Làm gì để kinh tế tư nhân phát triển

00:00 12/10/2020

Doanh nghiệp là tài sản quốc gia. Hơn nữa, tài sản này quí hơn các mỏ vàng, mỏ bạc. Các mỏ vàng, mỏ bạc sau một thời gian khai thác sẽ cạn, còn mỏ doanh nghiệp, càng khai thác càng tạo nguồn lợi cho phát triển đất nước. Vì vậy, cần trân trọng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân (KTTN).

KTTN có tốc độ phát triển nhanh, quy mô, cơ cấu và phạm vi kinh doanh ngày càng mở rộng, có đóng góp ngày càng tích cực vào thu hút vốn xã hội, nâng cao nội lực sản xuất và cải thiện nguồn thu NSNN. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong quá trình đổi mới và phát triển KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam, khu vực KTTN có nhiều tiềm năng to lớn và ngày càng được đề cao như là động lực quan trọng cho phát triển KT-XH đất nước. KTTN có tốc độ phát triển nhanh, quy mô, cơ cấu và phạm vi kinh doanh ngày càng mở rộng, có đóng góp ngày càng tích cực vào thu hút vốn xã hội, nâng cao nội lực sản xuất và cải thiện nguồn thu NSNN.

Theo Ban Kinh tế TW, số lượng doanh nghiệp trong khu vực KTTN cả nước gia tăng mạnh từ 655.000 năm 2017 lên 730.000 vào năm 2018 và đạt 743.409 vào cuối quý I năm 2019. Trong đó, phong trào khởi nghiệp nở rộ, với khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vào năm 2018. Tổng vốn đăng ký mới tăng từ 1.295.911 tỷ đồng vào năm 2017 lên 1.478.100 tỷ đồng vào năm 2018. Mỗi năm (2017 và 2018), có hơn 1,1 triệu việc làm mới được tạo ra. Riêng quý I năm 2019, 375.500 tỷ đồng vốn đầu tư mới và gần 320.000 việc làm mới đã được bổ sung vào nền kinh tế. Quy mô của nhiều doanh nghiệp ngày càng mở rộng, một số doanh nghiệp đạt tổng tài sản đến hàng trăm nghìn tỷ đồng và sử dụng hàng chục nghìn lao động. Khu vực KTTN đang chiếm khoảng 40% GDP cả nước; tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp tư nhân (không tính loại hình cá thể, hộ gia đình) đạt gần 12% vào năm 2017, cao hơn mức chung của nền kinh tế cùng năm (6,81%); khu vực KTTN và khu vực kinh tế tập thể chiếm 26% giá trị xuất khẩu, 34% giá trị nhập khẩu, đóng góp 32,26% vào ngân sách nhà nước năm 2017 và 38,20% năm 2018, vượt đáng kể so với mức 29,43% của 2016, là năm chưa ban hành Nghị quyết.

Đội ngũ doanh nhân trong khu vực này ngày càng có bản lĩnh và kỹ năng kinh doanh thị trường.  Nhiều doanh nghiệp tư nhân đang điều chỉnh chiến lược đầu tư và kinh doanh theo hướng bền vững hơn, gắn nhiều hơn với công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua việc thiết lập trường đại học, viện/trung tâm nghiên cứu và triển khai cũng như hoàn thành được những công trình lớn, phức tạp trong một thời gian tương đối ngắn.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập nhiều nhưng khả năng trụ vững và phát triển hiệu quả còn thấp: số doanh nghiệp ngừng hoạt động đã gia tăng từ 39.000 của năm 2017 lên 63.000 doanh nghiệp vào năm 2018. Do vậy, mục tiêu đến năm 2020 nước ta có một triệu doanh nghiệp khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh. Sự gia tăng số lượng của doanh nghiệp tư nhân chưa gắn với sự đột phá về chất lượng phát triển. Trong vài năm gần đây, nhóm doanh nghiệp tư nhân có giá trị sản lượng chiếm khoảng 8% GDP cả nước, trong khi nhóm kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm khoảng 30%. Trong đó, nhóm hộ gia đình, cá thể có tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức trung bình cả nước. Khu vực kinh tế tư nhân đang bị phân cực, với 97% doanh nghiệp tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (khoảng 70% số doanh nghiệp đăng ký có quy mô dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới năm tỷ đồng). Các doanh nghiệp có quy mô trung bình còn ít gây khó cho tích lũy vốn và công nghệ, cải thiện chuyên môn hóa, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh; cũng như tạo chuỗi liên kết giá trị lan tỏa, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và tăng trưởng. Khu vực này vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản cả về nhận thức lẫn khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách và thực thi cơ chế, chính sách cũng như môi trường kinh doanh mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn chậm, nhiều bất cập; chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, chưa thực chất trên một số lĩnh vực cũng như năng lực nội tại chưa cao của chính khu vực này. Đa số các doanh nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn và hạn chế về điều kiện đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh, về nguồn vốn và tín dụng, về năng lực đổi mới và cơ hội tiếp thụ khoa học công nghệ, về thông tin và thị trường, về đăng ký thương hiệu, bản quyền và bảo đảm chất lượng hàng hóa, cũng như về áp lực tâm lí xã hội và thủ tục quản lí nhà nước.

Sự liên kết giữa các loại hình và khu vưc doanh nghiệp còn mờ nhạt. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt những quy định pháp luật về lao động, thuế, chủ yếu làm gia công, lắp ráp, với thu nhập thấp, hiệu quả không cao, khả năng tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh bị hạn chế. Hiện tượng doanh nghiệp bị phá sản, hàng hóa không tiêu thụ được, đình đốn đình trệ sản xuất, nợ đọng và nợ khó đòi cao. Hoạt động của nhiều tổ chức xã hội-nghề nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và các tổ chức quần chúng khác (kể cả tổ chức công đoàn) còn chưa được quan tâm, xây dựng, phát triển và hoạt động có hiệu quả trong khu vực KTTN.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phát triển nhanh chóng và hiệu quả khu vực KTTN là đòi hỏi cấp thiết từ cuộc sống và cũng là quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước; đồng thời, phải xuất phát từ thực tiễn đặc thù, các nguyên tắc của cơ chế  kinh tế thị trường, cũng như các cam kết và thông lệ quốc tế trong xu hướng mở cửa, tăng cường, hội nhập quốc tế.

Điều quan trọng không phải là ban cho kinh tế tư nhân những đặc quyền, đặc lợi, mà là tạo môi trường bảo đảm khu vực doanh nghiệp tư nhân thực sự bình đẳng, công bằng với các khu vực doanh nghiệp khác, kể cả trong đấu thầu. Nhà nước cần có nhiều đột phá mới, táo bạo, tháo gỡ, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập, bức xúc đang tồn tại hoặc sẽ phát sinh trong thực tiễn. Quản lý nhà nước đối với khu vực KTTN cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tự do kinh doanh theo pháp luật, bình đẳng, cùng có lợi; coi trọng định hướng, hỗ trợ, kiểm tra, kiểm soát đối với KTTN bằng chính sách, thông tin thị trường và khuyến khích quá trình tái cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, cần thực sự đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia, sàng lọc, kiểm soát và trừng trị những kẻ nhũng nhiễu, vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm đối với KTTN; kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò, năng lực, trách nhiệm của các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp trong bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, tạo sự đồng thuận, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh trên cơ sở pháp luật và truyền thống dân tộc; giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc và trách nhiệm xã hội, bản lĩnh kinh doanh cho doanh nhân và người lao động; xây dựng một số thương hiệu chủ lực quốc gia và địa phương;  

Trước mắt, cần tập trung giải quyết các khó khăn của khu vực KTTN về nợ đọng, nợ xấu, mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn vốn, năng lực khoa học – công nghệ và về thị trường...; tổ chức các đường dây nóng, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc định kỳ và không định kỳ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nhân, doanh nghiệp; mở rộng, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh nghiệp, nhất là cung cấp thông tin thị trường (chất lượng, giá cả và cung- cầu cũng như triển vọng sản phẩm); thông tin đối tác, cơ hội và kinh nghiệm kinh doanh; thông tin về môi trường đầu tư (các quy định pháp lý, thủ tục xuất- nhập khẩu; các yêu cầu và giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn, chất lượng sản phẩm; các đặc điểm văn hoá, thị hiếu tiêu dùng; hệ thống phân phối hàng;...) và các dịch vụ xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm, quảng cáo và tham quan thị trường, môi giới và tiếp xúc với các đối tác tiềm năng...); khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ tư pháp, nhất là về đăng ký và xử lý tranh chấp thương hiệu, tư vấn kế toán, thuế, thủ tục xuất- nhập khẩu; các dịch vụ tài chính- ngân hàng, nổi bật là dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, bảo hiểm và bảo lãnh tín dụng (kể cả bảo lãnh tín dụng quốc tế, thế chấp bằng tài sản ở trong nước của các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam); xây dựng và triển khai hiệu quả những chương trình giáo dục, đào tạo riêng, thích hợp nhằm bồi dưỡng kiến thức của các giám đốc doanh nghiệp cũng như người lao động trong khu vực KTTN...

Về phía doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động tự điều chỉnh, bám sát và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường và quản trị rủi ro; vừa tuân thủ luật pháp, vừa chủ động phản biện, nêu rõ các khó khăn các vướng mắc và cụ thể hóa yêu cầu, kiến nghị, góp phần hoàn thiện luật pháp kinh doanh, tìm kiếm các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho KTTN, đưa đất nước phát triển theo đúng tinh thần KTTT định hướng XHCN.

Một nền KTTT mạnh là nền kinh tế có khu vực KTTN mạnh. Công cuộc đổi mới toàn diện và những đột phá táo bạo, đúng đắn về thể chế KTTT sẽ là một bảo đảm cho triển vọng phát triển của khu vực KTTN Việt Nam.

TS. Nguyễn Minh Phong

Tags: