Làn sóng giảm lãi vay vẫn khó đẩy tín dụng tăng

00:00 12/10/2020

Vốn dư thừa, ngân hàng liên tục giảm lãi suất cho vay, nhưng các doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn rẻ không hề dễ dàng vì doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn vay. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến tín dụng vẫn gặp khó.

Người dân gửi tiền nhiều nhất vào ngân hàng nào?

Tăng trưởng tín dụng tính đến 19/6/2020 đạt mức 2,45% - thấp nhất so với cùng thời điểm của các năm trong giai đoạn 2016 - 2020 và sụt giảm gần 4% so với cùng kỳ năm 2019.

Tiếp tục giảm lãi vay

Hàng loạt giải pháp đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai ngay từ khi xảy ra dịch Covid-19 thông qua các văn bản chỉ đạo như Thông tư 01 và Chỉ thị 02 vào đầu tháng 3/2020 nhằm hỗ trợ khách hàng vay vốn.

Theo đó, các ngân hàng đã triển khai ngay việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, doanh nghiệp cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm cao trào chống dịch.

Việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của NHNN đã tạo nên "làn sóng" giảm lãi vay ở các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, tại các cuộc hội nghị gỡ khó cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, các doanh nghiệp đều có những kiến nghị rất cụ thể và thẳng thắn chủ yếu về việc kéo dài thêm thời gian giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, cho vay vốn mới lãi suất thấp hơn.

Bà Lê Thị Hồng Minh - Tổng giám đốc CTCP nhà ga quốc tế Cam Ranh chia sẻ: Sau thời điểm bùng phát dịch Covid-19, doanh thu của Công ty bằng 0, trong khi chi phí đào tạo và chi phí hạ tầng vẫn phải duy trì, Công ty gặp rất nhiều khó khăn.

"Hai ngân hàng là Vietcombank Nha Trang, VietinBank Khánh Hòa đã giúp chúng tôi bằng những chính sách thiết thực. Công ty đã 2 lần được giảm lãi suất, lần đầu là 1%, lần 2 thêm 0,5% và kéo dài thêm thời gian. Tuy nhiên, các kịch bản hiện chỉ tính đến tháng 9 và dịch còn phức tạp. Công ty kiến nghị tiếp tục được giảm thêm lãi suất và kéo dài thời gian đến năm 2021", bà Minh nói.

Ông Trương Hữu Thông - Tổng giám đốc Công ty TNHH thủy sản Thông Thuận cho biết, BIDV đã cơ cấu lại nợ, giãn nợ và giảm lãi suất cho Công ty. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng chính các doanh nghiệp phải tự cứu mình trước bằng việc tìm cách chuyển đổi phương hướng kinh doanh để tháo gỡ những khó khăn trước mắt.

Trước những kiến nghị này, một số ngân hàng mới đây tiếp tục giảm lãi suất cho vay lần thứ 3 kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Điển hình như ngày 1/7, BIDV phát đi thông báo điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng.

Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, BIDV đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng với mức giảm từ 2,5 - 3,0%/năm so thời điểm truớc dịch Covid-19.

BIDV là một trong các ngân hàng đầu tiên ban hành gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ khách hàng với quy mô lên đến 93.000 tỷ đồng. Đến nay, doanh số giải ngân gói tín dụng hỗ trợ này đã đạt trên 70.000 tỷ đồng cho 5.400 khách hàng với mức lãi suất đang áp dụng giảm 2,0%/năm so với lãi suất trước thời điểm dịch.

Trước đó một ngày, Agribank cũng thông báo giảm tiếp 0,2% lãi suất cho vay từ ngày 30/6/2020 đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 4,8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm - mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay.

Tăng trưởng tín dụng vẫn đì đẹt

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020 do Tổng cục Thống kê mới công bố, tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 19/6 đạt mức thấp nhất so với cùng thời điểm của các năm trong giai đoạn 2016 - 2020.

Cụ thể, tính đến 19/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,05%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (năm 2019 tăng 6,09%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,45% (năm 2019 tăng 6,22%). Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất của thời điểm 19/6 các năm 2016 - 2020 (tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 19/6 các năm 2016 - 2019 lần lượt là 6,2%, 7,54%, 6,35% và 6,22%).

Từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1 - 1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp; trong đó giảm 0,6 - 0,75%/năm mức lãi suất trần tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm mức lãi suất trần cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với cho vay ngắn hạn; 9 - 11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, đến 22/6/2020, tất cả các tổ chức tín dụng, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 258.000 khách hàng với dư nợ gần 177.000 tỷ đồng. Đồng thời, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 421.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,26 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,13 triệu tỷ đồng cho hơn 238.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 154.000 khách hàng với dư nợ hơn 3.875 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 1 triệu khách hàng với dư nợ gần 39.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết thêm, trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố, NHNN đang tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Thông tư 01, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp cận vốn vay.

Thanh Hoa