Loại bỏ văn bản làm khó doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các bộ, ngành phải tìm cách rút ngắn thời gian soạn thảo và ban hành các văn bản về điều kiện kinh doanh phù hợp với Luật DN, Luật Đầu tư. Việc ban hành các nghị định phải kiên quyết xong trước 1/7, đúng thời hạn luật định và phải trình Chính phủ các dự thảo nghị định trước ngày 30/5. Hết thời hạn nêu trên, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa ký trình Chính phủ các nghị định trong phạm vi quản lý sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 Theo báo cáo của Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư, trong số 5.826 điều kiện đầu tư, kinh doanh áp dụng đối với 267 ngành, nghề có đến 2.833 điều kiện quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền.
Trái thẩm quyền vẫn được ban hành Luật Đầu tư 2014 đã quy định và khẳng định lại rất rõ là các quy định về đăng ký kinh doanh do các bộ, UBND các cấp đương nhiên hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Đồng thời, các quy định về đăng ký kinh doanh do các bộ, UBND các cấp ban hành sau ngày 1/7/2015 đương nhiên không có hiệu lực thi hành.
Tìm hiểu thông tin về đăng ký DN tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Tìm hiểu thông tin về đăng ký DN tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Trao đổi về những vướng mắc đang cản trở sự phát triển của DN trong nước thời gian qua, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung bày tỏ nhiều băn khoăn về số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong quý I năm nay lên tới 20.044 DN, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so sánh giữa 2 chỉ số DN ngừng hoạt động và DN thành lập mới có thể thấy số lượng DN Việt Nam gần như không tăng. Bên cạnh đó, khi đề cập đến những nguyên nhân khiến nhiều DN ngừng hoạt động thời gian qua, bên cạnh lý do về chi phí của các DN đang tăng lên kéo theo lợi nhuận giảm, thậm chí nhiều DN bị lỗ, cũng phải kể đến việc nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn được ban hành trái thẩm quyền. Trong đó, nhiều văn bản hết hiệu lực nhưng vẫn đang được áp dụng. Điều đó đã làm suy giảm hiệu lực thi hành các quy định của Luật Đầu tư về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh. Thậm chí, số liệu thống kê của Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư cho thấy, vẫn còn 16 ngành nghề trong 267 ngành nghề kinh doanh đó chưa được các Bộ Y tế, Công an, GTVT, TT&TT ban hành… Thời gian không còn nhiều Theo Luật Đầu tư năm 2014, các bộ, ngành, địa phương không được phép ban hành điều kiện kinh doanh; và từ ngày 1/7 tới, các điều kiện kinh doanh quy định tại thông tư của cấp bộ sẽ hết hiệu lực thi hành. Như vậy, phải xây dựng các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh để thay thế các thông tư hết hiệu lực. Đây được coi là nội dung cải cách nổi bật nhất trong Luật Đầu tư, Luật DN, nhưng cũng vấp phải nhiều khó khăn, rào cản nhất trong triển khai, mà trước tiên là do khối lượng công việc rất lớn với thời gian còn lại rất hạn hẹp. Đến nay, chỉ còn hơn một tháng nữa là đến thời hạn cuối cùng, trong khi theo thống kê của Bộ KH&ĐT, hiện có hàng nghìn điều kiện kinh doanh tại hàng trăm thông tư của các bộ, ngành. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, khả năng hoàn thành việc nghị định hóa hàng loạt thông tư để phù hợp với yêu cầu của những luật mới sẽ là rất khó. Vì thế, giải pháp phù hợp để không để nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện rơi vào tình trạng “không trọng lượng” vì văn bản luật cũ hết hiệu lực, văn bản mới chưa được ban hành rất cần được tính đến. Trước hết đó là việc cần phải ngồi rà soát lại, chọn những gì bất hợp lý nhất, gây bức xúc nhất, thì bàn với các bộ đó cùng soạn thảo một nghị định chung của Chính phủ để xử lý ngay. Tiếp đó, xử lý các vấn đề bức xúc ít hơn. Điều cần làm là tập hợp báo cáo Chính phủ cho lịch làm luật sửa các luật đang không tương thích, gây bức xúc. Thứ nữa, cần phân biệt rõ quy trình, tiêu chuẩn không phải là điều kiện kinh doanh. “Trong Luật Đầu tư cũng nêu rõ, danh mục ngành nghề kinh doanh sẽ được rà soát hàng năm. Vì thế, cái gì quy định trong 267 ngành nghề trong luật nếu xét thấy không còn cần thì bỏ ra” - đó là ý kiến được nhiều thành viên Tổ công thi hành Luật DN và Luật Đầu tư đề cập đến.
Tại sao số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động nhiều đến thế? Tôi thấy con số này không bình thường. Nếu cứ an ủi nhau là bình thường thì đó là cách nói không có trách nhiệm.
Ông Nguyễn Đình Cung Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư
Hữu Lân/kinhtedothi.vn