Lại thêm một vụ quán Xin Chào ngay tại TPHCM?

00:00 12/10/2020

Lại thêm một trường hợp người dân bị khám xét khẩn cấp và có khả năng bị khởi tố hình sự tội kinh doanh trái phép chỉ vì mua bán, sửa chữa những dòng điện thoại cũ sản xuất hơn 10 năm trước.
Anh Tiến lo lắng trước khả năng bị Công an xử lý hành vi kinh doanh trái phép. Ảnh Tuổi Trẻ
Đã gần hai tháng trôi qua, anh Dương Trọng Tiến (31 tuổi, tạm trú Quận 10, TPHCM) rất hoang mang, lo lắng bởi quyết định “khởi tố bị can” của cơ quan điều tra Công an Quận 10 đang treo lơ lửng.
Theo tường thuật chi tiết của báo Tuổi Trẻ, trưa 15/6/2016, khi vợ anh Tiến vừa chiếc Nokia 6700 (sản xuất năm 2009) cho khách thì công an ập vào nhà khám xét. Sau khi khám xét khẩn cấp, Công an Quận tạm giữ 40 chiếc điện thoại di động (trong đó có 8 máy khách gửi sửa), 38 sạc điện thoại và sổ sách, biên nhận sửa chữa cho khách. Toàn bộ 40 điện thoại bị tạm giữ hiệu Nokia dòng 6700, 8600 và 8800 đã ngưng sản xuất từ năm 2005 – 2009. Theo anh Tiến, đây là toàn bộ kế sinh nhai của gia đình. Ngày hôm sau Tiến được mời lên làm việc tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Quận 10. Theo lời anh Tiến, tại đây, điều tra viên Võ Quốc Khánh hỏi muốn phạt hành chính hay phạt hình sự. Tiếp đó ông Khánh nói nên chọn phạt hình sự vì tới ngày 1/7 này điều 159 Bộ luật Hình sự (tội kinh doanh trái phép - PV) hết hiệu lực, khi đó sẽ không bị truy tố. Sau đó, ông Khánh đưa Tiến ký vào biên bản ghi giá 40 chiếc điện thoại Nokia đang tạm giữ là 120 triệu đồng. Ngày 30/6, Tiến trở lại Công an Quận 10 và được ông Khánh đưa cho xem quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên, phần tội danh bị khởi tố lại ghi “có hành vi mua bán ngoại tệ không có giấy phép kinh doanh”. Anh Tiến dùng điện thoại chụp lại quyết định khởi tố bị can, đồng thời yêu cầu điều tra viên Khánh sửa lại. Sau đó anh Tiến ra về mà không được cơ quan Công an giao quyết định khởi tố. “Từ đó đến nay tôi sống trong lo lắng, không biết vụ việc của mình rồi sẽ ra sao. Hơn tháng nay tôi nghỉ bán, chẳng dám đi đâu. Hàng xóm đi ngang cứ ngó vào nhà vì người ta nghĩ chắc tôi phạm tội gì nặng lắm” - anh Tiến tâm sự. Về phía cơ quan Công an, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Võ Quốc Khánh cho biết “hoàn toàn không có” việc đưa ra hai tình huống pháp lý (chọn phạt hành chính hoặc xử lý hình sự) cho người vi phạm. Về việc định giá 40 chiếc điện thoại Nokia hơn 100 triệu đồng, ông Khánh nói do hội đồng định giá của Quận 10 định giá chứ ông không tự quyết định. Ông Phạm Công Hầu, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Quận 10, khẳng định Công an quận chưa ra quyết định khởi tố vụ án hay bị can nào liên quan vụ việc của Tiến. Ông Hầu cũng khẳng định quyết định khởi tố bị can mà điều tra viên Khánh “tống đạt” cho anh Tiến là “không đúng, không có”. Về hướng xử lý vụ việc của anh Tiến, ông Hầu cho rằng hiện chưa có kết quả cuối cùng vì vẫn còn trong thời gian xác minh. Công an quận sẽ xử lý đúng quy định pháp luật. Nhất là trong giai đoạn Bộ luật Hình sự năm 2015 đang tạm hoãn thì phải áp dụng quy chế có lợi cho người vi phạm. Theo Luật sư Tôn Thất Hồ Nghị, trường hợp anh Tiến sửa chữa, buôn bán điện thoại cũ, giá trị không cao, tính chất nhỏ lẻ để mưu sinh, không có cửa hàng, không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh... Bản thân anh Tiến có nhân thân tốt, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trên nên không thể xử lý hình sự, nhất là trong bối cảnh tội “kinh doanh trái phép” đã được bãi bỏ (mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực) và có hướng dẫn các cơ quan tố tụng phải áp dụng các quy định theo hướng có lợi cho người vi phạm. Trước đó hồi tháng 4 vừa qua, dư luận đã một lần dậy sóng khi vụ chủ quán cà phê Xin Chào cũng ở TPHCM bị khởi tố hình sự vì chậm đăng ký kinh doanh. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến và các cơ quan chức năng vào cuộc, cuối cùng VKSND huyện đã quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can cho ông Nguyễn Văn Tấn. Đồng thời các cán bộ có sai phạm trong vụ việc cũng nhận các hình thức xử lý khác nhau. Thành Đạt