Lai Châu: Khu phố  “Hồng Kông” trở nên đìu hiu và hoang tàn

00:00 12/10/2020

Công trình thủy điện Lai Châu  khởi công kéo theo hàng nghìn công nhân lên làm việc; cùng với đó là các dịch vụ kinh doanh mới xuất hiện biến điểm bản Noong Kiêng vốn chỉ gần chục hộ dân trở thành khu phố “ Hồng Kông” với hàng quán san sát và dòng người qua lại tấp nập đông như trẩy hội. Nhưng cũng từ khi các hạng mục của công trình thủy điện Lai Châu hoàn thành, công nhân rút dần, khu phố “ Hồng Kông” trở nên đìu hiu và hoang tàn…

khu-nha-o-thuy-dien-bo-hoang  

Khu ở của công nhân thủy điện bỏ trống ( Ảnh: Thái Thịnh)

Noong Kiêng là điểm bản thuộc thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Điểm bản này gần chỗ  ở của công nhân các công ty, doanh nghiệp thi công, công trình thủy điện Lai Châu. Chính nhờ vị thế này mà điểm bản nhanh chóng thu hút tiểu thương khắp nơi tìm đến kinh doanh và được mệnh danh là khu phố “ Hồng Kông”. Điểm bản Noong Kiêng lúc cao điểm có trên 40 quán karaoke, hàng chục nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ, quán xá san sát với đủ các thứ hàng hóa. Chính vì vị trí thuận lợi buôn bán mà giá thuê mặt bằng và ki ốt ở đây bị đẩy lên kịch trần. Thời điểm thuê năm 2011 đến 2013 một ki ốt được làm tạm khoảng 30m2 có giá từ 4-5 triệu đồng trên tháng, giá thuê đất không cũng chẳng chênh lệch là bao. Do nhu cầu nên người thuê, người bán vẫn tấp nập khiến khu Noong Kiêng thay đổi chóng mặt. Giá các mặt hàng và dịch vụ khác cũng theo đó tăng lên… Nhưng có thực tế hầu hết dân tiểu thương đến làm ăn đều chỉ dựng ốt tạm nên đến nay khi Thủy điện Lai Châu công nhân đã rút gần hết thì Noong Kiêng một thời được mệnh danh là khu phố “ Hồng Kông” trở nên đìu hiu và hoang tàn. Nhưng tiểu thương trụ lại có ốt đã thay đổi phương thức kinh doanh hướng về đối tượng là người dân tộc bản địa. Chị Nguyễn thị Lan một người kinh doanh hàng ăn cho biết: Trước đây quán chị lúc nào cũng đông, có lúc khách còn phải chờ vì không còn bàn. Giờ đây mỗi ngày chỉ lác đác vài khách mà đấy là đã kinh doanh thêm hàng tạp hóa và  chè thập cẩm, Kinh doanh giờ còn không đủ ăn chỉ cố bám trụ hêt hợp đồng thôi. Karaoke một thời tấp nập là vầy giờ cũng rút gần hết chỉ còn lại vài quán là của chính người địa phương nhưng thu nhập chỉ còn bằng 30% trước đây. Chị Lò Thị Thuấn, một chủ quán karaoke cho biết: trước đây khách muốn đến hát thường phải gọi đặt phòng trước chứ giờ thi thoảng mới có khách cũng chẳng buồn trông quán. Cái biển hiệu gió rách cũng chưa muốn thay, vì có thay cũng không có khách lại tốn kém thêm… Thực trạng việc kinh doanh chạy theo công trình lớn với việc xây dựng tạm bợ và kiểu kinh doanh "ăn xổi" đang đặt ra vấn đề trong công tác quản lý xây dựng và môi trường. Giờ đây khi Thủy điện Lai Châu cơ bản đã hoàn thành các hạng mục, thì những công trình xây dựng tạm bợ bỏ trống, diện mạo của một vùng đất giáp danh đìu hiu với tiềm ẩn vấn đề về môi trường, những nhà tạm xuống cấp không cón khả năng sử dụng, việc chuyển đổi hình thức kinh doanh cho các hộ dân giáp danh… là những vấn đề mà địa phương nơi đây cần chú trọng nhất là hiện tại khi mùa mưa đã đến thì những căn nhà xuống cấp đang được nhiều cán bộ của huyện Nậm Nhùn sử dụng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mất an toàn. Thiết nghĩ huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu nên phối hợp với Ban Quản lý thủy điện rà soát lại những công trình của công nhân thủy điện Lai Châu không còn khả năng sử dụng để tháo dỡ hoặc gia cố…nhằm tránh những thiệt hại không đáng có. Thái Thịnh