Làm gì để nâng chất lượng hàng Việt?

00:00 12/10/2020

Việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) được Nghị viện châu Âu phê chuẩn đang được kỳ vọng sẽ đem lại luồng gió mới cho hàng hóa của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Tự nâng cấp để trở thành hiện đại

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã bày tỏ sự lạc quan khi nhận định rằng, EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam. Bởi, tham gia EVFTA đồng nghĩa Việt Nam sẽ bước vào sân chơi mới với một đối tác rất khắt khe về kiểm soát hàng hóa cũng như thượng tôn pháp luật, minh bạch thông tin. Theo ông Lộc, doanh nghiệp Việt cần phải chuẩn bị kỹ càng để đáp ứng yêu cầu từ phía EU.

 Kèm theo các ưu đãi về thuế sẽ có những thách thức đối với xuất khẩu về các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật khi EVFTA có liệu lực.

Đây là một FTA đồ sộ, không thể đòi hỏi các doanh nghiệp phải nắm hết toàn bộ nội dung nhưng những nội dung cụ thể liên quan đến ngành, lĩnh vực của doanh nghiệp mình thì cần phải tìm hiểu, am hiểu thật sâu sắc. Ví dụ như mức thuế quan trong lĩnh vực của doanh nghiệp đó đã giảm xuống 0% hay có lộ trình giảm thuế như thế nào; tìm hiểu về các quy tắc xuất xứ được quy định như thế nào; các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và những biện pháp phòng vệ thương mại người ta thực hiện như thế nào.

Điều cốt lõi vẫn là cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. Trong kỷ nguyên này, yêu cầu về phát triển bền vững là nền tảng để doanh nghiệp Việt Nam tương tác với nền kinh tế thế giới. Doanh nghiệp sẽ phải tìm hiểu về các tiêu chuẩn phát triển bền vững, tuân thủ những tiêu chuẩn đó về lao động, môi trường... để mình tổ chức lại sản xuất đáp ứng lại tiêu chuẩn đó.

Nếu công nghệ của doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thì phải áp dụng công nghệ, áp dụng chuyển đổi số. Một mặt tập trung vào thị trường EU nhưng cần lưu ý việc đa dạng hóa thị trường vẫn là vấn đề quan trọng để khi có biến động, doanh nghiệp có thể chống chịu, điều chỉnh được, ông Lộc nói.

Trước đây, nông sản Việt xuất sang Trung Quốc chất lượng thế nào cũng được, xuất chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Nhưng gần đây Trung Quốc đã yêu cầu chứng nhận xuất xứ nguồn gốc, tức là đã nâng cấp tiêu chuẩn lên và doanh nghiệp Việt Nam đã, đang từng ngày cố gắng nâng cấp mình, đáp ứng các đòi hỏi khắt khe hơn.

“Với EU thì còn khắt khe hơn gấp bội. Ở đây không chỉ là vấn đề chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa, mà người ta còn xem xét cả quá trình sản xuất hàng hóa có nhân văn hay không. EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó. Chẳng hạn, không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép, vấn đề an toàn thực phẩm, dịch bệnh phải đảm bảo...

Ngoài ra, những tiêu chuẩn về lao động, môi trường của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới. Do đó, nếu chúng ta đáp ứng được thì rõ ràng cả DN và người dân có thể nâng cấp mình lên. Vì khi “chơi” với người ở chuẩn mực cao, chúng ta sẽ trở thành hiện đại”, ông Lộc nói.

Hoàn thiện chất lượng hàng hóa để vượt "rào"

Quản lý chất lượng hàng hóa theo chuỗi, nguồn gốc, xuất xứ là vấn đề được EU quan tâm và đặt lên hàng đầu. Do đó, hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ khi xuất khẩu sang EU sẽ phả đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường này.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngoài việc tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của gia trại và trang trại trong nước, khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất trong sản xuất thì việc quản lý chất lượng theo chuỗi, nguồn gốc, xuất xứ, mã vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, chứng chỉ bền vững… phải được doanh nghiệp quan tâm chú trọng hàng đầu. Ngoài ra, để nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản, ngành nông nghiệp cũng chỉ ra, Việt Nam cần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ trong sản xuất nông nghiệp.

“Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các chuỗi phân phối trong nước, đồng thời xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại cho sản phẩm nông sản Việt Nam trước khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ là công việc cần làm để giúp cho hàng hóa của Việt Nam không bị đánh bật khỏi đường đua EVFTA”, bà Sắc nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, EU là thị trường khó tính, khách hàng luôn đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản này.

Bảo Anh