Làng “khát”... con trai

00:00 12/10/2020

Cuộc sống bà con xã Phù Lưu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bây giờ đã khấm khá hơn trước rất nhiều.

Có tiền, có của, nhiều người đã đủ bề trai, gái vẫn có tâm lý "sinh con dự phòng", người sinh con một bề  đủ mọi cách để có được "thằng cu". Chính vì vậy, Phù Lưu trở thành điểm nóng của dân số với tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) cao nhất Hà Nội khi tỷ lệ trẻ trai/trẻ gái lên tới 218,75/100.
Kinh tế đi lên, dân số đi xuống
Đang trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, diện mạo bề ngoài của xã Phù Lưu chẳng thua kém gì những xã ven đô. Nhà cao tầng san sát nhau, đường làng ngõ xóm đều được trải bê tông. Vào thăm nhà nào ít cũng phải thấy hơn chục con gà, vài ba con lợn để tăng gia sản xuất. Tầm này, Phù Lưu đang vào mùa gặt, dọc các con ngõ đều được tận dụng để phơi thóc, phơi rơm. Nghe bà con rỉ tai nhau, năm nay lúa không được “đẹp” do ảnh hưởng của mấy trận bão vừa qua nên chắc chỉ đủ gạo ăn. Nhưng cũng chẳng phải lo vì hầu hết nhà nào cũng có nghề phụ. Nói đến đời sống của người dân, ông Phạm Văn Biển – Chủ tịch UBND xã tự hào: “Vài năm trở lại đây kinh tế của địa phương ngày một đi lên. Người dân sống không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào mấy sào ruộng mà đã biết tăng gia sản xuất bằng nuôi lợn, thả cá, trồng rau. Hơn nữa xã còn có thêm nghề phụ dán áo mưa, đan mành. Một số người dân đã “rời ruộng” đi làm tại khu công nghiệp Đồng Văn. Thu nhập bình quân đầu người cũng khoảng 29.500.000/người/năm”.
Tình trạng mất cân bằng giới tính đang xảy ra trầm trọng tại xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Hà Ngân
Thế nhưng, đời sống kinh tế đi lên thì công tác dân số kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tại Phù Lưu lại có phần đi xuống. Ông Biển ngậm ngùi, với suy nghĩ thêm con thêm của đã hằn sâu vào tư tưởng của người dân nơi đây. Nếu vài năm trước những trường hợp sinh con thứ ba hầu hết đều là con trưởng nên cố kiếm "thằng cu" để nối dõi thì nay kinh tế khá giả nhiều người lại muốn đẻ thêm cho... vui cửa vui nhà. Có trường hợp đã có con trai, con gái đầy đủ, 12 năm nay không đẻ nhưng giờ cuộc sống khấm khá lại đẻ thêm con. Số trường hợp gia đình có kinh tế khá nhưng chưa có con trai nên cố đẻ bằng được cũng khá nhiều. Chị Trần Thị Thu Hà – cán bộ dân số xã tâm sự, từ đầu năm xã đã tổ chức nhiều chiến dịch vận động, tuyên truyền DS – KHHGĐ về những hệ lụy của MCBGTKS, vận động chị em áp dụng các biện pháp tránh thai khác nhau nhưng vẫn “thất bại” trước những chỉ tiêu dân số đề ra.
Kiếm thằng… đánh cá cho bố
Theo chân chị Hà vào gia đình chị Nguyễn Thị Ng. nổi tiếng nhất xã về “thành tích” cố đẻ con trai, chúng tôi khá ngạc nhiên khi một phụ nữ ở độ tuổi ngoài 40 vẫn quyết tâm mang thai lần thứ 5 để có được một "thằng cu". Tính cả "anh cu" này, nhà chị Ng. có tất thảy 6 người con, 5 gái, 1 trai vì lần cố thứ 4 chị lại “trót” sinh đôi 2 cô công chúa. Cả nhà có 8 người sống chung trong một căn nhà lợp tôn chỉ gần 30 mét vuông. Mấy tấm phản ghép lại thành một cái giường dài đến 4 mét chiếm trọn diện tích phòng khách. Đấy là cái giường chung của tất cả 5 chị em gái, đứa lớn nhất đã 15 tuổi, hai cô sinh đôi cũng đã vào lớp Một.
Chị Ng. kể, nuôi 2 đứa sinh đôi vất vả lắm nên chị đã tính thôi không đẻ nữa. Thế nhưng chồng chị vẫn quyết tâm… kiếm bằng được "thằng cu" để đi đánh cá cho bố nên chị đành chấp nhận liều. Chẳng là 2 năm trở lại đây, cả nhà chị dọn ra bãi đất tách biệt trong làng để thuận tiện làm trang trại chăn nuôi. Vài chục con lợn giống, cả ngàn con gà, con vịt, lại mấy mẫu ao thả cá và mấy sào ruộng, kinh tế gia đình chị Ng. đã thoát khỏi hộ nghèo của xã. Cũng từ đấy, anh chị lại quyết có thêm thằng cu để thỏa ước nguyện con trai. Đang dở câu chuyện với chúng tôi, anh H. chồng Ng. về. Thấy bố về, cậu út mừng ra mặt sà theo đòi bế. “Anh cu này lớn lên đi đánh cá cho bố, chẳng trông chờ gì mấy chị “vịt giời” kia đâu” - anh H. vừa cười vừa nói. “Đấy, thế mà bà nội nó vẫn cứ bảo tôi đẻ tiếp đi nhưng đẻ nữa thì lấy gì mà nuôi chúng nó” - chị Ng. lắc đầu. Bữa trưa của một gia đình đông con nồi cơm cũng to hơn, thức ăn cũng nhiều hơn và chỗ ngồi trong cái chiếu cói đã sờn cũng hẹp lại.
Nông dân như nhà gia đình chị Ng. đã đành, chị Trần Thị H. (38 tuổi) là giáo viên một trường Tiểu học trên địa bàn huyện nhưng vẫn mang tư tưởng “thêm con thêm của”. Một phần cũng vì mong muốn có con trai do hai con đầu đều là gái. Là công chức nên chuyện bầu bí lần thứ 3 chị cũng cố giấu. Mãi đến khi cái bụng đã lùm lùm cán bộ trong thôn mới biết. Hỏi thì chị bảo không cố tình mà đổ ngay do… nhỡ kế hoạch. Đến giờ, khi cán bộ dân số đến, chị vẫn đùa vui gọi cậu út này là “thằng bao thủng”. Cái “thủng” có chủ đích này đã giúp vợ chồng chị có được con trai nhưng bản thân chị sẽ phải đối mặt với hình thức kỷ luật khá nặng theo quy định của UBND huyện là luân chuyển công tác. Giờ cậu út mới được 11 tháng, 7 tháng nữa, chị sẽ phải chấp hành kỷ luật. Đến lúc ấy, chẳng biết chị sẽ bị luân chuyển về trường nào, có khi lại phải đi xa cách nhà đến cả chục cây số.
Không giống với gia đình chị Ng. và chị H., gia đình chị Phạm Thị T. (35 tuổi) lại cố cậu con trai chỉ vì đứa con trai đầu sức khỏe yếu. Tôi hỏi về kinh tế gia đình sau khi có thêm thành viên mới có bị ảnh hưởng gì không, chị T. than thở rằng: “bí hơn trước nhiều”. Vậy nên, sau ba lần sinh nở, sức khỏe chị T. mặc dù đã yếu đi những vẫn phải đảm đương gần 2 mẫu ruộng, rồi lại lo nhà cửa cơm nước, nuôi dạy con và phụ chồng tại xưởng khung nhôm kính. Nỗi vất vả hằn lên khuôn mặt khiến chị T. trông già hơn tuổi.
Thay đổi từ tư tưởng người dân
Bà Phạm Thị Liên – Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Ứng Hòa giãi bày, Phù Lưu không phải là xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao nhưng lại là xã mất cân bằng giới tính trầm trọng nhất. Tính trên toàn huyện, tỷ số MCBGTKS đến thời điểm cuối tháng 8/2016 là 136,48 trẻ trai/100 trẻ gái, cao hơn so với cùng thời điểm năm 2015. UBND huyện đã xác định công tác tuyên truyền DS-KHHGĐ là một trong những biện pháp tối ưu nhất để tác động đến tư tưởng người dân. Vậy mà công tác này lại gặp nhiều bất cập. Các buổi truyền thông về MCBGTKS được tổ chức tại xã, thậm chí về tận nhà văn hóa thôn nhưng nhiều đối tượng trong nhóm “nguy cơ” mặc dù được gửi giấy mời tận tay lại không tham gia. Họ tìm đủ lý do bận con cái, bận đồng áng, bận lợn gà. Cán bộ dân số đến tận nhà tuyên truyền thì họ… xua đuổi, thậm chí chửi bới. “Họ mang thai đứa thứ 3, mình đến hỏi thăm tình hình để báo cáo thì họ chửi mắng, bảo mình là “trù ẻo” con họ từ trong bụng”, chị Hà – cán bộ dân số xã Phù Lưu chia sẻ.
Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành dân số, bà Liên cho rằng chỉ có thể xác định tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để người dân hiểu và thay đổi nhận thức hành vi. Tuy nhiên, nếu chính từ phía người dân không chịu thay đổi cách nghĩ, không chịu thay đổi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “thêm con thêm của” thì công tác dân số trên địa bàn sẽ mãi “nóng” như thế này.
(Theo kinhtedothi.vn)