Lãi suất chịu nhiều sức ép nhưng vẫn giữ ổn định

00:00 12/10/2020

Mặt bằng lãi suất huy động được giữ ổn định, qua đó giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước.

tien-nha-nuoc   Đây là nội dung trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 8 tháng đầu năm, định hướng những tháng cuối năm 2016. Lãi suất ổn định nhưng còn nhiều áp lực Cụ thể, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định NHNN bám sát các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. Mặt bằng lãi suất huy động được giữ ổn định, qua đó giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các TCTD trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước. Giải pháp NHNN đã thực hiện là chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện các biện pháp cân đối vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, NHNN ban hành thông tư sửa đổi quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, trong đó điều chỉnh tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình, đã góp phần hỗ trợ giảm áp lực lãi suất cho các TCTD. Hiện lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Còn theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích, áp lực tăng lãi suất do yếu tố tỉ giá được giảm thiểu do thị trường ngoại hối ổn định, lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm ở các kỳ hạn, cùng với việc trái phiếu Chính phủ đã đạt hơn 89% kế hoạch năm sẽ giảm áp lực lên lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay còn gặp một số thách thức do tiến trình xử lý nợ xấu diễn ra còn chậm. Nợ xấu tính đến tháng 6/2016 toàn hệ thống là 2,78%, tăng 0,23 điểm phần trăm so với cuối năm 2015. Số nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm là 59,7 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so cùng kỳ năm trước), chủ yếu là nhờ khách hàng trả nợ gần 31 nghìn tỷ đồng, số nợ xấu bán cho VAMC đạt 8,88 nghìn tỷ đồng. NHNN cho biết, quá trình xử lý nợ xấu của VAMC cũng như của TCTD trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu do cơ chế, chính sách về xử lý tài sản bảo đảm còn bất cập, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho TCTD, VAMC xử lý nợ xấu; quá trình xét xử, thi hành án kéo dài làm cho việc xử lý nợ xấu chậm. Tín dụng tăng nhanh nhưng an toàn hơn Về tăng trưởng tín dụng, NHNN cho biết chỉ số này tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, đến ngày 23/8/2016, tín dụng nền kinh tế tăng 9,09% so với cuối năm 2015. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ có hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế, tín dụng bất động sản và các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát nhưng không ảnh hưởng đến tín dụng bất động sản vào dự án nhà ở xã hội, dự án đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Riêng cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến tháng 8/2016 ước đạt khoảng 900.000 tỷ đồng, tăng 6,64% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 18% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Về cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, NHNN cho biết đến ngày 15/8/2016, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 663 tàu (đóng mới 590 tàu, nâng cấp 73 tàu) với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay 6.574 tỷ đồng. Doanh số cho vay đóng mới, nâng cấp tàu đạt 4.294 tỷ đồng, dư nợ đạt 4.288 tỷ đồng. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, NHNN đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đến hết quý II/2016 đã có trên 540 hội nghị đối thoại giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp được tổ chức, tháo gỡ khó khăn cho trên 50.000 doanh nghiệp và hơn 120.000 đối tượng khác... Tích cực hỗ trợ ngư dân khó khăn Ngoài ra, để xử lý khó khăn cho khách hàng trong sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, NHNN đã thành lập tổ công tác thường trực của ngành ngân hàng trên địa bàn để triển khai hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong việc lên phương án khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới để giúp người dân khắc phục khó khăn, tiếp tục sản xuất. Theo thống kê của NHNN chi nhánh các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, đến nay tổng dư nợ bị ảnh hưởng là 2.181,9 tỷ đồng với 8.874 khách hàng. Hiện nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn thiệt hại đã xây dựng kế hoạch miễn, giảm lãi và cơ cấu nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng và đang tích cực triển khai các gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ cho các khách hàng tại địa phương để triển khai phương án sản xuất kinh doanh mới. Agribank triển khai gói tín dụng 500 tỷ đồng, BIDV triển khai gói tín dụng 1.500 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn 6%, trung dài hạn 8%; Vietinbank triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn 6%, trung dài hạn 7%; Ngân hàng Chính sách triển khai gói tín dụng 125 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/8/2016, các ngân hàng đã hỗ trợ ngư dân khắc phục thiệt hại với tổng số tiền cho vay mới 299,29 tỷ đồng cho 3.738 lượt khách hàng; dư nợ được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ là 103,07 tỷ đồng cho 1.255 khách hàng và dư nợ được miễn, giảm lãi là 923,67 tỷ đồng cho 663 khách hàng (số tiền lãi được miễn, giảm là 2,79 tỷ đồng) và đang đề nghị khoanh nợ số tiền 891 triệu đồng cho 44 khách hàng. Các ngân hàng cũng cho vay thu mua, tạm trữ hải sản tại 4 tỉnh miền Trung với số tiền 208,93 tỷ đồng để thu mua 7.302 tấn hải sản.   (theo chinhphu.vn