Lạc quan về kinh tế Việt Nam hai tháng đầu năm 2016

00:00 12/10/2020

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), mặc dù kinh tế thế giới đang có chiều hướng sụt giảm, nhưng Việt Nam lại không chịu ảnh hưởng lớn từ vấn đề này, cụ thể trong 2 tháng đầu năm 2016 kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng chú ý về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), thị trường chứng khoán và trái phiếu chính phủ.
doanhnghiepphasan
Lượng DN giải thể, ngừng hoạt động giảm là một trong những điểm đáng chú ý trong 2 tháng đầu năm 2016 
Theo báo cáo của UBGSTCQG đánh giá, tình hình kinh doanh của DN 2 tháng đầu năm 2016 tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, điều kiện kinh doanh của DN được cải thiện tháng thứ 2 liên tiếp. Chỉ số PMI tháng 1 năm 2016 đạt 51,5 điểm, tương đương với cùng kỳ năm 2015 và tốt hơn so với cuối năm 2015. Điều này cho thấy, môi trường sản xuất kinh doanh đã, đang được tiếp tục cải thiện và có dấu hiệu phát triển. Bên cạnh đó, số DN thành lập mới trong tháng đầu năm 2016 tiếp tục tăng cả về chất và lượng. Số DN thành lập mới trong tháng 1/2016 tăng 21,2% về lượng và 87% về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2015. Số DN giải thể, chấm dứt hoạt động giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, tạo được môi trường kinh doanh phù hợp rất quan trọng cho sự phát triển của DN. Không thể phủ nhận những nỗ lực của Nhà nước trong thay đổi thể chế, chính sách, luật pháp để phù hợp hơn với DN. Trước đây, nhiều chuyên gia tỏ ra khá lo ngại về sự “trồi sụp” của DN khi mức độ thành lập và gia tăng đều “tỷ lệ thuận’ nhưng thống kê trên cho thấy, tình hình đã bắt đầu có nhiều dấu hiệu khả quan. Bên cạnh đó, Điểm đáng chú ý khác là thị trường cổ phiếu. Tháng 2/2016 có xu hướng phục hồi nhẹ nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2015 của nhiều DN niêm yết. Xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã có dấu hiệu giảm rõ nét. Tính từ đầu tháng 2, khối ngoại chỉ bán ròng 191 tỷ đồng giá trị cổ phiếu niêm yết. Rủi ro rút vốn của khối ngoại thấp và chỉ mang tính thời điểm. Phân tích cho thấy những dòng vốn đầu tư trung dài hạn vẫn chiếm tỷ trọng chủ đạo và các cơ hội đầu tư dài hạn trên thị trường Việt Nam là hấp dẫn. Đặc biệt, thị trường trái phiếu Chính phủ có nhiều kết quả đáng chú ý. Tuy khối lượng phát hành TPCP tháng 2/2016 giảm so với tháng trước, song tỷ lệ phát hành thành công TPCP đạt mức cao hơn tháng 1/2016 (tháng 2 đạt 96,6%, tháng 1 đạt 65,6%). Tuy nhiên, tỷ lệ phát hành thành công vẫn tập trung chủ yếu vào TPCP kỳ hạn 5 năm (chiếm 85%). Tính lũy kế 2 tháng đầu năm 2016, tổng khối lượng phát hành TPCP đạt 52.119 tỷ đồng, đạt 68,5% kế hoạch quý I và bằng 23% kế hoạch năm. Với kết quả này, áp lực về nguồn cung tiền cho ngân sách Nhà nước sẽ giảm bớt. Cũng theo báo cáo, một số nền kinh tế các nước trên thế giới có dấu hiệu suy giảm. Đơn cử, nền kinh tế Mỹ dần hồi phục nhưng chưa vững chắc. Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản giảm 0,4% trong quý 4/2015 do chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu giảm mạnh. Nhiều chuyên gia lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc khi tăng trưởng kinh tế quý 4/2015 chỉ đạt 6,8%. (congluan.vn)