Lạ đời doanh nghiệp FDI báo lỗ triền miên vẫn mở rộng đầu tư

00:00 12/10/2020

Theo GS. TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước. Tuy nhiên, dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước

Gần 2 nghìn DN ở TP HCM báo lỗ nhiều năm

Ngày 9/6, tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán nhà nước”, GS. TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, sau hơn 30 năm mở cửa, hội nhập và cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, Việt Nam đã chứng tỏ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Các dự án FDI đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển. Đặc biệt, từ khi thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987) đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 30 nghìn dự án đến từ 130 nước và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đạt 362 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 211 tỷ USD.

Tuy nhiên, một trong những tiêu cực được ông Tiên chỉ ra là hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước. Trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến hành vi “chuyển giá”. Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp, như TPHCM có gần 60% trong số trên 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Hay Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 – 2011.

Theo lãnh đạo KTNN, một điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, các ví dụ điển hình như trường hợp của Cocacola hay Pepsi. Điều đáng nói là trong khi doanh nghiệp FDI báo lỗ thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, giày da. Chính hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI đã gây thất thu cho ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng trong nhiều năm qua.

GS. TS. Đoàn Xuân Tiên cho biết, qua hoạt động kiểm toán hàng năm, KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên một số lĩnh vực như môi trường, đất đai, chuyển giá. Từ đó đã có các kiến nghị các cơ quan quản lý khắc phục những sai sót, yếu kém, sửa đổi, bổ sung các quy định để ngăn chặn các “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách.

GS. TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước

Ô nhiễm đã báo động

Trong khi đó, GS. TSKH. Nguyễn Mại Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, một số doanh nghiệp FDI đã lợi dụng sơ hở của quản lý nhà nước gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, thậm chí đến mức nghiêm trọng, tác hại cả hệ thống sông ngòi ở Nam Bộ, Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ, nhiều khu công nghiệp không có hệ thống xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng.

“Tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến lúc phải báo động để có được những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục về cơ bản, bảo đảm sự phát triển bền vững cho thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau”, ông Mại nhấn mạnh.

Còn tình trạng chuyển giá đã được phát hiện trong những năm gần đây gắn với tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng nguyên nhân quan trọng, theo ông là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp FDI. Tình trạng đó đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước và hiện tượng “lỗ giả, lãi thực” trong khi không ít doanh nghiệp tuy công bố lỗ trong nhiều năm nhưng vẫn tái đầu tư, mở rộng sản xuất.

Viện dẫn quy định tại Luật Kiểm toán nhà nước 2015, GS Nguyễn Mại đề nghị, trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến tài sản công khi thực hiện liên doanh với nước ngoài, PPP có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì KTNN cần tiến hành kiểm toán để xác định giá trị tài sản công bị thiệt hại và xử lý theo thẩm quyền.

“Cần lưu ý rằng, đầu tư nước ngoài chịu điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, đồng thời phải tuân thủ các hiệp định quốc tế mà nước ta đã tham gia, nhất là Hiệp định bảo đảm đầu tư, do đó các cơ quan giám sát luật pháp khi thực hiện chức năng của mình cần quan tâm đến các cam kết quốc tế của Việt Nam”, ông Mại cho hay.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam còn chỉ ra thực trạng một số nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp liên doanh, công ty TNHH hai thành viên trở lên đã thực hiện hành vi thâu tóm thông qua quyền góp vốn chi phối, quản lý điều hành để tạo ra tình trạng lãi thật, lỗ giả, mất vốn điều lệ. Từ đó buộc “bên Việt Nam” chuyển nhượng phần vốn góp, chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, làm giảm hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam liên doanh, liên kết với nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Phòng đề nghị nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng vốn mỏng, chuyển giá, đầu tư chui, đầu tư núp bóng. Đồng thời bổ sung quy định điều kiện về quốc phòng, an ninh trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.