Liên kết chuỗi để xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững cho gỗ Việt

00:00 12/10/2020

Sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đa số được tiêu thụ tại các nước phát triển và các thị trường này quy định nghiêm ngặt điều kiện truy xuất nguồn gốc hợp pháp khi nhập khẩu. Do đó việc xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp là xu hướng tất yếu mà doanh nghiệp (DN) gỗ Việt cần đáp ứng để tăng kim ngạch, giá trị xuất khẩu trong thời gian tới.

Lợi thế từ định hướng của Chính phủ

Theo đánh giá của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), từ năm 2017, ngành chế biến gỗ Việt Nam tự tin bước vào giai đoạn mới trong bối cảnh Chính phủ vừa ký tắt Hiệp định VPA/FLEGT với EU, sau tiến trình đàm phán kéo dài 6 năm. Thực thi Hiệp định này, Việt Nam sẽ phải đảm bảo toàn bộ sản phẩm gỗ nằm trong danh mục đã thống nhất với EU, bao gồm sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là các sản phẩm gỗ hợp pháp. Nếu không đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản ấy, Việt Nam không thể đưa đồ gỗ vào tiêu thụ ở nước bạn. Đó chính là lý do các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu rất ý thức về trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Tính đến đầu năm 2018, Việt Nam có đến 732 DN có chứng nhận chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó 49 DN được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững với tổng diện tích 226.500 ha.

Bên cạnh đó, theo HAWA, ngành gỗ được may mắn hưởng được chương trình 327-CT của Chính phủ về phủ xanh đồi trọc, trong đó có cây gỗ keo - loại gỗ hợp pháp từ rừng trồng đang được sử dụng chế biến nội thất xuất khẩu và cây cao su. Sau thời gian khai thác mủ, cao su còn được dùng làm nguyên liệu cho sản xuất. Tỷ lệ nhập khẩu gỗ nguyên liệu vì thế đã giảm đi rõ rệt trong mấy năm trở lại đây. Nhờ có nguồn nguyên liệu trong nước, DN trong ngành có lợi thế hơn hẳn vì có nguồn nguyên liệu rẻ và ổn định so với nhập khẩu.

Đảm bào nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp sẽ giúp ngành gỗ gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Cần sự chủ động của DN

HAWA cho hay, ngoài vai trò của nhà nước trong việc chủ trương phát triển rừng trồng, lâm dân hưởng ứng, còn có sự đóng góp nhiệt tình của khối DN đi tìm đầu ra cho sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Đó là việc các DN chủ động liên kết với các hộ lâm dân trồng rừng để phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Scansia Pacific - một trong các DN cung cấp cho IKEA - nhà phân phối nội thất hàng đầu thế giới - chia sẻ, từ năm 2016, IKEA yêu cầu toàn bộ các sản phẩm gỗ phải được làm từ nguồn gỗ có chứng chỉ quản trị bền vững và bảo vệ sinh thái FSC. Vào thời điểm đó Việt Nam có rất ít rừng có chứng chỉ FSC nên chúng tôi đã chọn tỉnh Thừa Thiên Huế để xây dựng mô hình liên kết giữa các hộ dân có rừng trồng nhỏ lẽ, thành diện tích đủ lớn để đạt chứng nhận FSC. Kết quả đáng khích lệ là từ năm 2016 đến nay, đã có 3.000 ha rừng keo của 609 hộ dân đã dược cấp chứng chỉ FSC.

“Để có được thành công từ mô hình liên kết các hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng keo có chứng chỉ FSC, Scansia Pacific đã có những bước đi đầy thử thách. Chiến lược, lộ trình của công ty đã phải được vạch ra từ quý 1/2015. Scansia Pacific đã có những buổi tiếp cận với dự án hỗ trợ và phát triển ngành Lâm nghiệp – WB3 tỉnh Thừa Thiên Huế để kế thừa, tiếp thu những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng rừng keo cấp chứng chỉ FSC cho các nhóm hộ. Đồng thời làm việc với Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế để thông qua định hướng, chiến lược của công ty trong việc xây dựng vùng nguyên liệu từ rừng trồng gỗ keo có chứng chỉ FSC”, ông Thắng cho biết.

Ngoài Scansia Pacific, NAFOCO cũng là DN đang thực hiện thành công mô hình liên kết với lâm dân. Theo NAFOCO, để nguồn gỗ ổn định, hợp pháp, tháng 4/2016 công ty đã triển khai mô hình chứng chỉ rừng FSC theo hình thức nhóm hộ với quy mô thí điểm khoảng 1.000 - 3.000 tại tỉnh Yên Bái. Đến nay mô hình này có 494 hộ nông dân tham gia, tổng diện tích rừng được cung cấp chứng chỉ FSC là 1.737 ha và đang cung cấp cho NAFOCO. Ngoài Yên Bái, NAFOCO còn hợp tác với các hộ tại Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh nhằm mở rộng diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC.

Tương tự, trong hai năm vừa qua, Công ty Woodsland cũng đã hợp tác với các DN trồng rừng ở Tuyên Quang, Hà Giang để làm chứng chỉ FSC. Sự liên kết này đã thu lại kết quả tích cực với diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ. Đây cũng là cơ sở để công ty kết nối, mở rộng ra các công đoạn khác của chế biến gỗ.

Có thể nói, với DN, khi sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững, đầu ra cũng dễ hơn vì hiện nay các khách hàng, đặc biệt là châu Âu đều yêu cầu có chứng chỉ FSC mới mua hàng. Một DN quan tâm đến xuất xứ hợp pháp của nguồn nguyên liệu cũng sẽ cải thiện vị thế cao hơn trong mắt khách hàng, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và kim ngạch xuất khẩu.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 9 tháng năm 2018 đạt 6,34 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ 9 tháng năm 2018 ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Minh Long