tiêu dùng, khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh tiểu thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đóng góp lớn cho tổng nguồn thu của ngân hàng.

Với đà tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay, các ngân hàng đều khá kỳ vọng vào một năm 2019 kinh doanh hiệu quả. Kết quả khảo sát của Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước) công bố cũng chỉ ra rằng, 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng năm 2019, tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2018, trong đó, 35% ngân hàng dự báo tình hình kinh doanh sẽ "cải thiện nhiều".

Duy Minh

Tags: