Lạm phát biến động thế nào khi giá xăng, điện tăng?

00:00 12/10/2020

Dù giá điện và giá xăng dầu được điều chỉnh tăng gần đây, lạm phát nhiều khả năng không phải rủi ro lớn cho Việt Nam năm 2019.

CPI không bị tác động nhiều bởi giá điện tăng

Mặc dù có sự trồi sụt quá các tháng trong quý 1/2019 do ảnh hưởng của yếu tố ngắn hạn (Tết Nguyên Đán) nhưng mức tăng của chỉ số CPI vào thời điểm cuối tháng 3/2019 vẫn đang duy trì mặt bằng khá thấp 2,7%.

Vào cuối tháng 3 vừa qua, giá điện đã tăng thêm 8,36% nhưng theo đánh giá của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) việc điều chỉnh này nhiều khả năng sẽ không gây rủi ro quá lớn đối với lạm phát tổng thể trong năm nay.

Theo tính toán của BVSC, với tỷ trọng của nhóm hàng điện trong rổ tính CPI chỉ chiếm 3,5% thì việc tăng giá điện trung bình thêm 8,36% dự kiến sẽ khiến chỉ số CPI tổng thể tăng thêm khoảng 0,3% (tác động vòng 1 mang tính trực tiếp nhất).

Do thời điểm tăng giá vào ngày 20/03 nên mức tăng 0,3% trên sẽ chỉ phân bổ một phần vào số liệu CPI của tháng 3, còn lại sẽ tiếp tục phản ánh trong tháng 4.

Kể từ năm 2010 đến nay, giá điện bình quân đã được tăng 9 lần với mức tăng cao nhất thuộc về năm 2011 với 15,3%. Kể từ năm 2013 đến nay, giá điện đã được điều chỉnh thưa hơn và biên độ mỗi lần tăng cũng thấp hơn (5-9%).

Trong quá khứ, tác động vòng 2 của giá điện lên mặt bằng giá cả chung trên thị trường trong thời gian từ 3-6 tháng sau đó không thật sự rõ ràng (thậm chí có những năm CPI vẫn giảm dù giá điện tăng như 2015).

Chia sẻ với DĐDN TS Trần Toàn Thắng - Trưởng ban dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Chính phủ quyết tâm điều hành giá với mục tiêu kiểm soát lạm phát tăng 3,3%-3,9% (chỉ tiêu của Quốc hội là lạm phát bình quân tăng khoảng 4%), kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6%-1,8%. 

"Ở Việt Nam, giá điện và xăng dầu thường rất nhạy cảm với lạm phát. Nếu giá xăng dầu thế giới không tăng thì là điều thuận lợi, nhưng trong nước lại liên quan đến thực hiện tăng khung thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng. Hiện nay khung thuế bảo vệ môi trường đã tăng kịch trần và đang điều chỉnh quỹ bình ổn để làm giữ không tăng giá xăng. Đối với ngành điện, sức ép đảm bảo lạm phát dưới 4% là rất lớn". - ông Thắng nói.

Qua quan sát, có thể thấy, những năm CPI tăng mạnh mà có sự điểu chỉnh giá điện (giai đoạn 2010-2011) thì ngoài giá điện ra, lạm phát những năm đó còn bị tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố khác, đặc biệt là do cung tiền gia tăng mạnh.

“Trong giai đoạn hiện tại, các yếu tố liên quan đến cung-cầu trong nền kinh tế đang không tạo ra nhiều rủi ro đối với lạm phát như lần điều chỉnh giá điện năm 2011. Do vậy, tác động mang tính lan tuyền gián tiếp lên mặt bằng giá cả từ việc giá điện tăng trong năm nay là có nhưng sẽ ở mức hạn chế”. – BVSC đưa ra nhận định.

Dự báo lạm phát cả năm quanh mức 3,5%

Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1/2019 có đà giảm tốc khá rõ nét do những khó khăn chung của kinh tế thế giới, đặc biệt là ở khía cạnh xuất khẩu. Tuy vậy, đà giảm tốc này phần nào được hạn chế nhờ những yếu tố hỗ trợ như vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng tốt, một số mặt hàng xuất khẩu được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Theo mô hình định lượng của BVSC, trong kịch bản cơ sở, nếu giá dầu Brent đóng cửa ở mức 70 USD/thùng vào cuối năm nay thì lạm phát trung bình của Việt Nam năm 2019 sẽ ở mức 3,53%.

Kể từ đầu năm tới nay, giá dầu Brent đã tăng khá mạnh (gần 30%) và hiện đã vượt mốc 73 USD/thùng. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong ngắn hạn, giá dầu thế giới có thể vẫn nhận được sự hỗ trợ từ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran (ngày 02/05 tới là thời điểm Mỹ xem xét dừng việc miễn trừ cho một số nước được nhập khẩu dầu từ Iran).

Mặc dù vậy, trong khung thời gian dài hơn, BVSC cho rằng, khả năng dầu thô tăng giá mạnh tiếp trong các quý tới không còn nhiều xét trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và nguồn cung dầu đá phiến tại Mỹ đang tăng trở lại nhờ những nút thắt về cơ sở hạ tầng truyền dẫn dầu dần được gỡ bỏ.

Trên cơ sở đó, BVSC duy trì dự báo giá dầu Brent vào thời điểm cuối năm sẽ ở quanh mức 70 USD/thùng.

Đối với việc điều chỉnh giá điện, việc tăng giá đã BVSC giả định tăng 7,5%. Mức tăng thực tế 8,36% không cao hơn nhiều và không ảnh hưởng trọng yếu đến mô hình dự báo. "Do vậy, lạm phát nhiều khả năng không phải rủi ro lớn cho Việt Nam năm 2019. Lạm phát trung bình cả năm ở quanh mức 3,5%. Đây là mức dưới 4% như mục tiêu được Quốc hội và Chính phủ đề ra”, BVSC đưa ra dự báo.

Từng chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, còn nhiều thách thức trong công tác kiểm soát lạm phát năm 2019, bởi nhiều yếu tố có thể làm giá cả biến đổi theo chiều hướng tăng được “để dành” từ năm 2018.

Ông Long lưu ý, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2019 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. “Các Bộ liên quan cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp trong trường hợp có biến động về giá. Bên cạnh đó, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, ông Long nói.

Trước đó, tại cuộc họp ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị kiểm soát lạm phát năm 2019 ở mức 3,3 - 3,9%, lạm phát cơ bản ở mức 1,6 - 1,8%, điều hành giá đối với một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu phải theo nguyên tắc công khai, minh bạch với các kịch bản giá phù hợp.

 
Tags: