Kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9: Lịch sử làm nên dấu ấn cho tương lai

00:00 12/10/2020

Ngày này cách đây 71  năm, trước hàng chục vạn đồng bào ở thủ đô Hà Nội, đại diện cho hơn 20 triệu đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đây lịch sử dân tộc Việt Nam sang trang mới, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. 71 năm trôi qua kể từ thời khắc lịch sử ấy, nước Việt Nam ngày càng phát triển và không ngừng nỗ lực khẳng định vị thế của một quốc gia độc lập, tự chủ trên trường quốc tế.

Ngày 2/9/1945 đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi nhất trong hành trình mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam trước toàn thế giới. Không chỉ vậy, Tuyên ngôn độc lập còn đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. images996237_1 Tuyên ngôn độc lập ra đời cũng đánh dấu thắng lợi của gần một thế kỷ dân tộc Việt Nam kiên cường chống thực dân và phong kiến, là thắng lợi của khát vọng tự do, độc lập. Từ đây với tư cách người chủ thực sự của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang: giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận:  “Sự kiện 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập và xác lập nền Dân chủ Cộng hòa không chỉ chấm dứt chế độ đô hộ của phát xít, của thực dân Pháp mà chấm dứt luôn cả chế độ phong kiến. Sự kiện này đưa đất nước Việt Nam sang một thời kỳ lịch sử mới với nền tảng là nền dân chủ cộng hòa để từ sức mạnh của quốc gia độc lập ấy, chúng ta tiếp tục những cuộc kháng chiến giữ nước sau này.”. Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 không những khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, mà còn báo hiệu sự thành lập một chế độ xã hội mới, chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á, mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại. Giáo sư người Mỹ George Michael cho rằng: Ở tầm quốc tế, sức ảnh hưởng của sự kiện Việt Nam giành được độc lập vào năm 1945 là vô cùng lớn. Sự kiện này như là một hình mẫu cho các quốc gia bị thực dân đô hộ. Tôi cho rằng việc Việt Nam giành được độc lập vào năm 1945 đã truyền cảm hứng cho các nước cũng phải chịu sự áp bức của chế độ thực dân. Tôi nghĩ rằng người dân Việt Nam có một niềm tự hào đặc biệt trước sự kiện này vì họ đã giành được độc lập trước tất cả các quốc gia tại khu vực này trong thời gian sau thế chiến thứ II.” 71 năm kể từ ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đất nước Việt Nam đang không ngừng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ. Sau hơn 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đạt được những thành tựu to lớn. Sức mạnh tổng hợp quốc gia tăng lên rất nhiều. Việt Nam được bạn bè thế giới mến phục, coi là biểu tượng của sự ổn định xã hội, tinh thần chiến thắng đói nghèo, đề cao nhân nghĩa trong thế kỷ XXI. Những thành tựu to lớn đã đạt được từ ngày thành lập nước đến nay chứng tỏ sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam. Trên con đường phát triển, Việt Nam đang phấn đấu để năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị – xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, tạo tiền đề vững chắc để phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn trong các giai đoạn sau. Tiếp tục tinh thần của Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, trong giai đoạn này đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện bằng được mục tiêu đó. Song đường cách mạng không phải chỉ có hoa hồng, đoạn đường sắp tới còn nhiều chông gai, nhất là trong tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu và những khó khăn thách thức của bản thân nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập. Mười năm trong ngôi nhà toàn cầu WTO là quãng thời gian cần thiết để đánh giá quá trình hội nhập lâu dài của Việt Nam, để nhận ra đâu là hướng đi phù hợp mà rút ra bài học kinh nghiệm bổ ích. Hội nhập mở ra những cơ hội lớn, thúc đẩy tự do hoá thị trường, mở cửa cơ chế thông thoáng hơn và nguồn lực phân bố hiệu quả hơn. Những gì đạt được 10  năm qua là rất quan trọng, song vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Bắt đầu lộ diện nhiều thách thức mà trước đây ta chỉ mới cảm nhận theo kiểu dự báo. Đã thấy rõ hơn những “nút thắt cổ chai”trong tiến trình phát triển ở nước ta: Cơ sở hạ tầng rất yếu; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; tệ quan liêu, tham nhũng còn rất nặng; còn thiếu nhất quán về chính sách… Một lần nữa, bài học về sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân lại được Đảng ta đặt lên hàng đầu để toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, vì một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, vì thế, đã khẳng định trong bài phát biểu của ông tại Diễn đàn doanh nghiệp Singapore- Việt Nam ngày 30/8/2016: “Qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước chúng tôi đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế có bước phát triển nhưng chưa vững chắc, nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao; cơ cấu nguồn nhân lực mất cân đối, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ tiếp tục là những yếu tố cản trở sự phát triển… Trong tình hình đó, chúng tôi tiếp tục phát huy cao độ tinh thần yêu nước, huy động mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân, đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”.  71 năm qua, ý Đảng, lòng dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, con tàu cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn để vượt trùng khơi. 71 năm ấy, tình đoàn kết muôn người như một đã giúp Việt Nam làm nên chiến thắng hai đế quốc hùng mạnh và đang khẳng định vị thế Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế. Bài học đoàn kết ấy vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng đất nước hôm nay. Tổ quốc Việt Nam đã độc lập, tự do. Khát vọng hòa bình và tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi con người Việt Nam và đây cũng là nguồn động viên lớn để khơi dậy lòng nhiệt huyết của thế hệ hôm nay quyết giữ vững nền độc lập tự do. (Theo congluan.vn)