Kỳ vọng doanh nghiệp nội ‘bắt tay’ cùng làm lớn

00:00 12/10/2020

Câu chuyện hợp tác giữa Kido và Vinamilk tạo liên danh nước giải khát là tiếp diễn sự bắt tay của các “ông lớn” nội địa, nhưng rất cần được mở rộng liên kết ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo thế cạnh tranh cho khối nội.

CTCP tập đoàn Kido (KDC) và Vinamilk vốn dĩ là thương hiệu hàng đầu của Việt Nam có năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) các sản phẩm mới rất mạnh. Ở đại hội cổ đông ngày 9/6 của Công ty thực phẩm đông lạnh Kido (công ty con của KDC) đã gây sự chú ý cho nhiều người khi công bố một liên danh giữa Kido và Vinamilk để phát triển lĩnh vực nước giải khát, kem, thực phẩm đông lạnh.

Liên kết giữa các “ông lớn”

Theo đó, mục tiêu doanh thu từ liên doanh này (tỷ lệ vốn góp của Vinamilk là 51%, còn KDC là 49%) trong năm đầu tiên sẽ là 2.000 tỷ đồng. 

Như chia sẻ của ông Mai Xuân Trầm, Phó tổng giám đốc KDC, việc liên danh với hy vọng tạo sự bứt phá trên thị trường (dù ngành này đang cạnh tranh gay gắt) khi cả hai có khoảng trên một triệu điểm bán sản phẩm (trong đó có 600.000 điểm bán tạp hóa có các loại sữa, 450.000 điểm bán thực phẩm thiết yếu, 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh).

HINH-3546-1591700536.jpg

Việc bắt tay hợp tác giữa các DN nội địa rất cần được mở rộng trong lúc dịch Covid - 19 vẫn đang ảnh hưởng tới thị trưởng xuất khẩu

Bên cạnh đó, với việc mạng lưới xuất khẩu của Vinamilk tại 30 quốc gia cũng là một lợi thế để đưa sản phẩm nước giải khát của liên danh này xuất khẩu được tốt hơn.

Từ việc hợp tác này cũng có thể liên hệ đến những cuộc bắt tay của các “ông lớn” nội địa trong thời gian gần đây. Chẳng hạn như trong thương mại điện tử (TMĐT) thì mới đây có thoả thuận sáp nhập giữa hai sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam là Sendo và Tiki. 

Hoặc trước đó có CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) đầu tư làm lớn ngành nông nghiệp thông qua việc bắt tay hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), rồi sau đó là hợp tác với CTCP Hùng Vương (HVG). 

Hay như cú bắt tay lịch sử giữa Vingroup và Masan hồi cuối năm ngoái được đánh giá là một động thái tích cực, thể hiện tính liên kết của khối DN tư nhân trong nước để cùng phát triển thông qua hợp tác với nhau.

Như việc hợp tác của Thaco với HVG, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường từng khẳng định đó là cả sự dũng cảm lớn, nhất là với Thaco  đang từ công nghiệp “nhảy” sang làm cơ khí nông nghiệp, làm cây ăn quả và nay là làm cả ngành chăn nuôi.

Và với những mối hợp tác giữa các “ông lớn” nội địa này, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đang được kỳ vọng rất lớn, nhất là niềm tin từ phía các doanh nghiệp (DN) nội liên kết với nhau.

Còn với việc hợp tác chiến lược giữa Thaco với HAGL để đầu tư chiến lược vào Công ty Nông nghiệp HAGL (HNG), sau hơn 1 năm hợp tác, tổng số tiền Thaco đã đầu tư là 22.194 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) đã giúp HAGL đã cơ bản ổn định dòng tiền và tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp. 

Không chỉ là bề nổi

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, cho rằng việc liên kết, hợp tác giữa các DN hàng đầu trong nước là rất cần thiết trong lúc này nhằm cân bằng thế cạnh tranh với khối DN ngoại, tăng sức chống chịu trong các đợt khủng hoảng (như dịch Covid-19) và phát triển thị trường xuất khẩu, tận dụng thị trường có các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc liên kết giữa các DN nội địa với nhau cần được mở rộng ra nhiều hơn dành cho DN vừa và nhỏ. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp sát sườn hơn. Chẳng hạn như việc liên kết sử dụng sản phẩm giữa các DN nội địa, đầu ra sản phẩm của DN này phải là đầu vào của DN kia.

“Trong khi đó, chúng ta lại yếu ở chỗ là các DN thường độc lập với nhau.Thậm chí, trong nước có nguồn nguyên liệu đó nhưng DN lại không mua trong nước mà lại mua ở nước ngoài vì có thể là thủ tục dễ hơn, rẻ hơn, chất lượng hơn…”, ông Dũng nói.

Bên cạnh việc hợp tác giữa các “ông lớn” nội địa có tính bề nổi, thì thực tế vẫn còn “phần chìm” từ việc liên kết rời rạc giữa các DN trong nước. Nguyên nhân là do lợi ích của những DN đồng hành không minh bạch và không rõ ràng vì thiếu đi các hợp đồng, bản cam kết hợp tác với nhau. 

Điều này, theo ông Dũng, khiến cho DN đi đơn độc và vừa yếu đi sức cạnh tranh, làm giảm đi tính cộng đồng trong hệ thống DN của Việt Nam do không ăn khớp với nhau về hệ tư tưởng, về sản phẩm mà không có “trọng tài” chung.

Bên cạnh đó, những chuẩn mực về liên kết chuỗi của các DN nội địa trong việc hợp tác với nhau lại thiếu đi sự thẩm định rõ ràng về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm cũng làm cho việc liên kết của khối nội trở nên khó khăn hơn.

Nếu để việc bắt tay của khối nội thực chất hơn thì điều mong mỏi là có sự chủ động liên kết giữa các DN nội và cùng nhau gỡ các “nút thắt” để việc bắt tay là “sân chơi” chung chứ không chỉ là bề nổi của riêng các “ông lớn”.

Thế Vinh