Làm gì để hóa giải cuộc khủng hoảng âm nhạc thiếu nhi?

00:00 12/10/2020

Tình trạng trẻ em phải hát lại những ca khúc thiếu nhi cũ của thế kỷ trước, hay thậm chí phải hát bài hát của người lớn vẫn đang là thực tế khiến cho những ai tâm huyết trong công tác giáo dục, bồi dưỡng, chăm sóc đời sống tinh thần cho trẻ em phải băn khoăn. Chúng ta thực sự đang rất cần những bài hát hay cho thiếu nhi, những bài hát phản ánh đúng đời sống, suy nghĩ, tư duy, tình cảm của trẻ em trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 nhiều đổi thay này.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên người có nhiều sáng tác hay cho thiếu nhi trong một chương trình âm nhạc dành cho khán giả nhí.

Phải hát những ca khúc không phù hợp

Những ca khúc như: “Đưa cơm cho mẹ đi cày” (Hàn Ngọc Bích”, “Đi học” (Bùi Đình Thảo) “Hạt gạo làng ta” (Trần Viết Bính), “Em là mầm non của Đảng” (Mộng Lân),“Thằng Bờm” (Nguyễn Xuân Khoát).... dù không ai phủ nhận đã trở thành những ca khúc kinh điển dành cho trẻ em, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em nhiều thế hệ trong quá khứ nhưng trong thế kỷ 21, nhiều hình ảnh trong các ca khúc đó đã trở nên có phần xa lạ với trẻ em. Những chất liệu được dùng để sáng tác nhiều bài hát cho thiếu nhi ngày xưa nay không còn gần gũi trong thế giới trực quan của trẻ em. Tuy nhiên, có một thực tế là, nếu muốn thiếu nhi nghe hay biểu diễn những bài hát phù hợp lứa tuổi thì chỉ còn cách là nghe lại những bài hát như vậy, cho dù có những hình ảnh hay câu từ các em không hiểu lắm, không quen thuộc với các em trong cuộc sống hiện tại. Việc thiếu ca khúc phù hợp đã khiến trong một số cuộc thi âm nhạc có trẻ em tham gia trên truyền hình vừa qua có hiện tượng các em hát nhạc nước ngoài hoặc những bản nhạc dành cho người lớn. Chúng ta đang vô cùng thiếu ca khúc mới, những ca khúc gắn với đời sống trẻ em đương đại, thấu hiểu tâm lý, tình cảm cũng như đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của các em. Nhìn đi nhìn lại, cả nước chỉ có một vài chương trình ở cấp quốc gia quan tâm đến vấn đề sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi, như cuộc thi “Giai điệu tuổi hồng” được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức định kỳ hai năm một lần, hay Liên hoan Búp sen hồng - một hoạt động văn hóa - nghệ thuật hằng năm của các nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu niên các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Một số game show trên truyền hình nếu có dành cho trẻ em thì cũng hướng mục tiêu phần lớn vào việc tăng rating, câu view, câu like là chính. Nhà tổ chức sẵn sàng để trẻ em trình diễn những ca khúc không phù hợp tâm lý lứa tuổi để gây sự chú ý trong công chúng, chứ không thực sự quan tâm đến nhu cầu hưởng thụ của khán giả trẻ em, là một đối tượng khán giả đặc biệt cần được nâng niu, cân nhắc trong cách chọn bài hát. Một mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng, chính việc khan hiếm các ca khúc cho thiếu nhi là lý do khiến trẻ em bị cuốn vào dòng nhạc thị trường và những bài hát không phù hợp với độ tuổi, tâm lý. Những chương trình trên truyền thông hiện nay, dù được cho là chán, nhưng ngay cả như vậy cộng vào cũng chẳng thấm tháp gì so với cơ cấu dân sốmột đất nước có tỷ suất sinh cao và mọi thị trường cung cấp dịch vụ cũng như sản phẩm cho trẻ em đang vô cùng rộng mở, chỉ trừ âm nhạc.

Trẻ em Việt đang khát những dự án âm nhạc dài hơi vừa để kích thích các nhạc sĩ sáng tác cho trẻ em, vừa giúp phổ biến rộng rãi các sản phẩm âm nhạc có giá trị, không chỉ là các cuộc thi ca nhạc với tần số xuất hiện liên tục của các ca khúc vốn đã quá quen thuộc đến mức dễ trở nên nhàm chán. Nhạc sĩ Hoàng Long chia sẻ: “Nhạc thiếu nhi không còn được chú trọng nữa. Trước đây Đài phát thanh, truyền hình luôn có nhiều chương trình ca nhạc dành cho thiếu nhi. Giờ đây mọi thứ đã không còn như trước, đặc biệt là truyền hình. Bên đài phát thanh tuy còn duy trì khá tốt nhưng không còn có sức ảnh hưởng nhiều”.

Nguyễn Văn Chung là nhạc sĩ trẻ hiếm hoi dành một dự án dài hơi cho âm nhạc thiếu nhi. ẢNh minh họa. Nguồn: Internet

Nhìn lại quá khứ, chúng ta có những thời kỳ nở rộ ca khúc thiếu nhi. Những tên tuổi lớn trong làng âm nhạc đều có nhiều ca khúc hay viết cho thiếu nhi như Phạm Tuyên, Hoàng Long, Hoàng Lân, Phong Nhã, Hàn Bích Ngọc, Vân Dung, Hoàng Vân, Huy Du... Phong trào ca hát trong thiếu nhi không ngừng được mở rộng, cùng với đó là bồi dưỡng các tài năng nhí có khả năng biểu diễn. Hội Nhạc sĩ và Bộ Giáo dục không ngừng quan tâm đến công việc sáng tác bài hát cho thiếu nhi. Giờ đây số lượng ca sĩ hát nhạc thiếu nhi và số lượng nhạc sĩ viết nhạc cho thiếu nhi ngày càng trở nên hiếm hoi, ít ỏi vô cùng. Chẳng thế mà bé Xuân Mai ngày xưa nay đã thành người lớn lâu rồi, là mẹ của hai thiếu nhi lâu rồi mà các sản phẩm Xuân Mai hát vẫn được tìm kiếm rất nhiều trên mạng. Bởi vì ngoài Xuân Mai ra, các bậc phụ huynh rất khó để tìm ra một cái tên ca sĩ nhí nào khác thay thế khi chọn lựa sản phẩm giải trí cho con trẻ của mình.

Đi tìm người viết nhạc tâm huyết với trẻ em

Giống như trong văn học, việc viết nhạc cho thiếu nhi vẫn được quan niệm là khó nổi tiếng, lâu kiếm tiền, muốn đẳng cấp là phải viết cho người lớn. Trong thế giới công nghệ nhiều cạnh tranh hôm nay, các nhạc sĩ trẻ đang chịu ảnh hưởng rất nhiều từ thị trường. Họ thường tập trung, chuyên tâm vào sáng tác những đề tài được người lớn quan tâm, dễ đẩy lên các nền tảng mạng xã hội, dễ có được nhiều view hay like. Thống kê cho thấy, gần như đại đa số các nhạc sĩ trẻ lứa tuổi 20 chú ý đến các đề tài xã hội, viết cho người lớn là chính chứ không quan tâm việc viết cho thiếu nhi hay tuổi mới lớn. Đối với họ, viết nhạc người lớn có nhiều kênh để phát hành hơn, dễ được chú ý hơn, chứ nhạc cho thiếu nhi thì “bé hạt thóc, lâu đồng tiền”. Cũng không thể trách các nhạc sĩ được vì họ có quyền lựa chọn các đề tài để sáng tác, nhất là trong hoàn cảnh xã hội cũng như các hội nghề nghiệp, báo chí truyền thông không mấy quan tâm đến câu chuyện viết nhạc cho thiếu nhi.

Trong tình hình như vậy, ngoài việc kêu gọi các tổ chức cá nhân, các hội nghề nghiệp thay đổi cách nhìn, có những hành động thiết thực để tăng số lượng tác phẩm viết cho thiếu nhi bằng các cuộc thi, các giải thưởng, các chuyến đi thực tế hay mở trại sáng tác, thì cần nhất là cái Tâm của người cầm bút, những người yêu trẻ em và đau đáu với câu chuyện làm giàu có đời sống tinh thần cho trẻ. Nhạc sĩ Hoàng Long nói: “Nhạc thiếu nhi là phải viết bằng cái tâm chứ không phải vì tiền. Nếu viết vì tiền, đó sẽ là nhạc thị trường. Phải chăng do thù lao bồi dưỡng cho các sáng tác nhạc thiếu nhi thấp hơn nhạc thị trường nên các nhạc sĩ không còn mặn mà? Sẽ rất khó khăn cho nhạc Việt có chỗ đứng trong lòng trẻ em. Để trẻ em hiện nay đang hát những bài không đúng với lứa tuổi, điều đó có thể ảnh hưởng tới cả tâm tính và cách chúng nhìn nhận về xã hội sau này”. Còn nhạc sĩ Hoàng Lân thì lý giải: “Sáng tác cho thiếu nhi được ít ưu đãi về vật chất. Tôi từng sáng tác nhiều bài hát cho thiếu nhi được đưa vào tuyển tập nhưng mỗi bài hát được in, tôi chỉ nhận được 50 nghìn đồng nhuận bút. Vì vậy khó trách các nhạc sĩ trẻ không mặn mà với việc sáng tác ca khúc trẻ em. Hội Nhạc sĩ hằng năm vẫn trao giải cho bài hát thiếu nhi nhưng không ai có trách nhiệm phổ biến. Còn tác giả thì sao phổ biến được”.

Trẻ em thời nào cũng có nhu cầu được ca hát những ca khúc phù hợp với lứa tuổi của mình. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cách đây mấy năm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - một người trẻ tâm huyết với trẻ em đã bỏ cả dự án viết nhạc cho người lớn, chuyên tâm vào một dự án đặc biệt dành cho các em nhỏ. Đây là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi hành động quyết liệt để đáp lại tiếng gọi của thiếu nhi trong vấn đề khát ca khúc phù hợp với các em. Trong vòng 3 năm Nguyễn Văn Chung quyết tâm viết 100 ca khúc mới hoàn toàn dành cho thiếu nhi. Sau đó anh in tập nhạc, kèm đĩa MP3 thu âm 100 bài hát này, mỗi bài hát kèm theo tranh vẽ để các em thiếu nhi tô màu. Nhạc sĩ chia sẻ: “Viết cho thiếu nhi đòi hỏi tình yêu thương, sự nhẫn nại của người viết. Nhạc thiếu nhi không thể thu hoạch liền tức thì được. Thực hiện dự án âm nhạc thiếu nhi cũng giống như ta trồng cây lâu năm vậy, không biết bao giờ mình mới hái quả nên người ta dễ bỏ cuộc. Chính vì thế nhiều nhạc sĩ không đi đường dài hoặc chỉ nhất thời hứng lên làm vậy thôi, chứ chưa có tình yêu với con trẻ và nhạc thiếu nhi một cách thực sự”.

 Rõ ràng đang có một cuộc khủng hoảng về âm nhạc thiếu nhi, cần sự chung tay của toàn xã hội, các hội nghệ nghiệp cũng như các hãng sản xuất âm nhạc, các cơ quan truyền thông, báo chí. Theo đó, các chương trình ca nhạc thiếu nhi trên sóng phát thanh hay truyền hình nên bớt mùi hoài cổ, nghĩa là bớt hát những bài hát cũ đã thành kinh điển mà hãy quan tâm đưa các bài hát mới, của các nhạc sĩ mới vào đời sống. Việc liên tục đưa các bài hát mới đến với khán giả nhí cũng là một cách kích thích để các nhạc sĩ thấy rằng các sáng tác cho thiếu nhi cũng được quan tâm không kém các sáng tác dành cho người lớn. Cùng với việc tích cực giới thiệu các sáng tác thiếu nhi mới trên các phương tiện truyền thông là phát hiện, bồi dưỡng những tài năng âm nhạc chuyên hát ca khúc thiếu nhi, giống như hiện tượng bé Xuân Mai thời kỳ trước đây. Bởi vì ca khúc thiếu nhi luôn gắn với ca sĩ thiếu nhi để có thể đi vào tâm hồn trẻ nhỏ.

Để đưa nhạc thiếu nhi trở lại với đúng vị trí của nó, trước hết cần nhấn mạnh vai trò của đội ngũ sáng tác. Nhạc sĩ phải thay đổi tư duy sáng tác để bắt kịp với “gu” âm nhạc ngày càng năng động và hiện đại của thiếu nhi hiện nay. Song song với đó vai trò của những người kinh doanh âm nhạc cùng các nhà quản lý. Cần một sự bắt tay đồng bộ giữa các lực lượng này thì may ra thực trạng thiếu ca khúc dành cho thiếu nhi mới được khắc phục trong tương lai gần. Thời nào cũng vậy, âm nhạc vẫn luôn là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Âm nhạc thiếu nhi lại càng quan trọng vì nó góp phần định hình tâm hồn, nhân cách của các em - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Cẩm Hà