Lình xình chuyện quản lý thuế nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công thương

00:00 12/10/2020

 Bộ Công thương lên tiếng về thuế xăng dầu có lợi cho doanh nghiệp

Bộ Công thương vừa có thông cáo liên quan đến lỗ hổng chênh lệch giữa thuế nhập khẩu xăng dầu trong tính giá cơ sở và theo cam kết hiệp định thương mại, khiến người tiêu dùng chịu thiệt và doanh nghiệp đầu mối hưởng lợi.

thue-xang-dau

Cơ quan quản lý vẫn nợ câu trả lời về lỗ hổng chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu - Ảnh minh họa: N.T

Trong thông báo khá ngắn, Bộ Công thương cho rằng theo Nghị định 83, Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá, chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong công thức tính giá cơ sở đối với sản phẩm xăng dầu thì mức thuế nhập khẩu là mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN).

Bộ Công Thương cho biết đã và đang tiếp tục đề nghị và phối hợp với Bộ Tài chính sớm có giải pháp tài chính tổng thể xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các FTA theo cam kết hội nhập quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích của nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng. Tuy nhiên, lộ trình kéo giảm độ chênh lệch do thuế nhập khẩu trong FTA và thuế áp theo MFN trong giá cơ sở lại không được Bộ Công thương đề cập cụ thể.

Trên thực tế, theo Thông tư 165 của Bộ Tài chính, bắt đầu từ 1.1.2015, các mặt hàng dầu như diesel, dầu hoả nhập từ ASEAN chỉ có mức thuế 5%, mazút là 0% và từ năm 2016, tất cả các mặt hàng dầu từ khu vực này sẽ hưởng thuế 0% (gọi là thuế ATIGA, theo cam kết của Việt Nam với khu vực). Tuy nhiên, trong suốt cả năm 2015, mức thuế để tính giá cơ sở theo công thức tính giá xăng dầu vẫn là thuế MFN (các mặt hàng xăng dầu chịu thuế từ 10 - 20%), tức với mặt hàng dầu diesel, các doanh nghiệp đã được hưởng lợi do chênh lệch 5% thuế nhập khẩu.

Chênh lệch này dẫn tới các doanh nghiệp đầu mối càng nhập khẩu nhiều xăng dầu từ ASEAN thì càng được lợi, trong khi người tiêu dùng chịu thiệt. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2015, số lượng dầu diesel nhập từ ASEAN chiếm đến 53,06% trong tổng số 8,33 triệu tấn diesel tiêu thụ cả năm. Các mặt hàng xăng dầu nhập khẩu trong năm 2015 từ các nước ASEAN tăng mạnh, cụ thể từ Singapore là 3,84 triệu tấn, tăng 48,2%; Thái Lan: 2,28 triệu tấn, tăng gần 3 lần; trong khi nhập khẩu từ Đài Loan lại chỉ còn 807 nghìn tấn, giảm 35,8%... so với năm 2014. Năm 2015 Petrolimex cũng đã công bố số lãi khủng với hơn 2.100 tỉ đồng.

Mức chênh do thuế nhập khẩu xăng dầu năm 2016 sẽ ngày càng lớn hơn, do năm nay thuế diesel, mazút, jet A1, dầu hỏa nhập từ ASEAN đã về mức 0%, đồng thời thuế xăng nhập từ Hàn Quốc sẽ về mức 10%, bằng một nửa so với thuế MFN và mức thuế xăng trong ASEAN.

Mai Hà – theo Thanh Niên