Lãnh đạo có cổ phần tại doanh nghiệp trực thuộc dễ nảy sinh tiêu cực

00:00 12/10/2020

Trao đổi với PV nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng, việc lãnh đạo một cơ quan chủ quản lại có cổ phần tại doanh nghiệp trực thuộc dễ nảy sinh nhiều tiêu cực, như việc bổ nhiệm cán bộ, phân chia lợi nhuận, rồi lấy danh nghĩa để các thành viên trong gia đình đứng tên…

anh_ghep_ho_kim_thoa_hknj-jpg Là người trực tiếp tham gia Ban đổi mới phát triển doanh nghiệp, theo dõi thực hiện cổ phần hóa hơn 10 năm trước, ông Đinh Xuân Thảo khẳng định, không có quy định nào cấm cán bộ, công chức cơ quan nhà nước mua cổ phần. Khi cổ phần hóa, nhà nước giữ lại phần vốn bao nhiêu đã có quy định rõ. Việc cổ phần hóa được quy định theo ba loại, gồm cổ phiếu ưu đãi dành cho cán bộ công nhân viên trong đơn vị trong doanh nghiệp, rồi đến cổ đông chiến lược, sau đó là cổ đông thông thường. Cổ phiếu ưu đãi chỉ quy định trực tiếp cho cán bộ, người lao động, còn lãnh đạo doanh nghiệp đó thì không được. Với cổ đông chiến lược thì thuộc vào đối tượng là các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có cổ phần trong công ty đó. Các đối tượng còn lại chỉ được mua với vai trò cổ đông thông thường, và không hạn chế ai. “Thời kỳ đó khi làm tôi biết, một số người cũng có những vai trò, vị trí nhất định, ví dụ như thành viên của bộ chủ quản, người ta có thể vận dụng để được mua với giá thuộc loại hai, tức cổ đông chiến lược”, ông Thảo cho hay, đồng thời nhấn mạnh, nếu như Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, hoặc người nhà mua theo diện cổ phiếu thông thường thì không có vấn đề gì, còn nếu rơi vào cổ đông ưu đãi hay cổ đông chiến lược thì cần xem xét. Một vấn đề đặt ra là, liệu lãnh đạo thuộc cơ quan chủ quản của doanh nghiệp lại có nhiều cổ phần tại đó, thì có xảy ra xung đột lợi ích, tạo kẽ hở, hay có sự ưu ái cho chính doanh nghiệp đó để trục lợi? Theo ông Thảo, trong trường hợp này, ở khía cạnh tích cực là có thể gây niềm tin cho các cổ đông khác. Bởi lý do, doanh nghiệp đó chắc phải làm ăn được họ mới mua. Nhưng còn về mặt trái, có thể là không khách quan, vì doanh nghiệp này cổ phần hóa còn để lại phần vốn nhà nước. Mà bộ đó là chủ quản, hay quản lý gián tiếp, thì việc bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ có thể sẽ liên quan đến tiêu cực, kể cả việc phân chia lợi nhuận, lợi ích cổ phần, cổ phiếu. Thứ nữa, việc mua bán cổ phần đứng tên anh, hay chỉ lấy danh nghĩa rồi đứng tên người khác là các thành viên trong gia đình? Thời điểm đó, có thể việc mua cổ phần không phải dễ dàng, nhưng bởi anh có vị trí nên mới được mua. Nếu lại mua cổ phiếu như cổ đông ưu đãi lại càng không hợp lý. Theo ông Thảo, cần phải rà soát lại, quy định cho chặt chẽ hơn, tránh để lợi dụng quyền hạn, làm thiếu đi sự bình đẳng, minh bạch. Thành Nam/ Theo tiền phong