Làng mốt đình trệ thời dịch Covid -19

00:00 12/10/2020

Gucci, Versace hay Prada ngừng vô thời hạn các show giới thiệu bộ sưu tập Thu trong tháng 4 hay Resort trong tháng 5.

Từ cuối tháng 3, tuần thời trang Seoul và Tokyo 2020 đồng loạt hoãn khi số ca nhiễm bệnh ở châu Á tăng trong tháng 3. Nhiều tuần thời trang định kỳ vào tháng 6, 7 cũng bị hủy như: Paris Men’s Fashion Week, Paris Couture Week, New York Fashion Week Resort 2021, New York Men’s Fashion Week. Tại Italy, Tuần thời trang nam Milan chuyển sang tháng 9, thay cho lịch ban đầu vào giữa tháng 6. 

Seoul Fashion Week Thu Đông 2020 - từng dự kiến tổ chức từ ngày 16/3 đến 21/3 - hoãn vô thời hạn. Ảnh: SFW.

Seoul Fashion Week Thu Đông 2020 - từng dự kiến tổ chức từ ngày 16/3 đến 21/3 - hoãn vô thời hạn. Ảnh: SFW.

Trước đó, dịch bệnh nhen nhóm ở châu Âu trong lúc mùa mốt Thu Đông diễn ra khiến nhiều người e ngại. Theo New York Times, khách hàng và biên tập viên thời trang cao cấp từ các tạp chí quyết định rời Paris sớm, một số thậm chí không tham dự. Đội ngũ truyền thông tại Mỹ cho Chanel và Louis Vuitton được khuyến khích ở nhà. Tại buổi trình diễn của Lacoste - áp chót tuần lễ thời trang Paris, khoảng 20 - 30% khách mời không đến. Khi sự kiện này mở màn ngày 24/2, Pháp ghi nhận 14 ca nhiễm, tăng lên 200 một tuần sau đó. 

Các sự kiện lớn của làng mốt cũng bị ảnh hưởng. Ngày 17/3, tạp chí Vogue - đơn vị tổ chức Met Gala - thông báo hoãn sự kiện vô thời hạn. Hội nghị thời trang Copenhagen - diễn ra hai ngày, xoay quanh vấn đề thời trang bền vững với hơn 1.000 thành viên ngành thời trang, bán lẻ - lùi lịch tới tháng 10 thay vì tháng 5 như thường lệ.

Khẩu trang trở thành mối quan tâm của nhà mốt Armani. Ảnh: Reuters.

Khẩu trang trở thành mối quan tâm của nhà mốt Armani. Ảnh: Reuters.

Dịch bệnh bùng phát kéo theo nhiều hoạt động sản xuất, buôn bán bị dừng. Theo New York Times, gần trăm nhãn hiệu thời trang, hãng bán lẻ lớn đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần chi nhánh ở Bắc Mỹ, châu Âu. Một danh sách dài cửa hàng Abercrombie and Fitch, Patagonia, Nike, Under Armour, Adidas, Levi’s, Vans, Supreme, Allbirds, Everlane, Urban Outfitters, Louis Vuitton, Nordstrom ngưng hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên. 

Nhiều công nhân ngành dệt may mất việc, ghi nhận của The Guardian. Các nhà máy sản xuất hàng xa xỉ dừng tại Italy, theo lệnh cấm do thủ tướng Giuseppe Conte ban hành ngày 21/3. Công ty đầu tư Bernstein cho biết lĩnh vực hàng xa xỉ đang đối mặt viễn cảnh tồi tệ hơn cả ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế năm 2008. 

Theo WWD, tuần cuối tháng 2, các thương hiệu thời trang giảm đáng kể về giá cổ phiếu, nhất là Revolve và Lululemon, đồng loạt giảm 4,4%. Bốn "ông lớn" làng mốt - LVMH, Kering, Hermes và Richemont - thiệt hại 35 tỷ Euro (39 tỷ USD) trong tuần đầu tháng 3. Bldwn - thương hiệu thời trang Los Angeles - nộp đơn phá sản do không thể ứng phó với các áp lực tài chính gia tăng do Covid-19.      

Trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch, "ngành thời trang đang có những biện pháp tự cứu chính mình", theo cây bút Hannah Gold của The Cut. Universal Standard, Brideside, Cuup chuyển trọng tâm từ mua bán trực tiếp sang online. Nhân viên Cuup dành khoảng 20 phút để gọi điện, tư vấn qua mạng với mỗi khách hàng. 

Tuần lễ thời trang Thượng Hải (Trung Quốc) hợp tác với Alibaba ra mắt nền tảng trực tuyến cho phép các nhà thiết kế giới thiệu bộ sưu tập Thu 2020, từ ngày 24/3 đến 30/3. Hơn 150 thương hiệu tham dự sự kiện ảo, gồm Diane von Furstenberg, Pinko, Miss Sixty, Converse, Anta, Icicle, Lily và Le Fame. Nhà tổ chức nói trên Vogue: "Đây là trải nghiệm hoàn toàn mới cho nhà mốt và người mua sắm, đồng thời là bước ngoặt cho tương lai ngành công nghiệp này".

Hội đồng thời trang Anh (Tuần lễ thời trang London) và ban tổ chức Tuần lễ thời trang Milan cũng lập những tài khoản mạng xã hội, nền tảng trực tuyến, cung cấp thông tin sàn catwalk và hậu trường tới giới mộ điệu.

Trước đó, Giorgio Armani - trong ngày cuối cùng Tuần lễ thời trang Milan - chọn cách phát trực tuyến buổi diễn thay vì mời khách tới tham dự. Pitti Uomo - Hội chợ thời trang Florence (Italy) - kết hợp trưng bày trực tiếp và kỹ thuật số, đồng thời ra mắt nền tảng cho phép nhà bán lẻ liên lạc với người mua từ xa.

Công nhân nhà máy Christian Dior cạnh dây chuyền sản xuất gel rửa tay. Ảnh: LVMH.

Công nhân nhà máy Christian Dior cạnh dây chuyền sản xuất gel rửa tay. Ảnh: LVMH.

Làng mốt cũng chuyển hướng sản xuất thời trang sang đồ y tế. Tập đoàn LVMH - sở hữu Christian Dior, Louis Vuitton... - sử dụng nhà máy nước hoa sản xuất nước rửa tay. Gucci, Prada, Balenciaga, Yves Saint Laurent, thương hiệu đồ bơi cao cấp Karla Colletto... cung ứng hàng chục nghìn khẩu trang, quần áo y tế. Forbes ca ngợi những động thái trên: "Ngành thời trang đang chiến đấu chống Covid-19". Cây bút Faran Krentkil của tạp chí Harper’s Bazaar tổng kết trong bài đăng ngày 27/3: "Với sự tàn phá đau lòng từ Covid-19, ngành thời trang tạm đóng băng, nhưng đồng thời trong thời điểm then chốt".      

Bảo Thư