Liên kết chuỗi – chìa khóa cho ngành logistics

00:00 12/10/2020

Hội nhập đang mở ra cơ hội phát triển lớn cho nền kinh tế đất nước trong sân chơi toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng thương mại và xuất khẩu, đồng thời còn tạo ra “thời cơ vàng” cho ngành logistics. Phát triển dịch vụ logistics sẽ giúp cải thiện cán cân thương mại, tuy nhiên nếu mỗi DN chỉ mải mê xây dựng con thuyền cho riêng mình thì khó có thể vững lái trước sự cạnh tranh khốc liệt khi mà Việt Nam đã và đang tiến sâu hơn vào WTO cũng như các FTA bắt đầu có hiệu lực. 

Logistics được nhận định sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, bởi đây là một hoạt động tổng hợp mang tính dây chuyền, bao gồm nhiều công đoạn từ: nhận hàng, lưu kho, làm thủ tục hải quan, vận chuyển, giao nhận… và nhiều dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa. Hiệu quả của quá trình này có tầm quan trọng quyết định đến tính cạnh tranh của ngành công nghiệp, đến xuất nhập khẩu hàng hóa và thương mại mỗi quốc gia.

13323848_1013196388765032_2071697382_o
Cho đến nay, việc quy hoạch ngành dịch vụ logistics vẫn chưa thực sự hiệu quả, sự phát triển của ngành vẫn chỉ là những cố gắng riêng lẻ của doanh nghiệp. (Ảnh: Internet)

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, cả nước hiện có khoảng trên 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước. Nếu chỉ tính riêng khâu quan trọng nhất trong logistics là vận tải, chiếm từ 40-60% chi phí thì cũng đã là một thị trường dịch vụ khổng lồ.

Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh của thị trường logistics Việt Nam hiện nay đã chỉ ra một thực tế rằng: Gần 1.300 DN cung cấp dịch vụ logistics nội địa tại thị trường Việt Nam nhưng chỉ chiếm 20% thị phần, còn lại khoảng 30 công ty logistics xuyên quốc gia chiếm tới 80% thị phần.

Các DN logistics trong nước có quy mô nhỏ, vốn ít, cơ cấu tổ chức đơn giản và không chuyên sâu, chỉ đủ khả năng đảm nhận những phần việc đơn giản nhất trong chuỗi dịch vụ logistics, như: Kho bãi, làm thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa,… hoặc làm đại lý cho các DN nước ngoài. Do thiếu tin tưởng vào các DN trong nước, hầu hết các đơn hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đều phải “nhường” quyền quyết định về vận tải cho phía nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc rất nhiều DN logistics trong nước đang phải “chầu rìa” trong sân chơi vận tải quốc tế, nhất là trong lĩnh vực vận tải biển.

Thời gian qua, các DN logistics Việt Nam chưa thật sự tìm được tiếng nói chung với các DN xuất nhập khẩu, thiếu sự gắn bó, thúc đẩy phát triển chung cho cộng đồng DN Việt Nam. Điều đáng nói, rất ít người ý thức rằng, nếu thị phần logistics bị DN nước ngoài chi phối, có thể dẫn đến việc không kiểm soát được phí dịch vụ, phần thiệt sẽ lại thuộc về các DN xuất nhập khẩu trong nước. Bên cạnh đó, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 25% GDP mỗi năm, cao hơn nhiều so với các nước như Trung Quốc hay Thái Lan, làm lãng phí nhiều nguồn lực trong nước.

Để có thể giành lại thị phần của mình, DN trong nước cần chủ động đầu tư, đổi mới nhằm nâng cao năng lực và hoàn thiện chính mình để tập trung giải quyết ngay nhằm giúp họ bứt phá, bắt kịp với thế giới. Các DN logistics nhỏ phải cùng đầu tư hoặc liên doanh, liên kết về vốn, công nghệ để tạo thành tổ hợp kinh doanh dịch vụ logistics.

Ngoài ra, các DN nên chủ động liên kết ngân hàng, đưa ra gói kết hợp dịch vụ tài chính – logistics, nhằm cung cấp cho các công ty xuất nhập khẩu một dịch vụ trọn gói từ thủ tục hải quan, vận tải đến vay thanh toán tiền ngay tại kho và chỉ cần thông qua một đầu mối.

Theo nghiên cứu, giải pháp tài chính – logistics khép kín sẽ tiết giảm cho DN khoảng 5% chi phí logistics và khoảng 20% chi phí thanh toán quốc tế. Phương án liên kết chuỗi trong các DN logistics với nhau mà liên kết chuỗi còn phải lan rộng đến các DN xuất khẩu và thậm chí là cả nhập khẩu được cho là chìa khóa giúp tạo nên sự cạnh tranh vượt trội.

Việc tối ưu hóa chi phí logistics để cạnh tranh với các nước là một bài toán khó. Khó khăn này không chỉ do bản thân các DN Việt Nam mà còn do những chính sách của Nhà nước. Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics phức tạp hơn, mạng lưới giao thông vận tải toàn cầu mạnh hơn và đặc biệt là giải pháp logistics giá trị gia tăng. Chính phủ Việt Nam đã thúc đẩy logistics thông qua việc đầu tư nhiều hơn ở các cảng, đường cao tốc, sân bay, cũng như hải quan điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại qua biên giới, thực hiện các thủ tục theo hướng một cửa.

Thanh Tân/Congluan.vn