Lãi suất huy động tăng, người vay lo ngại

00:00 12/10/2020

Càng về cuối năm, lãi suất huy động tiền đồng càng được ngân hàng điều chỉnh cao hơn. Chi phí đầu vào tăng, khiến lãi suất đầu ra khó đứng yên và người vay thấp thỏm lo âu.

Lãi suất huy động tăng

Không chỉ trực tiếp tăng lãi suất tiết kiệm, các ngân hàng còn tung nhiều khuyến mại để thu hút vốn. Tại VPBank, cuối tháng 11 đã công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới, khách hàng được cộng tới 0,5% cho các kỳ hạn 6 - 12 tháng, lên tới 7,7 - 7,8%/năm; kỳ hạn 18 tháng, khách hàng gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất từ 7,7 - 7,9%/năm. Mức cao nhất được VPBank áp dụng tới 8%/năm, tăng 0,7 điểm phần trăm so với trước đó.

 Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã được điều chỉnh tăng đáng kể so với trước. Ảnh: Đức Thanh

Hiện lãi suất huy động cao nhất được OCB áp dụng là 7,7%/năm với kỳ hạn 36 tháng khi khách hàng gửi online. Đáng chú ý, nếu khách hàng vừa gửi tiết kiệm, vừa mua bảo hiểm tại OCB, lãi suất kỳ hạn 6 tháng được nhà băng này áp dụng là 8,2%/năm.

Mức độ điều chỉnh lãi suất giữa các ngân hàng tương đối khác nhau, dẫn tới chênh lệch lãi suất huy động trên thị trường giữa các nhà băng khá lớn. Cùng ở các kỳ hạn dài, lãi suất chênh nhau có lúc lên đến 1 - 1,5%/năm. Cao nhất hiện nay là VietCapitalBank huy động với lãi suất lên tới 8,6%/năm.

Điểm lạ trên thị trường là từ khoảng vài tháng trở lại đây, một số ngân hàng đã chạm mức tăng trưởng tín dụng theo tỷ lệ được Ngân hàng Nhà nước cấp. Thế nhưng, càng về cuối năm, lãi suất huy động lại càng tăng, ngân hàng vẫn mạnh tay huy động vốn. 

Một lãnh đạo trong ngành ngân hàng cho biết, thanh khoản của một số nhà băng gặp khó khăn, biểu hiện rõ nhất là lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng. Đó cũng là lý do khiến họ tăng lãi suất đầu vào. 

Một nguyên nhân nữa, xuất phát từ việc đáp ứng quy định tỷ lệ cho vay trên huy động hiện nay là 80%, song một số ngân hàng vượt mức này, nên phải tăng lãi suất huy động để kéo tỷ lệ này về mức 80%. 

Trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, áp lực lên lãi suất vẫn còn kéo dài trong thời gian tới, mức lãi suất cao sẽ còn duy trì như hiện tại đến Tết âm lịch. 

Doanh nghiệp thấp thỏm

Chi phí đầu vào của các ngân hàng đang tăng theo xu hướng lãi suất tiền gửi. Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng, sở dĩ lãi suất tiết kiệm tăng, nhất là ở kỳ hạn dài, do gần đến giờ “G” các ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% vào đầu năm 2019 theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN. Mặt khác, càng vào thời điểm cuối năm, các ngân hàng tăng huy động để đẩy mạnh cho vay khi nhu cầu vốn của khách hàng mùa kinh doanh cao điểm rất lớn.

Cuối năm là thời điểm doanh nghiệp rất cần vốn để sản xuất hàng phục vụ Tết. Lãi suất huy động tiền đồng đang có xu hướng tăng cao, khiến các chủ doanh nghiệp lo ngay ngáy lãi vay sẽ bị đẩy lên tương ứng. Đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bánh kẹo Tết cho hay, công ty ông sử dụng khoảng 70% vốn vay, nên rất lo ngân hàng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới. Hiện lãi suất công ty trên vay tại ngân hàng khoảng 8-9%/năm cho vốn ngắn hạn. 

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê về xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành xây dựng quý III/2018, chi phí trả lãi tiền vay của doanh nghiệp xây dựng tăng 0,3% so với quý II/2018, chiếm 1,6% tổng chi phí sản xuất. Lãi suất cho vay ngắn hạn của một ngân hàng thương mại có quy mô lớn tăng 0,5%/năm, lên 9,5%/năm trong quý III/2018, mức lãi suất cho vay trung hạn đã được tăng cách đây vài tháng lên 11%/năm và dài hạn ở mức 13 - 14%/năm. 

PGS-TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc đồng nhân dân tệ mất giá và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD khiến việc tăng lãi suất tiền đồng thời gian qua khó tránh khỏi. Nhưng các doanh nghiệp không nên quá lo lắng chuyện lãi suất cho vay sẽ tăng, bởi ngay từ đầu năm, NHNN đã xem việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay là một nhiệm vụ trọng tâm.

Vân Linh