'Liều thuốc' riêng chặn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế

00:00 12/10/2020

Tăng trưởng GDP quý I năm nay thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu do dịch Covid-19 gây ra, Việt Nam cần phải có 'liều thuốc' riêng cho mình.

Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82%, là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây do chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19. Mức GDP tăng trưởng thấp gần nhất vào quý I/2009 với 3,1%.

Có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng? 

Theo ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, cùng với khó khăn trong tăng trưởng, trước đây xuất nhập khẩu tăng trưởng 2 con số, giờ thì nhập khẩu hàng hoá còn âm, nên tăng trưởng quý I chịu ảnh hưởng rất lớn của các yếu tố dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế các nước.

Tốc độ tăng thu nhập của người lao động giảm đáng kể, tỷ lệ tham gia lao động thấp nhất 10 năm, tỷ lệ thất nghiệp tăng, chỉ số quản lý thu mua (PMI) thấp dưới ngưỡng 50 điểm, báo hiệu sự suy giảm trong sản xuất, hàng hoá, tiêu dùng.

ty-le-dong-gop-6654-1585366702.jpg

GDP quý I/2020 chỉ tăng trưởng 3,82% 

Đánh giá thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, Tổng cục Thống kê tính toán, dịch diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hầu hết các ngành. 

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho hay: Kịch bản được xây dựng từ đầu năm, dựa trên độ mở, bối cảnh hiện hành và phù hợp năng lực. Đến cuối tháng 2, do tác động của dịch bệnh, Tổng cục Thống kê đã đánh giá thiệt hại tới các ngành, từ đó điều chỉnh kịch bản theo từng ngành. Ngay trong quý I đã 3, 4 lần cập nhật kịch bản. Sau khi có kết quả GDP quý I đã khẩn trương làm lại kịch bản tăng trưởng, theo 2 kịch bản.

Cụ thể, kịch bản 1, dịch kéo dài hết quý II, dập thành công, hoạt động trở lại bình thường, thì tăng trưởng trên 5%. Kịch bản 2 là dịch kéo dài sang quý III, thì vẫn tăng trưởng 5%, nhưng thấp hơn kịch bản 1.

"Để đạt cả năm 6,8%, chúng ta phải có kịch bản mới cho từng quý sau tăng trưởng ra sao. Nhưng theo chúng tôi, rất khó đạt được trong tình hình hiện nay", ông Lâm nhận định.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, do độ mở của nền kinh tế rất lớn, trên 200%, phụ thuộc nhiều bên ngoài, các nước đang đóng cửa nên ảnh hưởng lớn, vì vậy kịch bản 6,8% rất khó.

Toc-do-tang-truong-kt-1137-1585366702.jp

Tốc độ tăng GDP quý I của Việt Nam giai đoạn 1998 - 2020

Về việc có điều chỉnh kịch bản tăng trưởng? Ông Lâm cho hay quan điểm của Tổng cục Thống kê là mục tiêu này có từ khi chưa có dịch bệnh, nay dịch xảy ra trên toàn thế giới, nếu tăng trưởng trên 5% đã là thành công rực rỡ. Trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm, Việt Nam tăng trưởng dương đã là thành công, rất đáng tự hào.

"Vì vậy quan điểm của chúng tôi là không nên điều chỉnh mục tiêu làm gì, không cần thiết đổi mục tiêu để mà năm nào cũng đạt mục tiêu. Quan trọng là chúng ta nỗ lực hết sức, thực hiện đồng bộ giải pháp", ông Lâm nhấn mạnh.

"Bơm tiền" để cứu doanh nghiệp

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, động lực để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng là cần tháo gỡ thể chế để tăng giải ngân vốn đầu tư công, qua đó đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Giải ngân tăng 1% vốn đầu tư công sẽ làm cho GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm. Nâng cao hiệu quả đầu tư công, tháo gỡ nút thắt sẽ nâng tăng trưởng kinh tế. Trong những năm qua, nền kinh tế thường giải ngân đạt 92-93% kế hoạch vốn đầu tư công, nếu năm nay giải ngân được 100% kế hoạch sẽ làm tăng GDP thêm 0,42 điểm phần trăm.

Các chuyên gia phân tích: Khi giải ngân vốn đầu tư công sẽ kéo theo các dòng vốn khác. Khi đó làm sao phải nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư. Nếu hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) giảm 0,5 thì GDP tăng 0,64 điểm phần trăm. Cùng với đó, cần phải đẩy mạnh nâng cao năng suất, nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP tăng 0,94 điểm phần trăm. Dịch Covid 19 sẽ thay đổi quan điểm phát triển, cơ cấu kinh tế, cách tiếp cận kinh tế của Việt Nam và các nước trên thế giới. Tăng năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trọng nước. Tiêu dùng cuối cùng của dân cư mạnh và ổn định là yếu tố quan trọng giúp cho tăng trưởng GDP của nền kinh tế, vì vậy cần có chính sách đưa hàng hóa Việt Nam thay thế hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Đặc biệt, đi trực tiếp vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, cho rằng do tác động khác nhau, nên đề nghị các bộ ngành đánh giá đầy đủ mức độ thiệt hại từng ngành, từ đó có kế hoạch ưu tiên hỗ trợ trước, với mức độ cụ thể, cho những ngành thiệt hại nhiều như hàng không, du lịch… Tập trung giải ngân nhanh gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng của Chính phủ để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, tìm thị trường mới. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân đầu tư, để doanh nghiệp có thêm việc làm, tăng sản xuất. Cùng với đó là tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư, gợi ý doanh nghiệp cần chuyển hướng kinh doanh, tập trung sản xuất mặt hàng y tế, dược, mặt hàng có tính bảo hộ con người, cho y tế, giáo dục, đào tạo trực tuyến, giải trí tại nhà… Với du lịch, sau dịch cần tính toán kết hợp chữa bệnh, y tế…

Với nông nghiệp, không thể bỏ thị trường truyền thống nhưng phải tăng cường khai thác các thị trường tiềm năng chưa khai thác tốt như Trung Đông, tổ chức lại sản xuất trong nước, tăng cường chế biến sâu. Với thương mại, hỗ trợ bán hàng trực tuyến nhưng cần kiểm soát để bảo đảm an toàn dịch bệnh.

san-xuat-kinh-doanh-cua-doanh-2005-1760-

18,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2020 

Ở góc độ chuyên gia, Ts. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá dịch Covid-19 sẽ tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam vì chúng ta lâu nay vẫn dựa nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu. Do vậy, Việt Nam cần "liều thuốc" riêng để chặn đà giảm của tăng trưởng kinh tế. Như Mỹ có gói 2 nghìn tỷ USD để giúp các doanh nghiệp, thậm chí phát tiền cho người dân. 

Ở Việt Nam cũng vậy, Chính phủ cũng cần phải có một biện pháp mạnh tay, như "bơm tiền" cho các doanh nghiệp vì hiện tại vấn đề sống còn của doanh nghiệp là quan trọng nhất, nếu họ không có tiền để trả lương công nhân, trả nợ ngân hàng, mua nguyên vật liệu thì không thể "sống" được. Có nghĩa là vấn đề của tài chính nhưng phải "bơm tiềm" vào cho các doanh nghiệp, cho họ vay, thậm chí hỗ trợ về mặt tài chính, có nhiều cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp như thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng để quỹ đó được bổ sung nguồn vốn, từ quỹ đó bảo lãnh cho các ngân hàng để cho doanh nghiệp vay, trong trường hợp doanh nghiệp phá sản không trả được nợ thì quỹ bảo lãnh sẽ bồi thường cho các ngân hàng. Bên cạnh đó là các biện pháp miễn thuế, giảm thuế, giảm lệ phí…

"Chính sách tài khoá phải vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn, đưa tiền cho doanh nghiệp, để giải cứu nền kinh tế phải có các biện pháp mạnh mẽ như vậy. Giải pháp cuối cùng thì Chính phủ phải in thêm tiền để cứu doanh nghiệp. Đây là lúc chỉ có Chính phủ mới giải cứu được nền kinh tế", ông Hiếu nhấn mạnh.

Lê Thúy