Lại phát hiện đạo thơ tại giải Lê Thánh Tông

00:00 12/10/2020

Giải thơ Lê Thánh Tông do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Hội VHNT Quảng Ninh đã bước sang mùa thứ 28. Song, điều đáng buồn là không ít lần giải thơ này bị phát hiện có trường hợp đạo thơ. Lâu nay chuyện đạo văn, thơ không còn là chuyện lạ trong hoạt động sáng tác văn học hiện nay đặc biệt trong các cuộc thi thơ. Điều đáng nói không nằm ở chỗ những tác giả đã đạo thơ, văn thế nào mà điều khiến độc giả quan tâm lại chính là khả năng thẩm định, cũng như uy tín của các nhà văn, nhà thơ - những vị giám khảo cần cân nảy mực trong các cuộc thi này. Với mục đích đem đến một cái nhìn rõ nét hơn về  thực trạng này, Văn nghệ xin chuyển đến bạn đọc bài viết  của tác giả Phạm Học về giải thưởng Lê Thánh Tông tại tỉnh Quảng Ninh.

Giải thơ Lê Thánh Tông lần thứ 28 năm 2016 vừa được tổ chức đã nhận được 101 tác phẩm của 88 tác giả thuộc 18 câu lạc bộ thơ gửi về dự giải. Sau vòng chấm chung khảo, Ban Giám khảo đã tổng kết, chọn được 2 giải A, 3  giải B, 12 giải C, 8 giải Khuyến khích. Một thành viên Ban Chung khảo đánh giá: “-Bên cạnh những bài thơ được dụng công, tìm tòi hướng tới cái mới, còn không ít những bài thơ nặng về kể một cách thực thà, đơn điệu ai cũng có thể kể và nói được dễ dàng. Tuy giải Thơ Lê Thánh Tông lần thứ 28 này chưa xuất hiện những tác phẩm thực sự xuất sắc, ghi đậm dấu ấn; nhưng đã là một mùa thơ đẹp góp phần vào nền thơ ca và VHNT”. Những bài thơ tiêu biểu nhất đã được giới thiệu trên một tờ báo văn nghệ địa phương.

Tuy nhiên, khó mà khẳng định đây là “mùa thơ đẹp” khi trong số 13 bài thơ được giới thiệu thì có bài “Nắng sân trường” của P.T. L (Trường THPT Cẩm Phả) được trao giải C giống hệt với bài thơ “Nắng ấm sân trường” của nhà thơ Nguyễn Liên Châu, người gốc Hải Phòng đang sống ở TP Hồ Chí Minh. P.T. L đã lấy bài thơ gốc cắt đi chữ “ấm” trong tựa đề, cắt bỏ 8 câu giữa và cứ chỗ nào có chữ “thầy” thì đem sửa thành “cô”, mang “cây điệp già” sửa thành “cây xà cừ”. Điều đáng trách cả những người chấm sơ khảo và chung khảo ở chỗ đọc thơ mà không nhận ra những điêu bất hợp lý. Câu thơ bản gốc là “Nắng ghé theo chồm lên ngồi bệ cửa” L đã sửa 2 “chồm” thì sửa thanh “chườm” và “ngồi” sửa thành “ngời”. Và thêm nữa gió “thoảng” thì sửa thành “thoáng”. Và cả bài thơ nói giọng cô ấm, giọng sâu lắng tự dưng câu kết sửa nắng “ấm” thành nắng “vàng”, sửa “nhờ” thành “ngờ” làm hỏng cả câu thơ: “Nắng vàng hơn ngờ giọng ấm của cô”. Màu nắng vàng mà ngờ giọng ngâm thơ của cô thì không ai so sánh như thế cả.

Chứng kiến những bài thơ đạo chắp vá, tân trang kiểu như trên vào giải, bạn đọc sẽ không thể không đặt câu hỏi về khả năng thẩm thơ cũng như sự hiểu biết của Ban giám khảo ở cả vòng sơ khảo lẫn chung khảo.

Các tác giả tại lễ trao giải thơ Lê Thánh Tông

Trao đổi với chúng tôi, nhà thơ Nguyễn Châu, người nhiều năm làm thành viên ban chung khảo cho biết: “-Giải thơ này rất khó quản lý về mặt chất lượng”. Và cũng chính vì điều đó mà ông xin rút không tham gia chấm thơ ở giải này nữa. Nhà thơ Nguyễn Châu chỉ ra nguyên nhân của việc chất lượng sa sút và khó quản lý: Hiện nay, người ta quá thiên về phong trào mà không coi trọng chất lượng. Vì theo phong trào nên câu lạc bộ nào cũng phải có giải. Trong khi đó rất nhiều CLB hiện nay chỉ tập hợp những người yêu thơ chứ không phải những người có khả năng sáng tác. Cho nên cứ gần đến ngày, các CLB mới bắt đầu thôi thúc các thành viên nộp tác phẩm. Có người không sáng tác được đành đi chép của người khác mang nộp. Trước đây, người ta chép thơ nổi tiếng của những nhà thơ lớn thì bị phát hiện ngay. Bây giờ, họ chép thơ tinh vi hơn, chép của những người chưa nổi tiếng, chép ở những tờ báo xa Quảng Ninh.

Để hạn chế đạo thơ, theo nhà thơ Nguyễn Châu phải làm cách nào đó để CLB tự quản lấy chất lượng sáng tác với quy định, quy chế riêng về kỷ luật, phê bình hay bêu tên chẳng hạn. Còn nhà thơ Dương Phượng Toại thì cho biết, năm nay cũng có một trường hợp học sinh mang thơ của mẹ đề tên mình để dự giải. May là chưa trao vì nhận được hành vi cô giáo đến xin rút cho em ấy. Nếu có trường hợp xảy ra đã trao giải thì rút lại và thông báo. Nhà thơ Trần Nhuận Minh cũng khẳng định: “-Nếu có (hiện tượng đạo thơ-PV) thì cảnh cáo và thu hồi giải, Ban Chung khảo sẽ xin lỗi bạn đọc”. Bạn đọc đang mong chờ lời xin lỗi ấy.

 Phạm Học/baovannghe.com.vn